1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Những “báu vật nhân văn sống” có đang bị lãng quên?

(Dân trí) - Những “báu vật nhân văn sống” là những người đã gìn giữ hồn cốt di sản, là những truyền nhân cuối cùng của di sản ông cha. Vậy nhưng có những người đã sống lay lắt trong cảnh nghèo khổ, cơ cực của tuổi già xế bóng. Tại sao chúng ta có thể lãng quên họ?

“Báu vật nhân văn sống” (Living Human Treasures) là một danh hiệu cao quý do UNESCO đưa ra, mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để tôn vinh các nghệ nhân dân gian. Mục đích là để bảo tồn, phát huy và trao truyền những giá trị văn hóa phi vật thể do con người nắm giữ. Các nghệ nhân dân gian có công thực hành, lưu giữ và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho các thế hệ sau, là một phần không thể tách rời của di sản.

Nếu ví di sản là một cơ thể sống thì bản thân di sản mới chỉ là phần phách, còn nghệ nhân mới góp phần làm phần hồn tinh túy của di sản. Nghệ nhân là người sống cùng di sản, gắn bó với nó trọn vẹn cuộc đời. Di sản vì thế không chỉ chất chứa hồn cốt, tinh thần của cả dân tộc mà còn phản ánh tinh thần, cốt cách và sự trân quý của nghệ nhân với vốn văn hóa dân gian.

Dù di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh ngày càng nhiều…

Trong khoảng vài năm trở lại đây, di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam liên tiếp nhận được những tin vui khi năm nào cũng có ít nhất 1 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc cần được bảo vệ khẩn cấp. Điển hình phải kể đến Ca trù, Quan họ, Hát xoan, Đờn ca tài tử và gần đây nhất là Ví giặm Nghệ Tĩnh.

Sắp tới chúng ta đặt niềm hy vọng vào hồ sơ Chầu Văn và nghi lễ Hầu đồng, Nghi lễ Then của người Tày, Nùng cũng sẽ được vinh danh trên ở tầm nhân loại. Những tin vui đó liên tiếp đến với di sản Việt trong niềm hy vọng về sự hồi sinh của những giá trị vốn lâu nay đã bị công chúng và thời gian lãng quên.

Năm 2009, Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần phải bảo vệ khẩn cấp (trong ảnh nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Phạm Thị Huệ trong một buổi biểu diễn Ca trù– Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Năm 2009, Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần phải bảo vệ khẩn cấp (trong ảnh nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Phạm Thị Huệ trong một buổi biểu diễn Ca trù– Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Công bằng mà nói, di sản thời gian gần đây đã nhận được sự quan tâm hơn từ các cấp quản lý văn hóa cho đến những nhà nghiên cứu và các tầng lớp nhân dân. Các tỉnh có di sản được vinh danh đều xây dựng các đề án chi tiết để bảo tồn và phát huy giá trị của nó, đầu tư kinh phí cho công tác truyền nghề, đào tạo các thế hệ kế cận cũng như công tác quảng bá, tôn vinh di sản cũng đã được thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ hơn.

Nhưng lại có một sự thật đáng buồn là dù di sản được tôn vinh ở tầm thế giới nhưng những “báu vật nhân văn sống” thì chả có mấy ai quan tâm xem họ đang sống ra sao, họ làm gì để sống được với nghề. Liệu có mấy ai biết rằng, những người mà chúng ta gọi là “báu vật” cần phải nâng niu trân trọng đó đang sống lay lắt từng ngày trong cảnh nghèo khổ, cơ cực của tuổi già xế bóng?

Có phải chúng ta đã vô tình lãng quên họ - những truyền nhân cuối cùng của văn hóa dân gian Việt, những người có công rất lớn trong việc gìn giữ và trao truyền hồn cốt dân tộc cả chục thế kỷ cho thế hệ hậu sinh để chúng ta ngày hôm nay có thể tự hào với thế giới về quan họ, ca trù, hát xoan…

… nhưng những “báu vật nhân văn sống” đang dần bị lãng quên

Rõ ràng câu chuyện không chỉ dừng lại ở chuyện danh hiệu vì sau khi những di sản đó được công nhận, chúng ta đã, đang và sẽ làm được những gì cho các nghệ nhân dân gian ngoài việc tổ chức một lễ đón nhận hoành tráng do UNESCO trao tặng và mời các nghệ nhân đến tham dự cho gọi là có… đầy đủ các thành phần của buổi lễ. Thậm chí, ngay trong buổi lễ tôn vinh chính di sản này thì các nghệ nhân cao niên cũng không có lấy được mấy phút vinh danh ngoài những dòng ngắn ngủi trong bài diễn văn dài lê thê của các cấp quản lý.

