1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Những biến tướng của tục “bắt vợ” lên phim truyền hình

(Dân trí) - Chiều qua (28/3) tại Hà Nội đã diễn ra buổi ra mắt bộ phim truyền hình 32 tập của đạo diễn Đào Duy Phúc mang tên “Lặng yên dưới vực sâu”. Phim sẽ được phát sóng vào 14h30 Thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần trên VTV3, bắt đầu từ 1/4 tới.

Bộ phim thể hiện câu chuyện tình mãnh liệt của Vừ (Nguyễn Đình Tú đóng) và Súa (Phương Oanh) trên khung cảnh nên thơ, hùng vĩ của đại ngàn Hà Giang. Tình yêu của đôi trai tài gái sắc người H’Mông này bị ngăn trở bởi nhà Vừ nghèo, không có tiền cưới vợ. Còn Súa - bị Phống (Doãn Quốc Đam đóng), một thanh niên nhà giàu lêu lổng cướp về làm vợ.

Ê-kíp làm phim Lặng yên dưới vực sâu ra mắt báo giới chiều 28/3.
Ê-kíp làm phim "Lặng yên dưới vực sâu" ra mắt báo giới chiều 28/3.

Không đến được với nhau, Súa đành trao duyên lại cho cô bạn thân của mình là Xí (Hương Giang thủ vai). Những tưởng tình yêu Vừ - Súa sẽ kết thúc ở đây nhưng bản năng mạnh mẽ, khát vọng tự do của Súa khiến cô không chấp nhận đầu hàng số phận. Còn Vừ, tuy có những lúc tuyệt vọng, định buông xuôi đón nhận tình cảm của Xí, nhưng cuối cùng, anh vẫn làm theo tiếng gọi của trái tim...

Bên cạnh đó, “Lặng yên dưới vực sâu” còn đưa khán giả đến với những phong tục tập quán của người H’Mông, bằng việc tái hiện những lễ hội, tang ma, cưới xin, bằng những làn điệu dân ca độc đáo, và tiếng sáo H'Mông da diết, mạnh mẽ vang vọng giữa núi rừng… Đặc biệt, tục “bắt vợ” ở vùng cao, từng gây xôn xao dư luận dịp Tết vừa qua cũng được phản ánh trong một cảnh của phim.

Phim xoay quanh chuyện tình đẹp mà trắc trở của đôi trai gái người HMông ở Hà Giang.
Phim xoay quanh chuyện tình đẹp mà trắc trở của đôi trai gái người H'Mông ở Hà Giang.

Nói về tục “bắt vợ” nhà biên kịch Đỗ Bích Thủy chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng, đó là ngôn ngữ của người Kinh, còn người H’Mông gọi đó là tục “kéo vợ”. Đây là phong tục đẹp của đồng bào dân tộc, xuất phát từ thực tế có những chú rể nghèo không đáp ứng được yêu cầu thách cưới của nhà gái, cho nên gia đình hai bên bàn cách chọn một ngày nào đó cho chú rể “kéo” cô dâu về.

Theo đạo diễn Đào Duy Phúc thì tục “cướp vợ” không chỉ có ở Hà Giang mà có ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, nếu ngày xưa đây là “mỹ tục” thì nay đã trở thành “hủ tục”, bị nhiều cá nhân lợi dụng để đạt mục đích không lành mạnh.

“Trước khi bắt tay làm phim, tôi đã nghiên cứu và đọc lại tài liệu về người H'Mông và thấy đây là một nét văn hóa đáng quý của người H'Mông. Nhưng do cuộc sống có nhiều thay đổi nên một số người lợi dụng điều này để phục vụ mục đích cá nhân, ích kỷ của mình”.

Phim có nhiều tính tiết phản ánh về sự biến tướng của tục bắt vợ.
Phim có nhiều tính tiết phản ánh về sự biến tướng của tục "bắt vợ".

