Những cú sốc từ “On the Road”

(Dân trí) - Bộ phim “On the Road” vừa gây sốc với những cảnh nude trần trụi của nữ diễn viên Kristen Steward. Khi là tiểu thuyết, "On the road" đã phải chờ 6 năm để được xuất bản. Dù là truyện hay phim, mỗi lần xuất hiện, “On the Road” đều khiến dư luận phải xôn xao.

Từ một tác phẩm văn học chờ 6 năm để được xuất bản…

“On the Road” (Trên đường) là tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mỹ Jack Kerouac, sáng tác dựa trên những chuyến đi xuyên quốc gia của nhà văn cùng các bạn bè. Đây được coi là tác phẩm văn học thời hậu Thế chiến II của thế hệ “Beat” – một thế hệ yêu nhạc jazz, thích thi ca và ham… cần sa.

Jack Kerouac - Đại diện tiêu biểu của thế hệ Beat những năm 1950 ở Mỹ


Jack Kerouac - Đại diện tiêu biểu của thế hệ Beat những năm 1950 ở Mỹ

Giới trẻ của thập niên 1950 đặc biệt thích du lịch, những chuyến đi với họ vừa mang ý nghĩa thực vừa là những hành trình của tâm tưởng. Chúng không hời hợt mà là những trải nghiệm sâu sắc đầy cảm xúc. Với thế hệ Beat, đi không phải chỉ để nhìn mà đi còn để nghĩ, để ngẫm và để sống.

“On the Road” được thai nghén từ đầu thập niên 1940, Kerouac đã viết nhiều bản nháp trước khi chính thức hoàn thiện tác phẩm vào năm 1951, tuy vậy, phải đợi đến năm 1957 “On the Road” mới được xuất bản.

Khi cuốn sách xuất hiện trên thị trường, tạp chí New York Times đã nhận định đây là “tuyên ngôn vĩ đại nhất của thế kệ Kerouac và Kerouac là biểu tượng của thế hệ Beat”. Năm 1998, “On the Road” được đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh xuất sắc nhất thế kỷ 20.

“On the Road” khắc họa khao khát cháy bỏng của những người trẻ muốn biết ý nghĩa của cuộc sống và rằng họ thực sự thuộc về đâu. Thế hệ Beat ra đời bởi những mâu thuẫn nội tại trong mỗi cá nhân và cũng bởi mâu thuẫn tới từ ngoại cảnh, từ những yếu tố lịch sử và thời đại.

Thập kỷ 1950, Thế chiến II vừa chấm dứt lại xảy ra Chiến tranh lạnh, trong bầu không khí yên bình giả tạo đó, thế hệ trẻ cảm thấy cuộc sống của mình dường như vô nghĩa và họ muốn tìm lý do để sống cho có ý nghĩa. Giữa những mâu thuẫn và thái cực đối chọi nhau, thế hệ Beat ra đời và họ lao đi để tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta phải sống như thế nào?”.

Thực chất để định nghĩa “thế hệ Beat” là một việc rất khó, những nhà nghiên cứu xã hội Mỹ cũng có nhiều cách diễn giải về thế hệ này, có người nói đó là thế hệ “mệt mỏi và suy sụp” nhưng cũng có người lý giải đó là thế hệ hạnh phúc, tự do nhất từng xuất hiện ở nước Mỹ khi họ cảm nhận rất rõ giá trị của hòa bình và được sống theo cách mà mình muốn.

… Đến một bộ phim chờ 55 năm để được chuyển thể

Năm 1957, sau khi cuốn “On the Road” được xuất bản, Kerouac đã viết thư cho tài tử kiêm đạo diễn điện ảnh nổi tiếng ở Hollywood lúc bấy giờ là Marlon Brando với mong muốn Brando hãy mua lại tác phẩm của mình để chuyển thể thành phim. Trong thư, Kerouac còn gợi ý rằng ông sẽ viết kịch bản và vào vai người dẫn chuyện Sal Paradise và Brando nên vào vai Dean Moriarty. Kerouac cũng gợi ý trước góc quay cho phim rằng “máy nên đặt ở ghế trước, vừa quay hình ảnh những con đường nhìn qua tấm kính chắn gió và khi quay cảnh trong xe sẽ thấy được toàn bộ khuôn mặt của các nhân vật chính”.

