Nhạc sỹ Doãn Nho và những bí mật về Chiếc khăn piêu

Trở về từ Tây Bắc với những khao khát được yêu của một chàng trai trẻ, nhạc sỹ Doãn Nho đã viết “Chiếc khăn piêu”.

Nhạc sĩ Doãn Nho và người bạn đời.

Nhạc sĩ Doãn Nho và người bạn đời.

Bài ca được ra đời bằng sự thúc giục của trái tim người lính, dù khi đó ông chưa từng nắm tay một người con gái nào.

Sáng tác khi chưa yêu bao giờ

Chúng tôi gặp nhạc sỹ Doãn Nho ngay sau khi bài hát “Chiếc khăn piêu” được vinh danh trong chương trình “Bài hát yêu thích”. Ông hào hứng kể về hoàn cảnh ra đời của bài hát như khi nó vừa xuất hiện: “Khi sáng tác bài này tôi mới 23 tuổi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, tôi từ Tây Bắc trở về Hà Nội. Lúc ấy, không khí hào hùng của chiến tranh vẫn tràn đầy nhưng cũng đã có được cảm nhận về hòa bình. Với một chàng trai trẻ như tôi trong tâm thế ấy, tất yếu phải nảy sinh những đòi hỏi về tình yêu. Khi còn kháng chiến, tình yêu thường bị lấn át đi bởi sự sống và cái chết, có chăng lúc đó chỉ là tình đồng đội, tình quân dân…

Khi hòa bình lặp lại đã 2 năm, tôi có dịp được trở lại Tây Bắc để sưu tầm dân ca và tôi gặp được một bài dân ca dân tộc Xá có tên “Tăng A Tim”. Giai điệu này khiến tôi vô cùng thích thú. Lúc ấy tôi chưa từng yêu ai nhưng những thôi thúc từ trái tim đã khiến tôi viết “Chiếc khăn piêu” một mạch không ngừng”.

Ông “bật mí”, phải đến 2 năm sau khi “Chiếc khăn piêu” ra đời ông mới chính thức yêu và gặp người bạn đời bây giờ. Bà Nguyệt Ánh – vợ ông, cũng chia sẻ: “Tôi với nhà tôi cùng đơn vị. Thực ra tôi thầm thương trộm nhớ ông ấy trước! Khi nhà tôi sáng tác hợp xướng “Sóng cửa Tùng” thì tôi đã bị chinh phục hoàn toàn rồi. Đến khi có thêm sáng tác “Chiếc khăn piêu” thì tình cảm ấy ngày càng phát triển. Nhưng lúc ấy tôi chỉ dám yêu thầm mà không nói cùng ai”.

Không biết về cuộc thi

“Tăng A Tim” có giai điệu rộn ràng với nội dung: “Cái váy đẹp đánh rơi, gió bay đi, anh em nhặt được gửi cho nhau…Mặc cái váy cũ mà đi làm…Cái khăn đẹp/ Dây lưng đẹp….đánh rơi, anh em nhặt được…”. Từ “Tăng A Tim”, hình ảnh về chiếc khăn của những cô gái vùng cao Tây Bắc hiện lên rõ nét trong tâm trí của nhạc sỹ Doãn Nho lúc ấy. Ông tâm sự một cách thật thà: “Thực ra lúc đó, mình nghĩ đến chiếc khăn thì nghĩ ngay tới hình ảnh của khăn piêu. Sau này mới biết khăn piêu là của dân tộc Thái. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần nói về hình ảnh khăn piêu thì những người con gái Tây Bắc đã hiện lên rồi!”.

Dựa trên giai điệu “Tăng A Tim”, nhạc sỹ Doãn Nho đã sáng tác “Chiếc khăn piêu” chỉ trong một buổi chiều. Bài hát ban đầu được lấy tên là “Chiếc khăn rơi”, sau này mới được đổi thành “Chiếc khăn piêu”. Ngoài tên gọi thì bài hát không phải sửa chữ nào so với bản gốc.

Lúc ấy, “Chiếc khăn piêu” ra đời như một bản tình ca đầu tiên của thời bình nên nó nhanh chóng được lan tỏa và được công chúng đón nhận một cách nhiệt thành. Ở nhiều đám cưới, ngày hội,…“Chiếc khăn piêu” được xuất hiện với mật độ khá dày đặc. Bài ca cũng đi theo cùng năm tháng với nhiều tên tuổi đã biểu diễn thành công. Và cho đến nay, “Chiếc khăn piêu” lại được đón nhận với một âm hưởng khác lạ và mới mẻ so với “Chiếc khăn piêu” cách đây nửa thế kỷ.

Cả nhạc sỹ Doãn Nho và vợ ông – bà Nguyệt Ánh đều cho biết, ban đầu ông bà cũng không biết về cuộc thi này và cũng không biết Tùng Dương sẽ mang bài “Chiếc khăn piêu” tham dự một giải thưởng. Nhạc sỹ Doãn Nho kể lại: “Khi Tùng Dương đang thể hiện bài hát này trên ti vi, tôi được con tôi gọi điện thông báo để xem. Lúc đó, bài hát còn chưa được giải thưởng của tháng. Thú thực ban đầu mới nghe tôi cũng thấy lạ lạ, cũng hiểu rằng cách trình bày ấy sẽ gần hơn với giới trẻ nhưng lúc đó tôi cũng không thấy thích. Có điều, tôi luôn tôn trọng những người thể hiện tác phẩm của mình, mỗi người có một cách sáng tạo riêng. 

Tuy nhiên, càng ngày thì phần biểu diễn của Tùng Dương càng cho thấy sức hấp dẫn của nó với giới trẻ ngày nay. Cùng với phần phối khí của nhạc sỹ Nguyên Lê, Tùng Dương đã làm được một việc rất quan trọng là nối liền thế hệ của tôi với thế hệ ngày nay. Tôi thấy rất vui vì từ khi sáng tác bài hát này, các nghệ sỹ biểu diễn không ai giống ai và mỗi người đã làm nên một vẻ đẹp riêng cho “Chiếc khăn piêu”.
Hoàng Phương
Theo Gia Đình