1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

“Những kẻ lắm lời” và văn hóa chê

Trong khi talk show “Những kẻ lắm lời” của MC Thùy Minh đang vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận và sao Việt thì một vài show cũng với cách “phản biện” về quan điểm hay phong cách của nhân vật nổi tiếng lại hút sự quan tâm và được yêu thích. Nó đều khác nhau ở văn hóa khen - chê và cách người của công chúng đón nhận khen - chê, yêu - ghét thế nào.

Góc nhìn đa chiều hay show “buôn dưa lê”?

Bitches in town (Những kẻ lắm lời) do MC Thùy Minh lên ý tưởng và được chính công ty riêng của cô tổ chức sản xuất, hợp tác với kênh Youtube phát hành. Show đã phát được hơn 20 tập, bàn luận nhiều vấn đề khác nhau, nhưng tập trung nhiều vào mảng giải trí.

Thùy Minh chia sẻ, cô thực hiện show vì nhìn thấy đà phát triển của truyền thông số tại Việt Nam. Cô và êkíp muốn làm một talkshow hoàn toàn khác so với những chương trình ghi hình truyền thống từ trước đến nay - chỉ nói một chiều mà không có tính phản biện. Trong đó, ba người dẫn dắt (Thùy Minh, cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Thạch, stylist Lê Minh Ngọc) sẽ đem đến không khí gần gũi cho khán giả qua những cuộc trò chuyện mang tính chất mổ xẻ những vấn đề thời sự, xã hội, showbiz, từ khóa đang được giới trẻ sử dụng nhiều nhất trên mạng xã hội... với tiêu chí nói thẳng, nói thật và “vui là chính”.

Những ngày qua, chương trình đã nhận được sự quan tâm của khán giả, nhưng theo cách của một vụ scandal, mà Thùy Minh thừa nhận, lên báo theo cách này chẳng hay ho gì. Đặc biệt, sau khi Hoa hậu Đặng Thu Thảo lên tiếng đề nghị êkíp dừng sản xuất show, thì sao Việt cũng đồng loạt chỉ trích gay gắt, khiến Thùy Minh có cảm giác “Những kẻ lắm lời” đang bị “đánh hội đồng”.

Suốt những tháng qua, điểm tích cực mà mỗi tập “Những kẻ lắm lời” mang lại là giúp khán giả trẻ có cái nhìn đa chiều về các hiện tượng xã hội, có quyền tham khảo nhận xét về các bộ phim điện ảnh VN, các xu hướng thời trang mới hoặc nhận định những cá tính âm nhạc trong showbiz. Có điều, ngôn từ có phần bình dân của show bị cho là không phù hợp với văn hóa Việt và gây tổn thương đến nhiều nghệ sĩ.

Khi nhận xét về trang phục của ca sĩ Đông Nhi, blogger Nguyễn Ngọc Thạch đã ví von: “Ngày xưa có Bạch phát ma nữ, ngày nay có Kim Mao sư vương, vàng từ đầu tới đ**, cầm cái bông cũng vàng”. Chưa hết, bộ ba dẫn chuyện trong chương trình còn đánh giá nhan sắc của Đông Nhi: “Mặt Đông Nhi nhìn già quá, nhìn như bà ngoại Ông Cao Thắng chứ không phải vợ chồng hay tình nhân đâu”, hay "tốc váy lên để che hoa"... Chính những lời chê quá thẳng, quá thật này khiến nhiều nghệ sĩ cảm thấy bị xúc phạm.

Không chỉ bình luận nhạy cảm về nghệ sĩ, talkshow “Những kẻ lắm lời” còn đùa cợt nhân vật lịch sử Việt Nam. Trong tập 5 của chương trình “Những kẻ lắm lời”, chủ đề “Hỏi đáp nhanh kiến thức lịch sử” có nêu câu hỏi “Chồng của Trưng Trắc là ai?”. Một trong ba người dẫn chương trình cười nói: “Ông Trưng”. MC Thuỳ Minh nói theo: “Họ chưa lấy chồng”. Sau đó, cả ba người dẫn chương trình cùng cười ồ lên thích thú.

Hay ở đoạn khác, với câu hỏi “Chức danh của Bùi Viện (một vị quan dưới triều nhà Nguyễn, là nhà cải cách, ngoại giao có công với đất nước cuối thế kỷ 19 - PV) là gì?”, một người dẫn chương trình tỉnh bơ trả lời: “Ông vua của hàng bia”. Chính những điều này khiến dư luận chỉ trích “Những kẻ lắm lời” nặng nề hơn, chưa kể rất nhiều nhân vật cũng ăn theo độ hot của show để lên tiếng, nói dăm ba điều góp chuyện, rồi người làm show "đáp trả" càng khiến vụ việc thêm ồn ào.

