1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Nhà văn gốc Việt nhận đề cử giải thưởng của văn học Pháp

(Dân trí) - Trong số các tác giả xuất hiện trong danh sách đề cử nhận giải Goncourt 2012 - giải thưởng văn chương uy tín nhất của Pháp công bố hồi đầu tháng 9 này có tên nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê với tác phẩm "Lame de fond" (Sóng ngầm ở đáy biển).

Nhà văn gốc Việt nhận đề cử giải thưởng của văn học Pháp



Linda Lê đang là cái tên được nhắc tới nhiều nhất ở mảng văn học Francophone Vietnamese Literature (Văn học Pháp do nhà văn Việt viết). Cái tên Linda Lê đã rất quen thuộc và được độc giả Pháp cũng như độc giả của nhiều quốc gia khác biết tới và yêu mến. Tác phẩm của cô đã được dịch ra các thứ tiếng như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha. Tại Việt Nam, những cuốn đã được xuất bản gồm có "Sự dịu dàng của Ma cà rồng”, "Tình ca ác quỷ", "Phúc âm tội ác", "Vu khống", "Lại chơi với lửa" và "Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh”.

Linda Lê không chỉ được độc giả yêu mến mà còn được giới phê bình công nhận với hàng loạt những giải thưởng như Giải Tài năng Vocation, Giải Renaissance dành cho truyện ngắn, Giải Fénéon, Giải Prix Femina và giải nhất Grand Prix do Viện Hàn lâm nghệ thuật Pháp trao tặng. Cách đây 2 năm, cô cũng là chủ nhân của Giải Wepler trị giá 10.000 euro. Năm nay, nữ văn sĩ đang này đang là gương mặt đầy triển vọng ở giải Goncourt.

Những nhà văn đã đi cùng cô trong suốt năm tháng tuổi thơ và để lại nhiều dấu ấn trong phong cách sáng tác của Linda Lê là Hugo và Balzac. Phong cách của cô được đánh giá là không ồn ào mà âm thầm tự khẳng định giá trị trong lòng độc giả. Ngòi bút của cô tinh tế, khắt khe, và cổ điển với khả năng phân tích sắc sảo, kế thừa của dòng văn học cổ điển trong thế kỷ 17.

Linda Lê sinh năm 1963 ở Đà Lạt, mẹ là người Pháp, cha là kỹ sư người Việt. Tuổi thơ sống trong thời kỳ chiến tranh, cô đã từng cùng cha mẹ đi sơ tán, những chuyến đi như thế đã để lại trong Lê nhiều ký ức về chiến tranh - hình ảnh những xác người chết vì đói, vì bom đạn. Những ký ức đó đối với một tâm hồn nhạy cảm như Lê đã trở nên ám ảnh và thường xuất hiện trong những trang văn của cô sau này. Nhiều nhà phân tích văn học nhận thấy trong tác phẩm của Lê luôn có bóng dáng Việt Nam hồi giữa thế kỷ 20 với những hình ảnh đau thương và sự ám ảnh dữ dội.

Đặc trưng đó xuất hiện trong văn phong Linda Lê không chỉ ở những tác phẩm khắc họa Việt Nam mà còn phảng phất trong rất nhiều những tác phẩm khác của cô. Trong những tác phẩm của Lê, người ta thấy xóa nhòa ranh giới giữa tự sự cá nhân và cốt truyện hư cấu, giữa chất Pháp và chất Việt, giữa cá nhân tác giả và số phận nhân vật. Tại Pháp, có không ít những nhà văn gốc Việt đã khẳng định được tên tuổi của mình trong văn đàn Pháp và hình thành nên một khu vực văn học có cái tên riêng là Francophone Vietnamese Literature (Văn học Pháp do nhà văn Việt viết).

