Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới

(Dân trí) - World Press Photo Multimedia là cuộc thi ảnh yêu cầu mỗi nhiếp ảnh gia phải biết cách truyền đi thông điệp đa phương tiện. Với một hiện tượng, họ phải ghi lại bằng ảnh, quay phim, làm phỏng vấn, phóng sự, thậm chí làm phim…

Mới đây, cuộc thi World Press Photo Multimedia lần thứ 3 đã công bố danh sách những nhiếp ảnh gia chiến thắng trong năm 2013. Giám đốc điều hành giải – ông Michiel Munneke chia sẻ: “Giải ảnh World Press Photo Multimedia nhằm mục đích theo sát hơn những gì đang diễn ra trong giới nhiếp ảnh”.

Trong cuộc thi này, nhiếp ảnh gia phải là một người truyền đi thông điệp đa phương tiện. Với một hiện tượng, họ phải ghi lại bằng ảnh, quay phim, thực hiện phỏng vấn, làm phóng sự, thậm chí làm phim… Vì vậy, bên cạnh một nhiếp ảnh gia là cả một ê kíp hỗ trợ.

Cuộc thi này nhằm khai thác cách làm truyền thông mới, ảnh báo chí không còn đơn thuần chỉ là một bức ảnh thời sự. Trong thời đại kỹ thuật số, nó được yêu cầu cao hơn rất nhiều. Những nhiếp ảnh gia đoạt giải không chỉ là người có tài năng bấm máy mà còn phải bắt nhạy nhanh với những biến động, những sự chuyển mình trong giới nhiếp ảnh.

Thành viên ban giám khảo Keith Jenkins chia sẻ: “Đối với chúng tôi, thử thách lớn nhất chính là giải không đặt ra chủ đề hay tiêu chí cụ thể. Vì vậy, mỗi lần chấm giải chúng tôi phải vạch ra những tiêu chí mới, phù hợp với mặt bằng chung của các tác phẩm gửi về.”

Theo bà Keith Jenkins, những tiêu chuẩn cơ bản của một tác phẩm ảnh báo chí “đa phương tiện” là đảm bảo độ tích hợp thông tin, tính khái quát, nội dung truyền tải, tính nhân văn trong tác phẩm, mức độ gây hứng thú đối với người xem. Ngoài ra, trước sự biến đổi không ngừng của công nghệ, những tiêu chí mới về kỹ thuật cũng được đem ra đánh giá.

Bức “Quá trẻ để làm mẹ” – Tác giả: Stephanie Sinclair

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


Cô gái 15 tuổi Destaye và chồng kiếm sống bằng việc làm ruộng, họ đã có một đứa con nhỏ. Destaye bước vào cuộc sống hôn nhân khi em mới 11 tuổi và vẫn còn cắp sách tới trường. Destaye cảm thấy mình may mắn vì chồng em muốn vợ tiếp tục đi học nhưng sau khi sinh con, vì việc nhà quá nhiều nên Destaye đã phải nghỉ học.

Bức “Alma – một câu chuyện về bạo lực” – Tác giả: Miquel Dewever-Plana

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


Trong suốt 5 năm, cô gái trẻ Alma hoạt động trong một băng nhóm tội phạm tại thành phố Guatemala ở vùng Trung Mỹ. Alma từng vào tù nhiều lần vì những tội như giết người, đánh người…

Với 18 người bị sát hại mỗi ngày, Guatemala là một trong những đất nước có nạn bạo lực hoành hành khủng khiếp. Alma là một ví dụ điển hình cho những thanh niên trẻ phạm tội tại đất nước này, nơi luật pháp và lẽ công bằng nhiều khi phải nhường chỗ cho “luật rừng”.

Những gia đình nghèo khó như gia đình Alma chính là đối tượng của các tệ nạn xã hội. Bố nghiện rượu, gia đình túng thiếu, con cái phải gia nhập các băng nhóm tội phạm. Alma may mắn vì chưa mất mạng trong những cuộc ẩu đả đẫm máu. Giờ đây, cô gái trẻ đã tìm được tình yêu và đang cố gắng thoát khỏi bóng tối quá khứ, làm lại cuộc đời.

Bức “Bước vào bóng tối” – Tác giả: Pep Bonet

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


Người dân ở những nước láng giềng giáp với Nam Phi thường đến nước này những mong tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ chấp nhận bất cứ sự thiệt thòi nào chỉ để có được việc làm.