Hẳn nhiên nhắc tới xẩm Việt, không thể không nhớ tới cái tên Hà Thị Cầu – người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Sống qua hai thế kỷ nhưng trọn đời bà dành tình yêu cho xẩm. Cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, bà cũng thanh thản, nhẹ nhõm mang xẩm bước vào cõi thiên thu như mang theo một “người tình trăm năm”. Nhưng những ai có dịp ghé qua nhà nghệ nhân thì đều biết cuộc sống của bà lại vô cùng khó khăn, vất vả đến mức cho đến trước khi ra đi, bà vẫn phải sống trong cảnh cơ hàn với căn nhà lụp xụp, tồi tàn, mùa đông không có nổi tấm nệm để nằm, ốm đau không có đủ thuốc thang chăm sóc.

Càng xót xa hơn khi dù nghèo khó là vậy nhưng cụ Cầu vẫn cất lên giọng xẩm “đẹp nhất thế kỷ” với trọn vẹn tình yêu và sự trân trọng mà không hề đòi hỏi bất cứ điều gì, vẫn đau đáu về việc truyền nghề xẩm cho nhưng ai muốn theo học.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu thể hiện bài “Xẩm thập ân” (Ảnh: Hà Nội Mới)
Nghệ nhân Hà Thị Cầu thể hiện bài “Xẩm thập ân” (Ảnh: Hà Nội Mới)

Đến khi chúng ta bắt đầu quan tâm đến xẩm, lo lắng cho tương lai của xẩm sẽ bị thất truyền thì nghệ nhân Hà Thị Cầu đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Ngay cả khi phim tài liệu “Xẩm đỏ” về cuộc đời và nghiệp cầm ca của nghệ nhân Hà Thị Cầu được giới thiệu tới công chúng thì cũng chỉ thi thoảng có vài đoàn khách đến thăm cụ và biếu chút tiền quà bánh để tỏ lòng trân trọng người nghệ nhân già, còn sự quan tâm của các cấp quản lý văn hóa dường như là chưa có với một “báu vật” vô giá như bà.

Không chỉ có nghệ nhân Hà Thị Cầu của nghệ thuật xẩm mà còn rất nhiều những “báu vật nhân văn” khác đã, đang và sẽ mãi ra đi trong lặng lẽ, mang theo một kho báu tinh thần và kinh nghiệm vô giá chưa được truyền dạy lại cho lớp thế hệ hậu sinh. Chỉ cho tới ngày dư luận bàng hoàng nhận được những tin buồn về sự ra đi mãi mãi của những “báu vật nhân văn sống” như cụ Hà Thị Cầu, Quách Thị Hồ, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Chúc… chúng ta mới chợt cảm thấy xót xa khi biết các cụ đã ra đi trong cảnh nghèo khó và thiếu thốn, chúng ta mới sực tỉnh khi lâu nay đã vô tình lãng quên họ.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu nằm ốm trên chiếc giường đã cũ (Ảnh: Sưu tầm)
Nghệ nhân Hà Thị Cầu nằm ốm trên chiếc giường đã cũ (Ảnh: Sưu tầm)

Có không ít nghệ nhân đã không thể sống cho tới ngày được nhận danh hiệu cao quý của Nhà nước - danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, mà đã lần lượt ra đi bởi tuổi cao sức yếu.

Thông tin trên báo chí, theo GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam thì có tới 70% - 80% nghệ nhân thuộc diện được xem xét phong tặng danh hiệu đều đã ở tuổi gần đất xa trời. Có phải là quá bất cập khi chúng ta “bắt” các cụ phải kê khai đủ các giấy tờ, thủ tục để “xin” được hưởng chính sách dành cho nghệ nhân ở cái độ tuổi xưa nay hiếm trong khi chính họ đã là hiện thân sống động nhất của di sản?!

Lâu nay, chính sách đãi ngộ về vật chất đối với các nghệ nhân để giúp cho cuộc sống của các nghệ nhân bớt cơ cực hơn vốn đã ít ỏi, chả đáng là bao. Vậy mà gần đây, đến việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” như một sự an ủi, động viên tuổi già cho các cụ, một sự ghi nhận những cống hiến của các nghệ nhân trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian cũng gây ra không ít dư luận lùm xùm xung quanh.

***

Đến đây, người viết chợt nhớ tới mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng”:

“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước”

Chính những “báu vật nhân văn sống” ấy là những người đã gìn giữ hồn cốt của di sản, là những truyền nhân cuối cùng của di sản ông cha. Vậy tại sao chúng ta lại lãng quên họ?

Anh Việt

Những “báu vật nhân văn sống” có đang bị lãng quên? - 4