Tuổi thơ ở Việt Nam

Nhà văn gốc Việt nhận đề cử giải thưởng của văn học Pháp


Linda Lê trong lần trở về Việt Nam năm 2010 và tham gia vào cuộc giao lưu tại Trung tâm văn hóa Pháp

Năm 1969, gia đình Linda Lê chuyển từ Đà Lạt tới Sài Gòn, trong thời kỳ này, Lê có những bất ổn tâm lý vì mối quan hệ giữa cha và mẹ bắt đầu xuất hiện một số vấn đề. Cũng bắt đầu từ đây cô học tiếng Pháp ở trường và về nhà cũng sử dụng tiếng Pháp. Lê được tiếp xúc với nền văn học Pháp qua tủ sách của mẹ và thư viện đồ sộ của nhà trường. Những tác phẩm của Balzac và Hugo, Lê đều đã đọc bằng tiếng Pháp và đã xác định được mình sẽ theo đuổi sự nghiệp văn chương trong tương lai. Một điểm đặc trưng ở Lê là ngay từ nhỏ cô đã bị thu hút bởi những đề tài gai góc, khắc nghiệt, câu chuyện mà cô thích nhất khi còn nhỏ là Cô bé bán diêm với hình ảnh ấn tượng nhất trong cô là cô bé bán diêm chết trong giá lạnh. Khi đó, Lê đã tự “biến tấu” một số câu chuyện cổ tích thành phiên bản khác của riêng mình.

Dù thường bị thu hút bởi những tác phẩm có cái nền u tối, buồn thương, Lê cũng đọc và viết một số tác phẩm mang màu sắc tươi sáng, giúp con người cứu rỗi linh hồn, thoát khỏi xã hội đầy áp lực. Đối với Lê, viết là một cách để giải phóng linh hồn thực sự. Sau này, cái chết của cha cô năm 1995 – người mà cô vô cùng yêu quý nhưng không thể ở bên trong suốt những năm cuối đời, đã khiến Lê gần như sụp đổ. Cô luôn nói về cha với những lời đẹp nhất, cha không chỉ là người bạn của tuổi thơ cô mà còn là người thầy tuyệt vời. Trong suốt 20 năm không gặp mặt, cha con cô vẫn thường xuyên chuyện trò bằng thư tín. Khi cha chuẩn bị qua Pháp gặp lại các con thì ông đột ngột qua đời và là một cú sốc không ngờ đối với Lê. Lần đầu tiên trở về Việt Nam sau khi ra đi là để quay về chịu tang cha. Sự kiện này đã khiến Lê bị khủng hoảng tâm lý một thời gian.

Khi đó, được tiếp xúc với những tác phẩm văn học trong đó nhân vật có đời sống nội tâm giống mình, khi biết rằng tác giả của những tác phẩm đó, như Tolstoy chẳng hạn, đã đứng lên mạnh mẽ từ việc viết văn, Lê đã vượt qua được những cơn khủng hoảng của mình và bắt đầu thử viết.

Được biết năm 1977, Lê cùng mẹ và 3 chị gái tới Pháp, cha của Lê khi đó vẫn ở lại Việt Nam. Hình ảnh người cha bị “bỏ rơi” thường xuất hiện trong rất nhiều tiểu thuyết của cô. Từ năm 1977-1981 cô học ở trường trung học le Havre, ở đây Lê đã tìm được những người giáo viên đầu tiên khuyến khích cô theo nghiệp văn chương. Năm 1981, Lê xin vào trường Henri IV ở Paris và tiếp tục việc học tập và nghiên cứu văn học.

Thập niên 1980 chứng kiến những thành công bước đầu của Lê. “Sự dịu dàng của ma cà rồng” (1987), “Chạy trốn” (1988), “Một mình” (1989) là những tác phẩm nhanh chóng được công chúng đón nhận nhưng đối với Lê, cô không đưa chúng và tự thuật cá nhân chính thức của mình bởi những tác phẩm này không cùng một đẳng cấp so với những tác phẩm sau này của cô. Thập niên 1990 chứng kiến một Linda Lê, cây văn nữ trưởng thành của văn học Pháp với những ghi nhận của giới phê bình về một tài năng trẻ mới xuất hiện trên văn đàn.

Một điều khá đặc biệt ở Linda Lê là cô luôn "lẩn tránh" báo giới, khi nhiều nhà văn coi đây là bệ phóng để giới thiệu, quảng cáo cho những tác phẩm sắp ra đời của mình, Lê lại luôn tự nhận mình là một người sống khép kín và luôn tránh né sự săn đón của các tạp chí văn học. Việc Linda Lê quay về Việt Nam năm 2010 và tham gia vào cuộc giao lưu với độc giả Việt tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp đã phần nào cho thấy tình cảm của cô dành cho quê hương, xứ sở.

 
Hồ Bích Ngọc
Tổng hợp