Người giữ “hồn” tiếng hát Then cổ

(Dân trí) - Hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không rèn luyện thì sẽ bị mất dần đi. Lo làn điệu Then sẽ bị thất truyền, nghệ nhân Hà Thuấn đã quyết tâm khôi phục lại phong trào hát Then trên quê hương mình.

Tân An là một vùng núi cao của huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang, đây là vùng đất có truyền thống hát Then phát triển một cách mạnh mẽ với những làn điệu êm ái mượt mà, có được điều đó là nhờ một nghệ nhân già từ nhiều năm nay đã miệt mài sưu tầm, sáng tác và truyền dạy hát Then. Ông chính là nghệ nhân Hà Thuấn.

 

Từ bao đời nay, hát Then đã gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và đời sống lao động của đồng bào dân tộc Tày, đặc biệt là ở 5 tỉnh, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên. Tại Tuyên Quang, xã Tân An được coi là cái nôi của hát Then với nhiều làn điệu Then cổ đặc sắc.
 
Người giữ “hồn” tiếng hát Then cổ

Hát Then đã gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và đời sống lao động của đồng bào dân tộc Tày

 

Cả tỉnh Tuyên Quang đến nay có hai nghệ nhân được phong tặng danh hiệu là nghệ nhân dân gian thì cả hai đều là người Tân An, đó là hai anh em nghệ nhân Hà Phan và Hà Thuấn.

 

Trò chuyện với nghệ nhân Hà Thuấn, chúng tôi được biết rằng, hát Then ngày xưa không phải là để đi biểu diễn, mà chỉ là hát trong hội mùa, cầu mùa, hoặc ngày xuân, giao duyên với nhau. Hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, xưa kia hát Then không được nhiều người biết đến. Những người có thể hát được chỉ là các thầy cúng trong các dịp lễ. Thế nhưng ngày nay, khi các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng như hội mùa, cầu mùa hay cầu mưa không còn duy trì nên hát Then cứ dần ra khỏi đời sống của người dân Tân An. Có một thời kỳ, hát Then đã bị lãng quên và có nguy cơ thất truyền.

 

Những năm 60 trở về trước, có thể nói rằng hát Then rất phát triển. Tuy nhiên, sau một thời gian, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức về phát triển văn hóa dân gian ở mức độ hạn chế nên hát Then cũng mai một đi.

 

Hát Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, nếu không rèn luyện thì sẽ bị mất dần đi. Lo làn điệu Then sẽ bị thất truyền, sợ lớp trẻ sẽ không biết thế nào là lời Then tiếng Tính, nghệ nhân Hà Thuấn đã quyết tâm khôi phục lại phong trào hát Then trên quê hương mình. Ông lao vào sưu tầm, ghi chép lại các làn điều Then cổ mà mình biết, biên soạn lại lời Then cho hoàn chỉnh, mượt mà hơn. Bên cạnh đó, ông còn dịch từ tiếng Tày sang tiếng Kinh, chuyển các làn điệu tiếng Kinh sang tiếng hát Then những mong thế hệ trẻ sau này sẽ có được những lời hát Then dễ nhớ, dễ học.
 
Người giữ “hồn” tiếng hát Then cổ
Lo làn điệu Then sẽ bị thất truyền, sợ lớp trẻ sẽ không biết thế nào là lời Then tiếng Tính, nghệ nhân Hà Thuấn đã quyết tâm khôi phục lại phong trào hát Then trên quê hương mình

 

Cùng sống chung một mái nhà, tuy không biết hát Then, nhưng vợ ông là bà Hoàng Thị Nhạc luôn bên cạnh động viên, khích lệ ông trong lúc khó khăn. Thức khuya, dậy sớm, hiểu được tình yêu của ông Thuấn với làn điệu Then, bà Nhạc gánh vác mọi công việc trong gia đình, để ông có thời gian đam mê đi sưu tầm những làn điệu cổ và sáng tác những bài Then mới.

 

Khi kinh tế phát triển, thì văn hóa truyền thống sẽ bị mai một, điều đó gần như đã trở thành một quy luật, người ta có thể bắt gặp những buổi biểu diễn nhạc trẻ khắp mọi nơi nhưng lại thiếu vắng những buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc. Lớp trẻ say mê với những giai điệu hiện đại nhưng lại thờ ơ với những bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Những suy tư đó đã tác động đến ông Thuấn và ồng nghĩ rằng, nếu không bắt đầu từ bây giờ thì những thế hệ sau này sẽ không biết đến nghệ thuật hát Then từng một thời không thể thiếu trên mảnh đất Tân An.

 

Nghĩ tới điều đó, thế là với đôi chân bị thương tật, ông lại tiếp tục bước trên đường. Ngoài 70 tuổi, với nhiều người, đây là thời gian để nghỉ ngơi và quây quần bên con cháu nhưng ông vẫn miệt mài đến các thôn, xuống các bản để vận động và truyền dạy mọi người hát Then.

 

Tại vùng quê này, nhiều gia đình vẫn lưu giữ những ký ức đẹp về hát Then, tình yêu với điệu hát Then mượt mà, dặt dìu dường như chưa bao giờ tắt trong họ. Thế nhưng cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả, lam lũ nên họ cũng không có điều kiện để duy trì việc đàn và hát.

 

Trong thời gian đầu, dù cố gắng đến đâu thì kết quả đạt được vẫn là sự thất bại, việc truyền dạy cho mọi người gặp khó khăn, nhiều lúc ông cũng gặp phải những bế tắc. Những lúc đó, ông lại nhớ tới người anh trai của mình - cố nghệ nhân Hà Phan.

 

Nghệ nhân quá cố Hà Phan là người đi đầu trong việc lưu giữ và bảo tồn hát Then, khi người anh trai mất, đã để lại trong lòng nghệ nhân Hà Thuấn một khoảng trống sâu thẳm. Những lúc như thế, đứng trước ban thờ, nhớ lại lời trăn trối của anh, ông lại gắng gượng và quyết thực hiện bằng được ý nguyện của người anh trai.

 

Dẫu biết rằng ở nơi khác, những âm thanh của âm nhạc hiện đại vẫn vang lên và lấn át tiếng hát Then của ông, nhưng khi còn sức khỏe, còn nghị lực thì bước chân của ông vẫn bước trên khắp các bản làng. Ông luôn cố gắng để tiếng Then như một sợi chỉ, nối tất cả mọi người lại với nhau. Đó là sức mạnh để tiếng hát Then vẫn vang lên, ngân mãi và trường tồn trên mảnh đất quê hương.

 

Mai Tân