Những phát hiện khảo cổ đầy bất ngờ trong năm 2016

(Dân trí) - Năm 2016 là năm giới khảo cổ phát hiện ra nhiều bí mật ẩn sâu trong lòng đất. Những phát hiện này góp phần làm rõ những giá trị văn hoá và di sản mà cha ông đã để lại nhưng bị vùi sâu dưới những lớp tàng tích.

Phát hiện về nguồn gốc người Việt tại Gia Lai

Tháng 3/2016, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã phối hợp với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibrirsk, Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga khai quật các di tích Gò Đá, Rộc Tưng thuộc thị xã An Khê (Gia Lai), phát hiện 58 hiện vật đá tại di tích Gò Đá (phường An Bình, thị xã An Khê) gồm: 9 công cụ mũi nhọn, 5 công cụ chặt, 9 nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch không định hình, 12 mảnh tước và 12 hạch đá. Và tìm thấy 123 hiện vật đá tại di tích Tộc Rưng (xã Xuân An, thị xã An Khê), gồm: 1 công cụ ghè 1 mặt, 7 công cụ mũi nhọn, 2 công cụ nạo cắt, 1 công cụ chặt thô, 18 mảnh cuội, 4 mảnh tước và 13 hạch đá, 102 mảnh tectit...

Khai quật khảo cổ ở Gia Lai. Ảnh: HTL.
Khai quật khảo cổ ở Gia Lai. Ảnh: HTL.

Hầu hết các công cụ ở đây được làm từ đá quartz, tiêu biểu là các loại công cụ chặt làm từ các viên cuội to thô, những mũi nhọn lớn làm từ hạch đá quartz, nạo làm từ mảnh tước nhỏ.

Các phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định thượng lưu sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm. Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học khẳng định các phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, tạm thời được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

Tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung ở Huế

Vào 6/10, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế tiến hành khai quật thăm dò dấu vết mộ vua Quang Trung. Gần 10 ngày đào thăm dò 5 hố tại chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước và 2 nhà người dân trong khu vực gò Dương Xuân, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một phần nền móng cùng nhiều di vật như sành, sứ… Một số chuyên gia nghi ngờ các di vật này có liên quan đến cung điện Đan Dương của vua Quang Trung.

Khai quật khảo cổ tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Huế. Ảnh: TL.
Khai quật khảo cổ tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Huế. Ảnh: TL.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, nhận định việc đào thăm dò mới chỉ phát lộ nền móng của một công trình kiến trúc. Tuy nhiên, để xác định đó có phải tường thành cung điện Đan Dương hay không thì còn phải nghiên cứu tiếp.

Làm rõ quy mô, kiến trúc Thành nhà Hồ

Tiến hành khai quật từ tháng 5 - 9/2016 với diện tích 3000m2 tại khu vực Hào thành phía Bắc Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), nhiều di tích và di vật quan trọng thuộc các niên đại Trần, Hồ, Lê, Nguyễn đã được phát hiện, gồm các vật liệu kiến trúc như: gạch, ngói, đá khối, trang trí kiến trúc và nhóm các loại hình đồ dùng trong sinh hoạt như sành, sứ, tiền kim loại.

Dựa trên mặt bằng khai quật và xem xét chi tiết các dấu tích văn hóa xuất lộ, các nhà khảo cổ học xác định tại đây có một nền kiến trúc gia cố, chân thành và hệ thống Hào thành phía Bắc được gia cố bằng đá khối kích thước nhỏ và đất sét đầm lẫn nhiều sạn sỏi, phần lòng hào rộng 60m, khu vực lòng hào sâu nhất tới gần 7m so với cos 0. Các nhà khảo cổ học đánh giá cao kết quả khai quật và xác định ngoài chức năng phòng thủ, Hào thành còn là một công xưởng chế tác, tinh chế đá trước khi đưa lên xây lắp.

Những hiện vật thu được trong cuộc khảo cổ ở thành nhà Hồ năm 2016. Ảnh: TL.
Những hiện vật thu được trong cuộc khảo cổ ở thành nhà Hồ năm 2016. Ảnh: TL.

