Nhà báo Lại Văn Sâm, Diễm Quỳnh sẽ làm MC “Giai điệu tự hào” phiên bản mới

(Dân trí) - Trong 2 năm phát sóng với việc làm mới hơn 200 ca khúc “đi cùng năm tháng” đã đưa “Giai điệu tự hào” đã trở thành một dấu ấn đáng nhớ không chỉ đối với khán giả truyền hình mà cả với đời sống nghệ thuật của Việt Nam. Tuy nhiên, khi chương trình đang “hút khách” thì bỗng dưng lại bị dừng lại không rõ lí do khiến cho không ít người tiếc nuối.

Trả lời câu hỏi "Vì sao "Giai điệu tự hào" bị ngừng phát sóng và thay đổi êkíp sản xuất?" của phóng viên Dân Trí trong cuộc họp báo ra mắt “Giai điện tự hào” phiên bản mới chiều 25/5, nhà báo Phạm Việt Tiến – Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ, chương trình nào lâu trên VTV đều bắt buộc phải làm mới vì khán giả bây giờ không xem truyền hình một cách thụ động, nhà đài phát gì xem nấy. Khán giả có quyền đòi hỏi cái mới và nhà đài buộc lòng phải đáp ứng yêu cầu đó. Và thời gian bị gián đoạn chính là thời gian để hai êkip cũ và mới có sự chuyển giao.

“2 năm phát sóng, “Giai điệu tự hào” đã tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ và bây giờ “Giai điệu tự hào” vẫn tiếp tục cái mạch cảm xúc đó. Mang tiếng là “Giai điệu tự hào” phiên bản mới nhưng thực chất chương trình không đặt nặng có gì mới mà truyền tải những thông điệp, tác phẩm, chủ đề, câu chuyện… với tinh thần, tư tưởng, giá trị nghệ thuật nhiều hơn. Chương trình luôn hướng đến việc mỗi bước đi mang đến cho khán giả những ấn tượng bền bỉ…”, nhà báo Phạm Việt Tiến nhấn mạnh.

Đại diện cho êkíp sản xuất Giai điệu tự hào 2016 chia sẻ thông tin với báo chí.
Đại diện cho êkíp sản xuất "Giai điệu tự hào" 2016 chia sẻ thông tin với báo chí.

“Giai điệu tự hào” 2016 trở lại với khán giả bởi một êkíp sản xuất hoàn toàn mới. Theo đó, nhà thơ Phan Huyền Thư không còn đảm nhiệm vai trò Giám đốc ý tưởng, nhạc sĩ Quốc Trung cũng thôi đảm nhiệm Giám đốc Âm nhạc, đạo diễn Việt Tú thôi làm Đạo diễn sân khấu... thay vào đó là những cái tên quen thuộc như: nhà báo Tạ Bích Loan, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh, nhạc sĩ Thanh Phương và đạo diễn Cao Trung Hiếu. Nhà báo Lại Văn Sâm và nhà báo Diễm Quỳnh sẽ đảm nhận vai trò MC của chương trình.

Chia sẻ về áp lực của một trong những người “cầm trịch” chương trình này, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh cho biết, khi tiếp cận với chương trình này chị rất áp lực và lo lắng. Chị lo lắng tới mức cách đây 4 hôm chị mới dám treo logo chương trình trên trang cá nhân như một cách thông báo khéo rằng chị sẽ là một nhân tố của chương trình này. Tuy nhiên, theo nhà báo Diễm Quỳnh thì vì đây không phải là chương trình lần đầu tiên chị nhìn thấy, cộng với việc chị có 10 năm kinh nghiệm sản xuấ âm nhạc ở VTV3 nên khi nghiên cứu kịch bản chị thấy mình có thể làm được.

Sân khấu Giai điệu tự hào 2016 số phát sóng đầu tiên.
Sân khấu "Giai điệu tự hào" 2016 số phát sóng đầu tiên.

Riêng nhạc sĩ Thanh Phương thì cho biết: ““Trước khi thu hình số đầu tiên, tôi có nhắn cho MC Diễm Quỳnh là tôi cảm thấy khá áp lực. Một phần vì mùa trước tôi làm tốt rồi và bây giờ tôi cần làm tốt hơn, phần khác là vì làm việc một ê-kíp mới, kể câu chuyện mới khó tránh khỏi cảm xúc hồi hộp... Nhưng khi số đầu tiên về tình bạn của Phạm Duy – Văn Cao quay xong, tôi cảm thấy rất hào hứng và không còn áp lực nữa. Tôi nghĩ mình có rất nhiều cảm hứng để thực hiện chương trình này, không chỉ năm 3 đâu mà các năm sau nữa, nếu được tôi vẫn muốn tiếp tục tham gia”.

“Giai điệu tự hào” phiên bản mới không còn chia thành hai hội đồng bình luận lão thành và trẻ tuổi như 2 năm vừa qua. Tất cả khách mời bình luận sẽ ngồi chung một hội đồng. Nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ: “Hội đồng bình luận trẻ và lớn tuổi sẽ cùng ngồi chung, không còn khoảng cách thế hệ”. Bởi theo anh, âm nhạc là không có tuổi. Khi chúng ta có tình yêu và niềm tự hào chung về những ca khúc Việt Nam, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói và sự đồng cảm. Thông qua những cuộc trò chuyện như vậy, khán giả sẽ hiểu được nhiều thông tin hơn phía sau bài hát, hiểu được “cuộc đời” của mỗi bài hát mình được nghe.

Nhà báo Lại Văn Sâm và Diễm Quỳnh sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình.
Nhà báo Lại Văn Sâm và Diễm Quỳnh sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện tình bạn của nhạc sĩ Văn Cao - Phạm Duy, hai tác giả tân nhạc lớn của Việt Nam, “Giai điệu tự hào” 2016 quyết định chọn Khởi hành làm chủ đề của số phát sóng đầu tiên. Đó sẽ là một câu chuyện âm nhạc đầy cảm xúc, câu chuyện cuộc đời của 2 nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy. Mỗi người một con đường, mỗi người một số phận nhưng họ gặp nhau ở niềm đam mê âm nhạc, nỗi lòng với quê hương, đất nước. Với chủ đề này, “Giai điệu tự hào” muốn tái dựng lại hai biểu tượng âm nhạc lớn của Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 40 thế kỷ trước kéo dài đến những năm 1950, từ những ca khúc như: Buồn tàn thu, Đàn chim Việt, Bến xuân, Tiến Quân ca, một bài hát gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng 8 lịch sử đến một phần âm nhạc của Phạm Duy sau khi rời miền Bắc như: Tình ca, Anh sẽ đưa em về...

Giám đốc âm nhạc, nhạc sĩ Thanh Phương sẽ giới thiệu tới khán giả những bản phối mới. Anh chia sẻ rằng mình thấy đồng cảm với ê-kip ở cách kể chuyện nên khi bắt tay vào làm nhạc, những ca khúc tưởng như đã quá quen thuộc cũng mang đến cho anh thật nhiều cảm xúc. Trong số những bài hát của số đầu tiên, anh đặc biệt yêu thích bản phối “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy. Ở đây, anh muốn nhấn mạnh đến âm hưởng dân ca Nam Trung bộ. Nhạc sĩ Thanh Phương tâm sự: “Khi phối lại ca khúc này, tôi mường tượng ra hình ảnh nhạc sĩ Phạm Duy đang ở miền Nam, ông nhớ đến quê nhà, nhớ đến giọng nói của quê hương nên ngôn ngữ âm nhạc của ông lúc này mang nhiều âm hưởng Nam hơn thường lệ.”

Hà Tùng Long