Góc quay trong phim đã tôn trọng ý tưởng của cố nhà văn


Góc quay trong phim đã tôn trọng ý tưởng của cố nhà văn

“Tất cả những gì tôi muốn từ việc hợp tác lần này là có thể kiếm đủ tiền cho tôi và mẹ để sống an nhàn trong phần đời còn lại, để tôi có thể đi vòng quanh thế giới viết về những đất nước xinh đẹp như Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp… Tôi muốn được hoàn toàn thư thái rảnh rang viết về những thứ nảy ra trong đầu và có đủ tiền để giúp đỡ bạn bè lúc họ gặp khó khăn cũng như không phải lo lắng gì về mẹ tôi”. Nhưng thật đáng tiếc, lá thư này không bao giờ nhận được hồi âm.

“On the Road” sau này đã được những hãng phim lớn như Warner Bros và Paramount Pictures tới hỏi mua để chuyển thể nhưng vì những lý do này khác mà dù cả hai phía – nhà sản xuất và nhà văn – đều muốn hợp tác nhưng vẫn không thể đi tới kết quả sau cùng.

Năm 1969, Kerouac qua đời ở tuổi 47. 43 năm sau, mong muốn của ông mới trở thành hiện thực khi tác phẩm điện ảnh “Trên đường” lần đầu tiên trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes.

Trong suốt hàng chục năm, đạo diễn Francis Ford Coppola – một trong những vị đạo diễn có tầm ảnh hưởng nhất Hollywood đã cố gắng chuyển thể tác phẩm này lên phim với hàng loạt kế hoạch được triển khai nhưng cuối cùng đều thất bại vì gặp vấn đề ở khâu chuyển thể kịch bản. Coppola đã thuê không biết bao nhiêu nhà biên kịch nhưng tất cả họ đều “không biết nên làm như thế nào với tác phẩm này”. Vấn đề mà các nhà biên kịch gặp phải là: Cốt truyện nằm ở đâu?

Cuối cùng, Coppola đã có thể thỏa lòng khi tìm được đạo diễn người Brazil Walter Salles. Salles đã trở thành vị đạo diễn đầu tiên chuyển thể thành công tác phẩm “khó nhằn” này lên màn ảnh rộng.

Bộ phim kể về chuyến hành trình xuyên Mỹ của bộ ba Dean Moriarty (Garrett Hedlund thủ vai), Sal Paradise (Sam Riley) và Marylou (Kristen Steward). Trên đường đi, họ bị cuốn vào dòng xoáy của tình dục, rượu và ma túy.

Trong phim, người ta thấy sự “lột xác” về diễn xuất của nữ diễn viên trong phim “Chạng vạng”, cô có những cảnh quay nóng bỏng làm xôn xao mặt báo từ trước khi phim chính thức ra rạp. Một Kristen quậy phá và cuồng nhiệt ra đời, cô thú nhận “khi cần quậy, tôi cũng quậy hết mình”.

Trong phim, Kristen Steward có nhiều cảnh quay rất nóng bỏng


Trong phim, Kristen Steward có nhiều cảnh quay rất nóng bỏng

Tuy vậy, có lẽ vì đã được chờ đợi quá lâu và giới phê bình đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào tác phẩm mà “On the Road” không nhận được những lời tung hô khen ngợi, đa số các nhà phê bình đều nói rằng phim không gây ấn tượng mạnh. Dù ba diễn viên chính của phim đều là những người yêu tác phẩm văn học “On the Road” nhưng họ vẫn không làm lóe lên “tia lửa” mà người ta thấy xuất hiện trong tiểu thuyết, “nó không chuyển tải được tinh thần tự do phóng khoáng của cuốn sách”, trang Film Pilgrim nhận định.

 
Pi Uy
Theo Telegraph