1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Nhiều hoạ sĩ xót xa, bất lực trước nạn tranh giả được bán tràn lan

(Dân trí) - Không chỉ xót xa, đau đớn... mà nhiều hoạ sĩ còn cảm thấy bất lực vì nạn tranh giả - tranh thật đang làm cho nền mỹ thuật Việt Nam đi xuống. Nhiều hình ảnh, uy tín và danh dự của các hoạ sĩ đáng kính cũng bị vấy bẩn bởi nạn tranh giả tràn lan.

Tranh giả - tranh thật "biết rồi" mà vẫn phải "khổ lắm... nói mãi"

Thời gian qua, nhiều họa sĩ như: Thành Chương, Lê Thế Anh, Đinh Quân… đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện tranh của mình bị sao chép vô tội vạ rồi rao bán công khai trên mạng.

Theo đó, một số xưởng tranh đã sao chép lại tranh của các họa sĩ có tên tuổi hoặc một số tranh đoạt giải thưởng cao rồi rao bán công khai trên website khiến nhiều người tưởng nhầm là tranh thật. Không ít người đã bỏ ra những số tiền không nhỏ để rinh về những bức tranh chép mà cứ nghĩ là tranh xịn. Điều này khiến cho vấn đề bảo vệ tác quyền mỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn và uy tín của nhiều họa sĩ cũng bị ảnh hưởng.

Theo họa sĩ Đặng Tiến, việc chép tranh hay nhái tranh ở Việt Nam đã xảy ra từ rất lâu rồi và ngày càng phức tạp. Ngoài việc chép tranh của các họa sĩ gạo cội đã mất làm ảnh hưởng tới giá trị của những bức tranh thì còn cả những bức tranh đã đạt giải cao. Và có thể trên thị trường giá được định bởi các chuyên gia rất cao nhưng vì bị sao chép nên giá bị giảm đi rất nhiều, giảm cả uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Hoạ sĩ Thành Chương bày tỏ về nỗi xót xa của giới họa sĩ trước vấn nạn tranh giả - tranh thật. Ảnh: Tùng Long.
Hoạ sĩ Thành Chương bày tỏ về nỗi xót xa của giới họa sĩ trước vấn nạn tranh giả - tranh thật. Ảnh: Tùng Long.

“Ngay cả bản thân tôi cũng đã từng bị người ta chép và chuyển chất liệu từ những năm 1990. Có một cơ sở bên Gia Lâm (Hà Nội) đã đưa tranh của tôi lên tivi. Họ còn nói là do cơ sở họ làm ra chứ không phải tranh của tôi. Tranh của tôi trong triển lãm từ năm 1998 ở Hà Nội cũng bị chép. Vụ việc gần đây nhất, Nhà phê bình Hoàng Anh lên mạng tìm tư liệu tình cờ nhìn thấy những bức tranh của tôi trên trang website được giao bán công khai.

Trong khi những bức tranh đó, một số còn đang ở nhà tôi thì những bức tranh được rao bán kia hoàn toàn là tranh giả. Sau khi điều tra và tìm cách gặp mặt thì bên họ có xin lỗi. Tuy nhiên, sau khi vụ việc được phát hiện thì các họa sĩ đồng nghiệp khác của tôi khi vào kiểm tra trên trang mạng cũng phát hiện ra rất nhiều tranh của mình bị làm giả chứ không riêng cá nhân tôi.

Thực tế một số họa sĩ trẻ cũng đã bị nhái chứ không riêng gì những họa sĩ đã thành danh. Vụ việc tranh giả tranh – tranh thật đã được lên án và được báo chí nói rất nhiều rồi chứ không phải hôm nay mới nói. Tuy nhiên mọi việc vẫn cứ thế tiếp diễn, trơ trơ ra mà không ai xử lý cả thì chúng ta cũng nên có một động thái nào khác để bảo vệ nền hội họa của Việt Nam chứ?”, họa sĩ Đặng Tiến bức xúc nói.

"Bỏ tiền thật ra để mua tranh giả thì quá đau xót"

Họa sĩ Thành Chương cho rằng, ông không muốn nói thêm về vấn đề này nữa bởi ông từng hy vọng làm sao chấm dứt chuyện này dưới sự bảo hộ của cơ quan chức năng nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Trước đây ông đã làm hết sức, hết cỡ mà cuối cùng vẫn trở về con số không vì vậy ông đâm ra tuyệt vọng, không còn muốn nói thêm nữa.

