Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội:

“Nhiều đoàn khách quốc tế chọn may áo dài ngay khi đến Hà Nội”

(Dân trí) - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Trần Thị Phương Hoa chia sẻ, trong dịp đoàn đại biểu Trung tâm giao lưu & nghiên cứu phụ nữ châu Á (KFAW) đến làm việc tại Hà Nội mới đây, mặc dù đáp xuống sân bay khá muộn nhưng điểm đến đầu tiên là một tiệm may áo dài.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội (Hội LHPN Hà Nội) đóng vai trò là đơn vị đồng tổ chức thực hiện Festival Áo dài Hà Nội năm 2016, bà có thể chia sẻ đôi nét thông tin về Festival?

Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 diễn ra trong 3 ngày từ 14 -16/10 tại Hoàng Thành Thăng Long là hoạt động văn hóa du lịch, thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hoạt động này sẽ được giới thiệu tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Hoạt động Festival Áo dài Hà Nội năm 2016, với chủ đề “Tinh hoa Áo dài Việt Nam”, là sự kiện du lịch với sự tham gia của nhiều nhà thiết kế thời trang, nghệ nhân, nghệ sĩ và những người yêu Hà Nội, tâm huyết với Thủ đô, dành công sức, trí tuệ để giới thiệu với nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, những nét đẹp tài hoa của con người Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, của dân tộc Việt Nam, qua những không gian, tiểu cảnh hoạt động được diễn ra trong những ngày tổ chức sự kiện.

Festival cũng là dịp để các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thời trang, doanh nghiệp du lịch của Thủ đô Hà Nội giao lưu, giới thiệu, hợp tác, ký kết phát triển sản phẩm du lịch, thời trang và nhiều lĩnh vực khác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời tạo cơ hội để du khách tham quan, trải nghiệm, tham gia trực tiếp vào các hoạt động của Festival Áo dài Hà Nội năm 2016.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Trần Thị Phương Hoa chia sẻ về Festival Áo dài Hà Nội năm 2016.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Trần Thị Phương Hoa chia sẻ về Festival Áo dài Hà Nội năm 2016.

Bà quan niệm thế nào về ý nghĩa chiếc áo dài Việt Nam?

Chiếc áo dài là trang phục truyền thống, là biểu tượng bản sắc văn hóa người Việt. Chiếc áo dài không chỉ gắn liền với người phụ nữ Việt Nam mà cũng là trang phục được nam giới lựa chọn. Áo dài hiện diện sâu sắc trong đời sống, từ người già, trẻ em, thanh niên, trung niên, từ nông thôn đến thành thị… đều có thể diện trang phục áo dài.

Áo dài còn là trang phục xuất hiện trong những sự kiện chính trị, ngoại giao, các hoạt động giao lưu văn hóa, các cuộc thi, cho đến các dịp sinh hoạt cộng đồng như: lễ hội, cưới hỏi,…

Chiếc áo dài là niềm kiêu hãnh, niềm tự hào, là linh hồn của dân tộc. Trong suốt quá trình dựng nước, giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, chiếc áo dài luôn đồng hành cùng con người Việt Nam, cùng vượt qua biết bao thử thách để trở thành “quốc phục”. Những hình ảnh 62 năm trước, trong sự kiện giải phóng Thủ đô, đoàn người mặc áo dài hân hoan vẫy cờ hoa chào mừng đoàn quân chiến thắng trở về thể hiện bản sắc và tinh thần dân tộc Viêt Nam.

Những hoạt động của Hội LHPN Hà Nội đồng hành cùng Festival Áo dài Hà Nội năm 2016 là gì, thưa bà?

Hội LHPN Hà Nội cùng với Sở Du lịch, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Công ty TNHH Vietmode, báo Dân trí là đơn vị tổ chức thực hiện Festival Áo dài Hà Nội năm 2016.