Bức “Vật vã để được giải thoát” – Tác giả Liz O. Baylen

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


Anh Edward Shut đã sống tại một Trung tâm cai nghiện ở bang California, Mỹ trong gần 4 tháng để được trị liệu giúp dứt cơn nghiện.

Bức “Chiến trường Aleppo” – Tác giả Jérôme Sessini

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


Một bức ảnh cận cảnh về chiến trường được lập nên ngay trên đường phố ở Aleppo, Syria. Các khu dân sự ở đây cũng đã bị phá hủy vì ném bom. Giờ đây, Aleppo trở thành chiến trường đẫm máu của những cuộc xung đột khốc liệt.

Bức “Sống với bí mật” – Tác giả: Arkasha Stevenson

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


Ngày càng có nhiều thanh thiếu niên ở Mỹ nghi ngờ về giới tính thật của mình, các em tìm tới các chuyên gia tâm lý để được tư vấn và sau đó có không ít em muốn được sống thật với giới tính của mình nhờ vào các cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Vì lứa tuổi của các em còn nhỏ nên những vấn đề phức tạp đi kèm với các cuộc phẫu thuật và những hiệu ứng tâm lý xảy ra sau đó là vô cùng khó khăn. Không chỉ các em mà ngay cả bố mẹ cũng phải học cách thích nghi với sự thay đổi của con mình.

Trong ảnh là em Amber, giọng nói của em rất mềm mại và nữ tính, em mới 12 tuổi và rất thích chơi búp bê, gấu bông, cũng rất thích thiết kế thời trang. Khi được 10 tuổi, em đã quyết định thay đổi tên, bỏ cái tên Aaron của con trai và bắt đầu ăn mặc như một bé gái thực sự.

Bức “Ước mơ trên những bánh xe tự do” – Tác giả: “Yang Enze”

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


Có tất cả 7 thành viên trong đội đua xe đạp khuyết tật của Trung Quốc. Toàn đội đã được huấn luyện trong 4 năm để có thể đi thi đấu tại đấu trường quốc tế, đích nhắm đến chính là Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic London 2012 vừa qua. Toàn đội đã giành được 6 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 5 huy chương đồng.

Bức “Cô gấu số 71” – Tác giả: Jeremy Mendes

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


“Cô gấu số 71” là câu chuyện được kể dưới góc nhìn của cô gấu có tên “71”. Những người kiểm lâm đã phát hiện ra “71” lúc nó mới 3 tuổi. Từ đó họ theo sát dấu vết của 71, ghi lại những đoạn băng hình về quá trình sinh trưởng của nó trong môi trường sống hoang dã. Bức ảnh này đoạt giải nhờ một phần rất lớn vào đoạn phóng sự được biên tập công phu, hấp dẫn đi kèm.

Bức “Biến mất và tìm lại” – Tác giả: Charles W. Cushman

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


Hồi thập niên 1990, nhà sưu tầm ảnh lịch sử Rich Remsberg tình cờ phát hiện ra một bộ sưu tập những bức hình cổ được đặt trong những chiếc thùng giấy đặt cạnh thùng rác. Những bức hình đó cho thấy một nước Mỹ cổ xưa mà ông chưa bao giờ được thấy. Một nước Mỹ được chụp bằng ảnh màu hồi cuối thập niên 1930.

Chủ nhân của những bức ảnh đó là Charles W. Cushman. Những bức hình kia bị ông loại ra từ một bộ sưu tập ảnh còn lớn hơn thế nhiều. Remsberg sau đó đã giúp giá trị của những bức ảnh này được ghi nhận. Cả bộ ảnh có số lượng lên tới 14.000 bức được chụp trong suốt 3 thập kỷ. Thường ở giai đoạn đó, người ta chỉ chụp ảnh đen trắng, bộ ảnh màu này vì vậy được cho là vô cùng quý giá.

Bức “Mùa xuân không biết tới” – Tác giả: Jake Price

Những bức ảnh của kỷ nguyên nhiếp ảnh mới


“Unknown Spring” (Mùa xuân không biết tới) là một hợp tuyển những câu chuyện khắc họa nỗ lực của người dân Nhật nhằm vượt qua thảm họa kép động đất sóng thần xảy ra tại đất nước này vào ngày 11/3/2011. Trang web “Unknown Spring” có những video clip phỏng vấn nạn nhân sống sót, những bức hình ghi lại cuộc sống sau thảm họa…

 
Pi Uy
Theo IB Times