“Như tôi từng chia sẻ, thực trạng tranh giả - tranh thật đã có cách đây ít nhất 30 năm. Từ khi mở cửa, tranh của các họa sĩ thế hệ ngày xưa ngày càng có giá trị cao nhưng vì thế mà nhiều người bám vào cái giá trị đó để ăn không thành quả của họ. Điều thiệt thòi cho các họa sĩ chỉ một nhưng ảnh hưởng tới nền mỹ thuật của cả một đất nước 10.

Từ khi tên tuổi và tác phẩm của các họa sĩ được đẩy lên mức rất cao thì việc làm tranh giả lại càng có ảnh hưởng lớn tới họ. Rồi dần dần ai còn muốn mua tranh của Việt Nam nữa, rồi ai mong muốn sưu tầm và thưởng thức tranh của chúng ta trong khi hiện trạng nó đang như vậy.

Nhiều họa sĩ cho rằng, thị trường tranh giả đã tát cho các nhà sưu tập tranh và bạn bè quốc tế những cú đau điếng. Ảnh: Tùng Long.
Nhiều họa sĩ cho rằng, thị trường tranh giả đã "tát" cho các nhà sưu tập tranh và bạn bè quốc tế những cú đau điếng. Ảnh: Tùng Long.

Nạn sao chép chép tranh đã tràn làn tới mức hình ảnh mỹ thuật Việt Nam trở nên xấu xí và tồi tệ trong mắt những người yêu quý - sưu tầm tranh. Đây là một cái giá đắt vô cùng mà chúng tôi, những người làm nghệ thuật, yêu quý nghệ thuật đều mong muốn làm cho “ra ngô, ra khoai” để giữ nền mỹ thuật Việt Nam được trong sáng. Không phải tự nhiên chúng ta có một nền mỹ thuật như ngày nay. Đã bao nhiêu đời gầy dựng, bao nhiêu sự cố gắng để có được sự “mát mặt, mát mày” với bạn bè thế giới mà chỉ một nhóm con buôn đã làm ảnh hưởng tồi tệ”, họa sĩ Thành Chương bày tỏ.

Theo họa sĩ Thành Chương, lĩnh vực này hiện nay rất khó để quy tội bởi việc sao chép tranh ngày càng tinh vi với những thiết bị hiện đại. Việc thẩm định ở trên cũng khó mà ở dưới mà cũng rất khó. Cho nên để xử lý việc này là một chặng đường dài khá khó khăn. Tuy nhiên, nếu không xử lý thì những người làm tranh giả ngày càng ngang ngược, lấn tới. Đỉnh cao là triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”, một triển lãm rất hoành tráng những toàn bày tranh giả.

Họa sĩ Phạm Văn Hải cho rằng, việc tranh của anh bị làm giả đã có tang chứng - vật chứng được giữ lại. “Thủ phạm” đã được công khai danh tính và vụ việc đã được đưa ra công luận vậy nhưng tới nay anh vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi từ chính người làm tranh giả.

“Họ làm rất tinh vi, làm giống tới 80 - 90%. Khi tôi lên tiếng thì chính họ cũng nhận là tranh họ vẽ từ 50 – 70 năm về trước chứ không phải tôi vẽ. Đây là một tình trạng rất tồi tệ của nền mỹ thuật Việt Nam. Nó khiến cho những nhà sưu tập trong và ngoài nước hoang mang khi họ muốn sưu tập tranh của các họa sĩ. Bởi vì họ lo sợ đây có phải tranh thật hay không, hay lại được chép từ ai đó.

Bởi bản thân các nhà sưu tập của Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm để hiểu được quá trình hoạt động của các họa sĩ như thế nào, thậm chí nhiều người còn không hiểu diễn biến sáng tác của các họa sĩ như thế nào. Vậy nên gặp tình huống như vậy họ càng hoang mang hơn.

Hội mỹ thuật Việt Nam nên tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Đứng ra bảo vệ những họa sĩ khi có sự việc tranh chấp, làm giả hàng nhái. Các tổ chức làm tranh giả tranh chép cần phải được xử lý bởi các cơ quan chức năng. Hiện nay họ hoạt động mà không có ai quản lý, kiểm soát gì cả.

Họ chép ngang nhiên và bày bán ngang nhiên. Đây là làm giả chứ không phải chép nữa, lừa đảo những người sưu tập và chính công lao của các họa sĩ. Bỏ tiền thật ra để mua tranh giả thì quá đau xót. Chúng ta nên làm sạch nền mỹ thuật Việt Nam, sao cho nền mỹ thuật Việt Nam ngày càng được lành mạnh chứ đừng để tiếp diễn mãi những chuyện như thế này”, nam họa sĩ này mong muốn.

Hà Tùng Long