1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Những điều thú vị về hành trình tìm lại bản thảo gốc “Nhật ký trong tù”

(Dân trí) - Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (Cao Bằng) đã dày công tái hiện lại hành trình 15 năm bị “thất lạc” của bản thảo gốc “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi Người ở Cao Bằng đến khi Người về Hà Nội.

Tìm ra người giữ bản thảo gốc "Nhật ký trong tù" ở Cao Bằng

Tối 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I (2016 - 2018). Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2018).

Trong số các giải thưởng được trao tặng cho cá nhân và tập thể, tác phẩm “Những điều chưa biết về Nhật ký trong tù” của tác giả Hoàng Quảng Uyên – Cao Bằng gây được khá nhiều chú ý. Đây là tác phẩm tập hợp những bài khảo cứu, chuyên luận, ghi chép về hành trình của “Nhật ký trong tù” trong 15 năm bị "thất lạc". Qua đó làm sáng rõ những điều chưa biết về tác phẩm này cũng như làm sáng lên phẩm cách của người anh hùng suốt đời vì nước, vì dân.


Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (bên phải) chụp tại nơi Bác Hồ từ Pắc Bó về Lam Sơn làm việc tháng 4/1942. Ảnh: NVCC.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên (bên phải) chụp tại nơi Bác Hồ từ Pắc Bó về Lam Sơn làm việc tháng 4/1942. Ảnh: NVCC.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên cho biết, ông đến với việc viết về Bác Hồ như một cái duyên tình cờ. Bắt đầu từ năm 2003, với việc đi tìm bản thảo gốc cuốn “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) ông đã say mê rồi viết nên nhiều tác phẩm về Bác Hồ như tiểu thuyết “Trông vời cố quốc”, “Mặt trời Pác Bó”... Theo chia sẻ của nhà văn Hoàng Quảng Uyên, vào một ngày cách đây nhiều năm, ông đọc được thông tin nói về việc bản thảo gốc của cuốn “Ngục trung nhật ký” bị “thất lạc” ở Cao Bằng. Thông tin này gây ám ảnh cho ông rất lớn, thôi thúc ông phải tìm ra ngọn nguồn câu chuyện.

“Năm 2003, tôi bắt đầu việc đi tìm bản thảo gốc “Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách đến BQL Di tích Hồ Chí Minh ở Cao Bằng. Tuy nhiên, mọi việc như “mò kim đáy bể”. Tôi tiếp tục tìm ngược xuống Hà Nội, đến Viện Văn học và gặp nhiều nhân vật lịch sử nhưng cũng không có manh mối nào. May thay, trong lúc mọi thứ đang đi vào bế tắc thì tôi đọc được bài viết “Bác lại về Lam Sơn” của ông Hoàng Đức Triều in trong cuốn “Bác Hồ về nước” do Hội Văn nghệ Cao Bằng xuất bản.

Bài viết kể về khoảng thời gian Bác Hồ dừng lại ở Lam Sơn trên đường từ Pác Bó tới Tân Trào. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi ở đây, Bác đã có những buổi đàm đạo thơ với các đồng chí của mình, trong đó có ông Hoàng Đức Triều (Chủ nhiệm Việt Minh xã Lam Sơn – Cao Bằng). Khi tôi tìm đến nhà thì ông Hoàng Đức Triều đã qua đời từ năm 1985.

Tôi may mắn gặp được con trai thứ 3 của ông là nhà thơ Hoàng Triều Ân. Chính nhà thơ Hoàng Triều Ân đã kể cho tôi biết, năm ông đang công tác ở 372 thì bố ông có đưa cho ông quyển sổ nhỏ giấy mềm viết bằng chữ Hán bảo đó là của Bác Hồ. Bố nhà thơ này còn căn dặn con trai phải tìm cách gửi về xuôi cho Bác. Lúc bấy giờ, nhà thơ Hoàng Triều Ân đã giao quyển sổ đó cho ông Dương Công Hoạt khi đó là Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng nhờ ông gửi cho Bác Hồ.

Trước đó, khi đọc trên báo Nhân dân đăng ngày 17/5/2003, tôi có đọc được bài báo của nhà báo Hồng Khanh kể, một hôm vào khoảng giữa năm 1955, đồng chí Tạ Quang Chiến (giúp việc cho Bác Hồ) có nhận được một phong bì dày cộm. Ngoài phong bì không ghi gửi tên ai mà chỉ biết từ Cao Bằng gửi xuống. Khi bóc phong bì ra thấy một quyển sổ nhỏ viết tay chứ Hán, Bác cầm xem qua một lượt rồi dâng trào niềm vui.