Không những thế, bộ phim còn khắc họa hình ảnh người dân tộc H'Mông đầy cá tính: Họ sống chân chất, mộc mạc, nhưng lại mạnh mẽ, quyết liệt, đầy tự trọng, luôn khát vọng được giành lấy tình yêu đích thực.

Đạo diễn Đào Duy Phúc chia sẻ, để tạo được “chất miền núi” cho bộ phim, anh và êkíp làm phim đã phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu về văn hóa của người H'Mông. 4 tháng ghi hình, cũng là 4 tháng đoàn làm phim ăn ngủ cùng đồng bào dân tộc, để hiểu hơn về đời sống của họ. Các diễn viên chính của “Lặng yên dưới vực sâu” hầu hết đều trẻ tuổi, và sống ở thành thị, nên đối với họ, cuộc sống vùng cao tương đối xa lạ.

Phương Oanh, diễn viên đảm nhận vai Súa trong phim cho biết, để thể hiện nhân vật của mình một cách chân thực nhất, cô đã phải tập làm đến thành thạo những công việc hàng ngày của một cô gái Mông như tẽ ngô, cắt cỏ,… để khi ghi hình được chân thực nhất. Nguyễn Đình Tú cũng phải tập cưỡi ngựa, tập chạy trên những con đường đồi núi gập ghềnh, đầy đá tai mèo trong nhiều ngày.

Để có được những thước phim đẹp nhất, đoàn làm phim đã phải lăn lộn 4 tháng ở vùng cao nguyên núi đá.
Để có được những thước phim đẹp nhất, đoàn làm phim đã phải lăn lộn 4 tháng ở vùng cao nguyên núi đá.

NSND Bùi Bài Bình (vai ông Dìn), tuy không phải đóng những phân đoạn vất vả, tốn thể lực… nhưng lại có đòi hỏi cao về diễn xuất. Ông phải thể hiện được tinh thần của một người đàn ông Mông gia trưởng, lạnh lùng, cả đời toan tính, để rồi cuối cùng nhận ra tất cả đều vô nghĩa…

Cùng với đó, những cảnh quay đẹp của phim cũng sẽ khiến phải bất ngờ trước vẻ đẹp của Hà Giang: Sự hùng vỹ của những dãy núi đá tai mèo, những cánh đồng hoa tam giác mạch thơ mộng, những mái nhà ẩn sau bờ rào đá, những tà váy xòe rực rỡ của các cô gái H'Mông… Tuy nhiên để có được điều đó thì đoàn làm phim đã phải trải qua rất nhiều khó khăn.

Đạo diễn Đào Duy Phúc cho biết, 4 tháng ghi hình tiền kỳ là khoảng thời gian dài và đoàn làm phim phải trải qua rất nhiều khó khăn: Địa hình miền núi hiểm trở đầy đá tai mèo sắc nhọn, khí hậu khắc nghiệt, có hôm nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, nơi ăn chốn ở quá đơn sơ, quãng đường di chuyển giữa các bối cảnh cũng rất nguy hiểm… Đối với các diễn viên, trong một số cảnh quay đặc biệt, để thực sự nhập tâm và nhân vật họ phải vượt qua sự sợ hãi của chính mình. Nhưng cuối cùng, vượt qua những khó khăn, vất vả, đoàn làm phim đã hoàn thành trọn vẹn các cảnh quay của “Lặng yên dưới vực sâu” với nỗ lực cao nhất.

Hà Giang hiện lên trong phim đẹp tựa như một bức tranh thuỷ mặc.
Hà Giang hiện lên trong phim đẹp tựa như một bức tranh thuỷ mặc.

Phim có sự tham gia của nhiều gương mặt quen thuộc của điện ảnh Việt Nam như: NSND Bùi Bài Bình, nghệ sỹ Minh Phương, dàn diễn viên trẻ Nguyễn Đình Tú, Phương Oanh, Hương Giang và Doãn Quốc Đam.

Hà Tùng Long