Nhà báo Phan Quang: “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”

17 tuổi, chàng trai Phan Quang đã rời làng quê lên đường kháng chiến với tâm thế: Giặc đến nhà, mỗi người dân là một chiến sĩ.

PV: Thưa nhà báo Phan Quang, hình ảnh làng quê thuở ấy trong ông như thế nào?

Nhà báo Phan Quang: Làng Thượng Xá quê tôi, nay thuộc xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, cách Thành cổ Quảng Trị theo đường chim bay chừng ba cây số - là một trong những xã đầu tiên ở miền Nam được nhận danh hiệu Xã Anh hùng thời chống Mỹ, cứu nước.

Nhà báo Phan Quang.
Nhà báo Phan Quang.

Hình ảnh làng quê trong tôi trước hết là những điệu hò dân gian thấm đẫm tình người, với nhịp “hò đập bắp” (ngô) những đêm hè, “hò đạp lúa” những đêm mùa gặt, từ đầu tối đến nửa đêm về sáng.

Những câu hát giao duyên, những chào mời dù quen dù lạ cứ sống mãi trong lòng tôi dù đi đâu đến đâu.

Hình ảnh quê hương trong tôi là kỷ niệm về những người một thời suốt đời cần cù lao động mà vẫn đói nghèo, “Ôi gió Lào ơi, ngươi đừng thổi nữa/Những đồi sim không đủ quả nuôi người” (thơ Chế Lan Viên), nhưng lại vô cùng anh dũng khi cần chiến đấu bảo vệ quê hương, Tổ quốc.

Hình ảnh quê hương trong tôi là bức tranh chiến đấu của một xã Hải Thượng anh hùng thuộc một tỉnh Quảng Trị anh hùng, nằm giữa dải “Bình Trị Thiên đau thương và anh hùng”, với cầu Hiền Lương và đảo Cồn Cỏ, chiến dịch Đường 9 Khe Sanh và 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị. Biết bao anh hùng liệt sĩ người Quảng Trị và người cả nước đã ngã xuống nơi đây.

Xin dẫn mỗi một số liệu về mỗi một xã thôi để minh chứng: Nghĩa trang xã Hải Thượng quê tôi hiện đang an nghĩ 1991 liệt sĩ!

Cuộc chiến đấu của quê hương tôi và của nhân dân cả nước đã giữ cho quê hương “Trời vẫn xanh màu xanh Quảng Trị” (thơ Tế Hanh).

PV: Và tâm thế của ông khi rời làng quê đi kháng chiến?

Nhà báo Phan Quang: Đơn giản thôi. Tôi cũng như tất cả bạn bè cùng lứa, dù chưa đến tuổi thành niên, học hành dang dở nhưng sau cuộc đảo chính Nhật lật đổ Pháp, chúng tôi theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh: “Xếp bút nghiên, lên đường chiến đấu…” (lời một bài ca rất phổ biên thời bấy giờ).

Tôi tham gia cách mạng, được vào Đoàn thanh niên cứu quốc tháng 6/1945, khi Cách mạng tháng Tám chưa thành công, và đã tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện, ở tỉnh.

Vì vậy, khi kháng chiến bùng nổ, theo Lời kêu gọi của Bác Hồ ngày 19/12/1946: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”, chúng tôi coi việc đi chiến đấu, để kháng chiến chóng thành công là nhiệm vụ đương nhiên của tất cả mọi người, trong đó có mình - một cán bộ, đảng viên, như tâm trạng chung của tất cả nhân dân ta thời ấy: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

PV: Trên nẻo đường tham gia cuộc trường kỳ kháng chiến, đã có những câu chuyện, kỷ niệm nào đặc biệt in dấu trong ông?

Nhà báo Phan Quang: Tôi trở thành phóng viên báo Cứu quốc năm 20 tuổi (1948) và được cử trở lại chiến trường Bình Trị Thiên làm phóng viên mặt trận năm 21 tuổi (1949).

Trong quá trình công tác chiến trường, dù ở vùng địch tạm thời kiểm soát hay tại chiến khu của ta (mà một nơi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc là Chiến khu Ba Lòng ở thượng nguồn sông Thạch Hãn), những cảm xúc, tâm tình, cảnh vật, con người, cảnh kháng chiến gặp trên đường, tôi đều ghi vào nhật ký, sổ tay phóng viên để viết bài tại chỗ và dùng làm tư liệu sáng tác văn học sau này, khi có điều kiện.

Làm sao có thể kể hết với bạn những dấu ấn nổi bật nhất trong 9 năm trường kỳ qua một bài phỏng vấn!

Chẳng hạn, sau chiến thắng, tôi chứng kiến cảnh chiến sĩ ta chăm sóc tù binh Pháp với lòng nhân đạo cao cả, rồi cùng cán bộ chỉ huy đi thăm các chiến sĩ ta bị thương, dự lễ an táng những chiến sĩ vừa hy sinh trong ngày...

Chứng kiến những cảnh ấy làm sao cầm được nước mắt...!

Từ chiến khu Ba Lòng, tôi được điều ra vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh đi tham gia chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Hà Nam Ninh, viết bài về các cuộc vận động tuyển tân binh, chọn dân công đi tiến tuyến, tổ chức cho người dân vùng tự do đóng thuế nông nghiệp, phục vụ chiến trường…

Làm sao kể hết những câu chuyện đó cũng như những cảm xúc của tôi trong một cuộc trò chuyện! Mời bạn hãy vui lòng đọc tập nhật ký “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” do Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành.

PV: Kháng chiến chống Pháp thành công là niềm vui lớn của dân tộc Việt Nam. Ông có thể giúp bạn đọc hình dung ra cảnh chiến thắng lẫy lừng đó?