Còn khán giả băn khoăn, mục tiêu “show góp thêm góc nhìn đa chiều cho khán giả” như Thùy Minh nói liệu đã đạt được, hay chỉ dừng ở mức “show buôn dưa lê”, như cách mọi người ngồi quán nước vẫn tán gẫu với nhau bằng những ngôn ngữ đời thường nhất và chỉ họ biết với nhau chứ không “lên sóng” Youtube cho nghìn người xem như “Những kẻ lắm lời”.

Nên học cách chê có văn hóa

Trong khi chương trình "Những kẻ lắm lời" đang làm dậy sóng làng giải trí Việt thì ở Mỹ, show kiểu “chê thẳng, chê thật” những nhân vật của công chúng đang nhận được sự quan tâm, không chỉ của công chúng mà bản thân các ngôi sao cũng vô cùng hứng thú.

Mỗi tập của "Celebrities Read Mean Tweets" - tự đọc lời chê - khi phát trên Youtube đều hút hơn triệu lượt xem, thậm chí vài chục triệu. Show cũng đảm bảo được yếu tố câu khách - khi để khán giả có góc nhìn khác về một sự kiện, nhân vật, kể cả khen và chê. Nhưng MC Jimmy Kimmel đã để chính “người nổi tiếng đọc những lời chê bai trên Twitter dành cho họ”. Có nghĩa, để người nổi tiếng làm quen và chấp nhận lời chê, vì nếu không chấp nhận họ sẽ không đọc to những lời đó với tất cả mọi người và cái khán giả chờ đợi nhất là phản ứng của sao khi đọc lời chê này. Đó là sức hấp dẫn khiến mỗi tập của Celebrities Read Mean Tweets hút hàng triệu lượt view.

Một show khác có tên Mean Tweets cũng có cách chê nghệ sĩ rất văn minh và được dư luận đón nhận. Những ngôi sao hạng A như Tom Hanks, Julia Roberts, Adam Sandler, Cate Blanchett, Britney Spears, Jon Hamm, kể cả Tổng thống Barack Obama đều là các nhân vật của chương trình. Họ đến và đọc to những lời chê về họ trên mạng xã hội, mà những lời đó đều rất chát chúa, mạt sát, trào lộng hơn “Những kẻ lắm lời” nhiều.

"Gangnam Style nghe bực mình đến phát ngấy và tôi muốn chọc một cái que vào mông Psy để hắn ta hết nhảy”, “Nếu bạn thấy Benedict Cumberbatch quyến rũ, tôi đoán bạn cũng có sở thích nhìn chằm chằm vào đít mèo”, “Làm thế nào cho mắt Obama sáng lên? Hãy chiếu đèn pin vào tai ông ta”, “Có thể chở ông Obama bay đên sân golf nào đó cách đây nửa vòng trái đất không và hãy để mặc ông ta ở đó” - là những lời chê trong các chương trình trên, nhưng được chính những nhân vật bị chê đọc lên với biểu cảm hài hước.

Ông Obama đã cười phá lên và thêm cái nhíu mày để minh họa thêm cho những ý kiến về mình. Anh chàng “Người nhện” Andrew Garfield cũng chọn cách cười phá lên khi đọc bình luận: “Có phải Andrew Garfield đang cố gắng hết sức để trông như một kẻ ấu dâm?”. Rồi nhiều sao khác nữa, họ có cách đón nhận lời chê khác nhau, có thể buồn, tức giận, thậm chí Selena Gomez còn nói lời cảm ơn khi bị chê hát chói tai đến mức chỉ muốn đập đài của một khán giả.

Nhưng đây là những show ở nước ngoài, còn ở Việt Nam, “Những kẻ lắm lời” là show đi tiên phong cho việc góp tiếng nói phản biện cho một sự kiện, nhân vật, nhưng cũng tiếc cho êkip. Show không phát trực tiếp, nếu chỉ cần biên tập kỹ một chút, để những đoạn 3 MC cười hô hố, bình luận như ngồi ở hàng nước được cắt gọn kỹ càng hơn, thì có lẽ dư luận sẽ không ồn ào như hiện tại. Nếu những người làm chương trình tiệm cận được ranh giới giữa việc nói thẳng, nói thật với xúc phạm, chế nhạo người khác thì chương trình sẽ tránh bị “tuýt còi”. Và nếu sao Việt cũng học cách chấp nhận lời chê, những người làm chương trình “chê có văn hóa” hơn thì khán giả Việt sẽ có thêm một “món ăn ngon” để thưởng thức, thay vì phải phiền lòng vì ngộ độc “rác văn hóa” như hiện tại.


Theo Bích Hà

Lao Động