Theo đó, Hội LHPN Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Du lịch mời các nữ nghệ nhân, các nhà thiết kế, tạo mẫu, người mẫu tham gia sự kiện. Đồng thời tổ chức chương trình hội thảo về áo dài với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch”, thi cắm hoa tạo hình cùng áo dài, huy động lực lượng tham gia lễ rước tôn vinh các vị tổ nghề, nghệ nhân trong khuôn khổ Festival.

Chiếc áo dài hiện diện như thế nào trong đời sống cá nhân của bà?

Bản thân tôi, chiếc áo dài đầu tiên tôi mặc là từ thời sinh viên. Chiếc áo dài đầu tiên đó giúp tôi cảm nhận được nét duyên dáng, thanh lịch của người nữ sinh, cảm nhận được sự trang nhã, mềm mại và sự tinh tế của trang phục truyền thống Việt.

Giờ đây, trong quá trình công tác, chiếc áo dài lại trở thành trang phục tôi thường xuyên lựa chọn. Trước mỗi hoạt động lớn, mỗi sự kiện quan trọng hoặc mỗi dịp tiếp các đoàn khách quốc tế, khi chọn trong phục áo dài, tôi luôn cảm thấy niềm tự hào, sự tự tin trong đó.

Chiếc áo dài đã trở thành trang phục thường xuyên của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội mỗi khi tham gia các hoạt động, các sự kiện quan trọng.
Chiếc áo dài đã trở thành trang phục thường xuyên của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội mỗi khi tham gia các hoạt động, các sự kiện quan trọng.

Kể về áo dài, tôi có một kỉ niệm ấn tượng trong dịp đoàn đại biểu Trung tâm giao lưu & nghiên cứu phụ nữ châu Á (KFAW) đến từ Nhật Bản sang thăm và làm việc với Hội LHPN Hà Nội mới đây.

Trong cuộc trò chuyện gặp mặt, tôi có đặt câu hỏi đoàn đã tới thăm được những địa danh nào ở Hà Nội thì vị trưởng đoàn trả lời vì đoàn đến sân bay vào 6h tối ngày hôm trước, chưa có thời gian thăm thú ở đâu nhưng 14 thành viên trong đoàn đã kịp ghé vào một cửa hàng áo dài để chọn cho mỗi người một bộ áo dài.

Tôi cảm thấy rất vui, tự hào về trang phục áo dài Việt Nam khi nghe vị trưởng đoàn nói vậy. Trước đó, rất nhiều đoàn khách quốc tế cũng may áo dài khi đến thăm và làm việc với Hội LHPN Hà Nội.

Trong thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã có những hoạt động như thế nào để phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của chiếc áo dài?

Hội LHPN Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tới chị em phụ nữ Thủ đô thông qua nhiều hình thức phong phú, sáng tạo gắn với các dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, Thủ đô và của Hội như: Ngày hội văn hoá, Ngày hội sáng tạo của phụ nữ Thủ đô, Ngày hội gia đình, hội thi Phụ nữ Thủ đô tài năng - thanh lịch, tài năng - duyên dáng; các hội thi tuyên truyền về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam, liên hoan hát ru và hát dân ca; viết về những vấn đề gia đình thời nay; tổ chức các hoạt động Hội thảo, thi viết, gặp mặt truyền thống - giao lưu điển hình... Tuyên tuyền về nét đẹp thanh lịch của người phụ nữ thủ đô, thực hiện cuộc vận động xây dựng Người Hà Nội thanh lịch - Văn minh.

Triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc” phấn đấu đạt chuẩn mực người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – sáng tạo – đảm đang – thanh lịch”. Chiếc áo dài đã trở thành trang phục thường xuyên của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô mỗi khi tham gia các hoạt động, các sự kiện quan trọng của đất nước, Thủ đô và của Hội.

Tôi hi vọng Festival Áo dài Hà Nội sẽ trở thành hoạt động thường niên. Tôi cũng mong rằng chiếc áo dài truyền thống được đưa vào học đường, trở thành trang phục (đồng phục) của học sinh, sinh viên nhằm giáo dục cho các em nhận thức được giá trị truyền thống của trang phục áo dài, qua đó sẽ góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc .

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Phương Nhung