Bác nắm tay đồng chí Chiến bảo: “Qua kháng chiến 9 năm, Bác tưởng nó đã thất lạc đâu rồi. Bác chỉ nhớ mang máng khi ở Cao Bằng, công việc cách mạng cuốn hút khẩn trương, Bác gửi lại, giắt nó trên mái tranh của một nhà đồng bào. Rồi Bác nói lại văn phòng nên có thư cảm ơn và thưởng cho người giữ rồi chuyển “tài liệu” này”, nhà văn Hoàng Quảng Uyên kể.

Bác Hồ đề thơ trên vách núi Lủng Dẻ

Cũng theo nhà văn Hoàng Quảng Uyên, chính ông Phạm Văn Bình – Trưởng phòng giáo vụ trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện, dịch trọn vẹn 133 bài thơ trong bản gốc rồi nộp cho nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu lúc bấy giờ đã giao cho Viện Văn học kịp phát hành tập thơ vào năm 1960 nhân dịp Bác Hồ tròn 70 tuổi.

Những điều chưa biết về Nhật ký trong tù của nhà văn Hoàng Quảng Uyên vừa được trao giải B tại Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I.
"Những điều chưa biết về Nhật ký trong tù" của nhà văn Hoàng Quảng Uyên vừa được trao giải B tại Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I.

Việc tìm ra bản thảo gốc “Nhật ký trong tù” đã giúp nhà văn Hoàng Quảng Uyên hiểu rõ hơn hành trình của Bác Hồ trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở Quảng Tây (Trung Quốc) đến Cao Bằng. Bên cạnh đó, ông cũng đã góp phần luận giải một số điều chưa rõ về các bài thơ trong tập thơ này.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên cho biết, tháng 3/1942, Bác Hồ chuyển từ Pác Bó về Hòa An – Cao Bằng. Trong quãng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/1942, Người đã ở và làm việc tại rất nhiều địa điểm (chủ yếu các hang đá trên núi cao). Hang Lũng Dẻ thuộc xã Gia Bằng (nay là Minh Tâm, Nguyên Bình) là một trong những hang đá bác đã sống và làm việc. Tại đây, Bác đã tạc vào vách đá bài thơ “Thướng sơn” bằng chữ Hán.

“Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một cành mai” được xem là bài thơ chữ Hán hay bậc nhất của Bác Hồ, sánh ngang những bài thơ Đường hay nhất. Đọc bài thơ người ta thấy một phong cảnh núi non tươi đẹp nhìn từ đỉnh cao Lũng Dẻ và những gửi gắm của Bác về một tương lai tươi sáng của cách mạng Việt Nam.

“Tháng 6/1942, Bác cho dọn cơ quan lên núi cao Lũng Dẻ. Tại đây, Bác đã viết bài “Thướng sơn” vào vách núi cao Lũng Dẻ. Bài thơ được Bác tự tay viết lên vách núi với nét chữ rất mộc mạc, rất khỏe khoắn. Thời gian vẫn lưu lại bút tích của Bác trên vách đá để con cháu đời sau có thể được tận mắt nhìn thấy”, nhà văn Hoàng Quảng Uyên nói.

Sau khi rời Lũng Dẻ, Bác Hồ trở lại Lam Sơn (nơi đặt trụ sở của liên tỉnh ủy Cao Bắc Lạng) để chuẩn bị đi công tác.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên khởi nghiệp là thầy giáo dạy vật lý tại trường cấp 3 Nguyên Bình (Cao Bằng). Tuy nhiên, ông lại say báo chí, văn chương và thích phiêu lưu. Với nhiều tác phẩm chất lượng, năm 1981, ông được Đài Phát thanh - truyền hình Cao Bằng mời về làm việc. Từ đó, những bài ký thấm đẫm cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng do nhà văn người Tày sáng tác được lên sóng, đăng tải và gây tiếng vang.

Hoàng Quảng Uyên cũng là người gây ấn tượng trong giới làng văn bởi luôn chọn viết nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Mặt trời Pác Bó" (từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam),"Giải phóng", “Trông vời cố quốc” là những tác phẩm như vậy.

Hà Tùng Long