Ngoài ra, vào ngày 25/9, trong lúc đào móng nhà, ông Trịnh Văn Loán, ở thôn Cầu Mư, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc - nằm cách Di sản thế giới Thành Nhà Hồ hơn 1 km về phía Đông Nam đã phát hiện một chiếc trống đồng cổ. Trống có đường kính 59cm, chiều cao 43cm. Mặt trên của trống có trang trí sao 12 cánh đắp nổi, không có tượng cóc trang trí ở rìa mặt trống; các hoa văn, họa tiết tinh xảo. Qua hình dáng, hoa văn, họa tiết của chiếc trống đồng vừa được phát hiện, các nhà khoa học đã nhận định, đây có thể là trống đồng Đông Sơn loại I (Heger I), có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm.

Phát hiện văn hoá tiền Sa Huỳnh ở Bình Thuận

Ngày 10/9, nhóm các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng tỉnh Bình Thuận chính thức công bố kết quả khảo cổ văn hóa tiền Sa Huỳnh tại di tích động Bà Hòe ở Bình Thuận. Trong đợt khai quật này, nhóm khảo cổ đã mở 5 hố khai quật trên động cát với tổng diện tích 324 m2. Vùng khai quật đã xuất lộ 43 mộ táng, trong đó có 27 mộ đất và 16 nồi táng.

Khai quật khảo cổ tại di tích động Bà Hoè ở Bình Thuận. Ảnh: TL.
Khai quật khảo cổ tại di tích động Bà Hoè ở Bình Thuận. Ảnh: TL.

Các nồi táng kích thước khá lớn, có hoặc không nắp đậy và có cả đồ tùy táng cả ở bên trong và bên ngoài. Đồ tùy táng chôn theo là đồ đá và đồ gốm, chủ yếu là công cụ sản xuất như: rìu, cuốc, dọi se chỉ... cùng các loại đồ dùng sinh hoạt như: nồi, bình, bát bồng và cốc, kể cả hạt chuỗi thủy tinh màu da cam.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn thu được một khối lượng khá lớn di vật của người xưa bằng gốm và đá. Thông qua kết quả khai quật, chúng ta biết được một khung niên đại kéo dài hơn 3.000 năm mà trước đây các nhà nghiên cứu cho đó chỉ là văn hóa Sa Huỳnh thôi. Có nghĩa là, bên cạnh cư dân văn hóa Sa Huỳnh thì trước đó đã có những cộng đồng cư dân cư trú sớm hơn ở trên vùng đất này".

Hang động người tiền sử ở Bắc Kạn

Trong đợt khảo sát khảo cổ học tháng 7/2016, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Bắc Kạn đã phát hiện hai di tích hang động tiền sử trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là hang Thắm (huyện Na Rì) và hang Pác Vạt (huyện Ba Bể). Theo PGS.TS Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo sát, đây là lần đầu tiên phát hiện được di tích của cư dân văn hóa Bắc Sơn cổ trên đất huyện Na Rì.

Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, kết cấu trầm tích địa tầng văn hóa, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng, hang Thắm là một di tích cư trú của người tiền sử, có tuổi thời đại Đá mới, thuộc cư dân văn hóa Bắc Sơn có niên đại khoảng 8.000-9.000 năm cách ngày nay.

Hang Pác Vạt rộng gần 1.000m2, nằm trên sườn núi đá vôi thấp, cách sông Năng khoảng 40m. Quá trình khảo sát đã phát hiện hơn 10 công cụ đá ghè đẽo, gồm công cụ chặt thô, mũi nhọn, rìu ngắn. Đây là những công cụ lao động thô sơ mang tính đa năng của người tiền sử.

Những dấu tích còn lại cho thấy hang Pác Vạt là một di chỉ cư trú của cư dân tiền sử thuộc thời đại đá, niên đại có thể sớm hơn hoặc tương đương với hang Thắm ở Na Rì.

