Người phụ nữ Tà ôi mang “xưởng dệt” trên vai đưa Zèng ra Thế giới

(Dân trí) - Hồ Thị Hợp kín đáo, ít nói, ít cười nhưng rất quyết tâm và bền bỉ khi thưc hiện kế hoạch đã đặt ra. Niềm tự hào về nghề dệt Zèng luôn đi với trăn trở, thúc đẩy chị lặn lội tìm cho được nguyên liệu phù hợp và mẫu mã có tầm sâu ý nghĩa văn hoá dân tộc nhằm giới thiệu với bạn bè thế giới...

Nhân sự kiện đến Nhật Bản nhận Giải thưởng Fukuoka năm 2015, Nhà thiết kế thời trang (NTK) Minh Hạnh đã tổ chức 3 show diễn thời trang Việt Nam, Nhật Bản tại 3 địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc tế Fukuoka, đền Kego – nơi có bia thờ những cây Kim May - Thêu và trong buổi giao lưu cùng Giáo sư Fujiwara Keiyo, các chuyên gia văn hóa Kawachi Hiroko, Nitta Eiji với sự tham dự của đông đảo người hâm mộ thời trang.

Hồ Thị Hợp (người thứ 3 từ phía phải) trên sàn diễn ở đền Kego.
Hồ Thị Hợp (người thứ 3 từ phía phải) trên sàn diễn ở đền Kego.

Trong tất cả các buổi biểu diễn thời trang, gặp gỡ giao lưu ấy, cùng với những hoa hậu Ngọc Hân, Thuỳ Dung và dàn người mẫu nổi tiếng Nam Bắc thì một người phụ nữ dân tộc thiểu số nhỏ nhắn có vẻ rụt rè luôn đươc người hâm mộ săn đón. Chị là Hồ Thị Hợp, dân tộc Tà ôi đến từ vùng núi A lưới Thừa Thiên- Huế.

Trăm nghe không bằng một thấy, mọi người đã được trực tiếp nhìn chị Hồ Thị Hợp rút khung dệt từ trong chiếc túi khoác trên vai đặt xuống sàn diễn, rồi duỗi chân ra đặt lên và dệt ngay trước mắt mọi người.

Ngay cả tôi thưở nhỏ bà tôi có khung dệt vải tơ tằm trong nhà cũng không thể hình dung ra ''cái xưởng dệt vải Zèng'' đơn giản mà dệt được những mẫu vải với nhiều hình tượng, hoa văn sống động đến vậy! Bởi thế, đối với nhiều người sành thời trang lớn lên trong một đất nước công nghiệp phát triển thì họ lại càng ngạc nhiên hơn.

Cùng có mặt tại Nhật, nhà báo Hoàng Thị Thọ - một người Huế và từng nhiều năm hoạt động ở Huế cho biết: ''Chị Hồ Thị Hợp, Chủ nhiệm HTX Dệt Zèng - thổ cẩm thị trấn A Lưới đã được biết đến như một nhân vật nổi tiếng vì đó là một người đã có công tập hợp những người Tà ôi, giữ gìn nghề dệt Zèng truyền thống, chị cần mẫn dạy nghề cho những em gái từ 9,10 tuổi và những cố gắng bền bỉ của những thợ dệt A Lưới đã được NTK Minh Hạnh đánh thức, làm cho Zèng trở nên sống động, quyến rũ, chen chân được vào thị trường may mặc, tiêu dùng hiện nay, được hoan nghênh ở nhiều nước Âu, Á, đặc biệt là Nhật Bản.

Tất nhiên, bên cạnh bàn tay khéo léo, cần mẫn và kinh nghiệm cha ông để lại, thì tấm vải Zèng đã được khối óc, bàn tay, niềm đam mê của NTK Minh Hạnh cùng đội ngũ các NTK kế cận của chị dày công sáng tạo trong thiết kế kết nối để Zèng đi vào thời trang hiện đại.

Những mẫu thời trang cao cấp được thiết kế trên chất liệu vải Zèng.
Những mẫu thời trang cao cấp được thiết kế trên chất liệu vải Zèng.

Cũng từ Mỹ, nhà thiết kế Minh Hạnh nhận xét: ''Có thể nói Hồ Thị Hợp chưa có ý thức thương mại hoá sản phẩm. Chị chỉ muốn làm thế nào cho vải Zèng của dân tộc Tà Ôi ngày càng đẹp hơn, mới lạ hơn''. NTK Minh Hạnh cho rằng, Hồ Thị Hợp có tư chất của một nghệ sỹ hơn một nhà kinh tế.

Hôm biểu diễn tại Ngôi đền nổi tiếng Kego, nơi có bia thờ cái Kim May Thêu tại trung tâm TP Fukuoka, mấy gia đình người Nhật, trong đó có một gia đình từ tỉnh xa đến, rồi sinh viên trường Đại học Kyushu và trường Thiết kế thời trang Koran đã hỏi mua vải Zèng, nhưng chị Hợp vui vẻ trả lời: ''Hôm nay mình đến Nhật Bản để giao lưu văn hóa.

Nếu các bạn, các em muốn mua Zèng, xin hãy liên hệ qua địa chỉ của mình, mình sẽ đáp ứng yêu cầu... Tôi hiểu chị, vì chị phải giữ những mẫu vải này để trình bày tại cuộc giao lưu với các chuyên gia văn hoá tại Cung văn hoá Fukuoka''.

Lần đầu tiên bước chân ra nước ngoài, lại đến một trung tâm văn hoá công nghiệp lớn, người phụ nữ dân tộc Tà ôi tỏ ra rất khiêm tốn, nhưng với tay nghề vững vàng đã tự tin dệt nên những hoa văn đậm đà bản sắc dân tộc, chị thu hút sự ngưỡng mộ không chỉ của những người cao tuổi đang tìm hiểu vốn văn hoá dân tộc mà còn cả sự chú ý của lớp trẻ, trong đó có những sinh viên trường thiết kế thời trang Nhật Bản.

Quỳnh Anh, Thu Vân những nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Kyushu vui mừng: ''Chúng em sang đây, cũng có những việc, những người gây nên một số vụ việc làm bức xức dư luận, chúng em rất buồn, nhưng mấy hôm nay, khi chính trên đất Nhật, Fuokoka chính thức trao giải thưởng Văn hoá - Nghệ thuật cho cô Minh Hạnh, khi được nhìn tài năng của những người như chị Hợp, chị Mai thì chúng em rất vui, rất tự hào về người Việt của chúng ta''.

Nguyễn Lương Phán