Nhà báo Phan Quang: Lại không có cách nào kể hết! Tin chiến thắng Điện Biên Phủ làm nức lòng mọi người, dĩ nhiên trong đó có tôi.

Ngày toàn quốc kháng chiến (Ảnh tư liệu)
Ngày toàn quốc kháng chiến (Ảnh tư liệu)

Một nhà báo Pháp có lần đặt với tôi câu hỏi: Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, ông làm chức vụ gì, đeo quân hàm cấp bậc nào?

Tôi trả lời: Tôi là người dân thường, nhưng đối với tất cả người Việt Nam chúng tôi thời ấy, ít nhiều mỗi chúng tôi đều là chiến sĩ Điện Biên.

Sau thắng lợi Điện Biên, Pháp sợ mình thừa thắng sẽ chiếm nốt Thủ đô Hà Nội cho nên đã rút bớt quân ở đồng bằng, vùng đông du, những đồn, bốt không quan trọng để đưa quân về trấn giữ Thủ đô Hà Nội. Vì thế, những vùng như bắc Nga Sơn (Thanh Hóa), Phát Diệm (Ninh Bình), Nam Định, một phần tỉnh Hà Nam quân Pháp rút chạy hết.

Tôi làm phóng viên từ vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh vội ra phía bắc huyện Nga Sơn để viết phóng sự “Những nhát búa san đồn giặc”.

Rồi ra tiếp thành phố Nam Định vừa giải phóng, nhìn cảnh người dân xếp hàng rất đông trước các Hiệu sách Nhân dân ta vừa mới mở, để mua cho bằng được lá cờ đỏ sao vàng và tấm ảnh chân dung Bác Hồ về treo ở nhà, dân xếp hàng cả đêm, bắt nhà hàng phải chạy ra vùng tự do trong đêm mang về đủ chân dung Bác Hồ và quốc kỳ cho họ…

Tháng 7/1954, Hiệp định Genève được ký kết. Chúng tôi, niềm vui chen lẫn băn khoăn.

Niềm vui là đất nước hòa bình, chúng ta sẽ trở về Hà Nội; băn khoăn là một nửa đất nước thuộc về miền Nam, trong đó có quê hương tôi, gia đình tôi, trong kháng chiến là vùng tự do ở miền Nam, bây giờ lại thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn.

Tôi viết vội bài báo “Bức thư gửi em gái ở bên kia Cửa Tùng”: “Em ơi, em cùng với đồng bào ta, cùng với du kích, bộ đội đã giữ cho quê ta là vùng tự do, nhưng bây giờ hòa bình lập lại thì em trở thành người dân bị địch kiểm soát. Nhưng chúng ta hy vọng sau hai năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước, anh em chúng ta lại gặp nhau trong một đất nước hòa bình, thống nhất”.

Nhưng buồn thay, Ngô Đình Diệm chủ trương diệt cộng, phá Hiệp định Genève, lại có thêm bao người thân nữa của gia đình, quê hương tôi bị giết chóc, tù đày.

PV: Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên đặt chân tới Thủ đô vào lúc kháng chiến thành công? Hình ảnh Thủ đô Hà Nội ngày ấy như thế nào, thưa ông?

Nhà báo Phan Quang: Lần đầu tiên trong đời, tôi gặp trời thu Hà Nội đúng ngày 10/10/1954.

Trước đó, dù chưa từng đến Thủ đô nhưng hình ảnh Hà Nội vốn đã có trong tôi qua lịch sử, văn học, thơ ca.

Những cái tên Hàng Buồm, Khâm Thiên, Bờ Hồ, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, đường Cổ Ngư... chưa từng nhìn thấy mà vẫn quen thân.

Đối với thế hệ chúng tôi, Hà Nội đã có sẵn trong lòng với sự tuẫn tiết của chí sĩ Hoàng Diệu, với cuộc chiến đấu của Trung đoàn Thủ đô và nhân dân Hà Nội trong hai tháng mở đầu Toàn quốc kháng chiến, với “Trường ca Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, với kịch “Những người ở lại” của Nguyễn Huy Tưởng...

PV: Được biết dịp này ông cho ra mắt tác phẩm “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”. Kể lại những câu chuyện về cuộc đời trong sáng của cả một thế hệ, phải chăng ông muốn nhắn gửi điều gì đó tới cuộc sống hôm nay?

Nhà báo Phan Quang: Tôi chưa bao giờ dám nhắn gửi điều gì. Như đã nói, tập “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” chỉ là những dòng ghi chép, ghi nhanh bên bờ suối, trên đỉnh núi, giữa mặt trận, trong làng quê... Bạn đọc sẽ tự mình cảm nhận khi đọc.

Đối với tôi, tập sách đơn giản là tư liệu báo chí, văn học, sử học, giữ cho riêng mình.

Nhưng năm nay, tôi sắp chạm tuổi 90, bạn bè, đồng hương tôi bảo: Bác có bao nhiêu là câu chuyện hay, tại sao không chịu in ra để ai cần, người ta sử dụng? Vì thế có cuốn sách này.

Sách ra mắt độc giả vào đúng dịp 70 năm kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến, trùng hợp sự kiện trọng đại: Bác Hồ đọc lời kêu gọi toàn dân kháng chiến trên làn sóng của Đài TNVN - nơi tôi từng nhiều năm gắn bó. Đây là may mắn và hạnh phúc lớn đối với tôi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!./.

Sáng 19/12/2016, tại 58 Quán Sứ, Hà Nội, Đài TNVN sẽ tổ chức giao lưu về cuốn sách "Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm" - Nhật ký trong kháng chiến chống Pháp của nhà báo Phan Quang.

Tại cuộc gặp, nhà báo Phan Quang sẽ ký tặng các vị khách tham dự cuốn “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”.

Theo Ngọc Vũ
VOV.vn