Các nhà khảo cổ đang tiếp tục nghiên cứu các địa điểm nói trên và có kế hoạch khai quật địa điểm hang Thắm trong thời gian tới.

Kiến trúc Đền Thần Shiva - Đồng Tháp

Ngày 12/3, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp ở huyện Tháp Mười - Đồng Tháp đã công bố kết quả thăm dò ở 4 khu vực: nhà hậu tổ, nhà ăn chùa Tháp Linh, chân Gò Tháp Mười, vị trí xây dựng nhà Trưng bày Xứ ủy và Văn hóa Óc Eo. Kết quả đợt khai quật này đã cung cấp nhiều tư liệu mới, nhận thức mới về các loại hình di tích, di vật văn hóa Óc Eo ở khu vực Gò Tháp.

Hiện vật thu được trong cuộc khai quật khảo cổ ở Đồng Tháp năm 2016. Ảnh: TL.
Hiện vật thu được trong cuộc khai quật khảo cổ ở Đồng Tháp năm 2016. Ảnh: TL.

Trong đợt thăm dò, khai quật lần này, đoàn khai quật khảo cổ đã tiến hành đào gần 40 hố thăm dò và đã tìm được kiến trúc Đền Thần Shiva phía tây chùa Tháp Linh. Kiến trúc Đền Thần Shiva phía tây nền chùa Tháp Linh là một công trình có giá trị khoa học và nghệ thuật cao. Đặc biệt, trong đợt khai quật lần này ý nghĩa nhất là phát hiện Ao Thần Gò Tháp Mười. Đây là kiến trúc Ao Thần bằng gạch thứ 3 được tìm thấy ở khu vực Gò Tháp (sau Ao Thần Gò Tháp ở khu vực “tường thành phía tây Gò Tháp Mười được khai quật năm 2010 và Ao Thần phía đông Gò Minh Sư khai quật năm 2013).

Ao Thần mới được phát hiện có diện tích khá lớn (576m2), khá nguyên vẹn nhưng lại không có nhiều vật. Tuy chưa được khai quật hoàn toàn nhưng có thể thấy Ao Thần có vai trò quan trọng trong tổ hợp kiến trúc Gò Tháp Mười với đền thờ chính là đền Vishnu nằm trên đỉnh gò, từ Ao Thần đến điện thờ chính là các kiến trúc phụ khác như đường đi, cổng.

Mộ táng ở Đông Sơn - Thanh Hoá

Từ ngày 20/4 đến 11/6, các chuyên gia khảo cổ Việt Nam đã tiến hành đào 6 hố thám sát tại khu vực trung tâm từng phát hiện di tích văn hóa Đông Sơn, thuộc phường Hàm Rồng, Thanh Hoá.

Cận cảnh nơi phát lộ những ngôi mộ táng ở Đông Sơn - Thanh Hoá. Ảnh: TL.
Cận cảnh nơi phát lộ những ngôi mộ táng ở Đông Sơn - Thanh Hoá. Ảnh: TL.

Qua khai quật 6 hố thám sát các nhà nghiên cứu phát lộ, sưu tập hơn 4.000 hiện vật gồm đồ đá, đồ đồng, gốm, sành sứ… Trong đó, một số hiện vật còn nguyên vẹn. Những di vật này chuyển tải thông tin về sự phát triển liên tục của văn hóa Đông Sơn; dấu ấn văn hóa ngoại lai trong thời kỳ Bắc thuộc và thời xây nền độc lập, tự chủ. Theo một số chuyên gia, đây là lớp mộ táng sau Đông Sơn, tương ứng thời Đường, thế kỷ VI-VII sau Công nguyên…

Được biết, các hố khai quật sẽ được lấp cát nhằm bảo tồn phục vụ việc quy hoạch, xây dựng công viên khảo cổ văn hóa Đông Sơn để phát huy giá trị di tích, tạo thêm sản phẩm du lịch. Đây cũng là hoạt động nhằm bổ sung tư liệu, luận cứ khoa học xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích Đông Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt.

Hà Tùng Long