Nghệ sĩ hải ngoại kể chuyện đón Tết “Ta” ở trời “Tây”

(Dân trí) - Nói đến Tết là nói đến sự sum vầy, sự đoàn viên… Vì lẽ đó mà dù ai đi xa thì vẫn luôn mong ngóng được đón Tết trên chính quê hương mình, nơi có những người thân yêu và những điều thân thuộc. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ đã từng phải ngậm ngùi khi đón Tết nơi đất khách.

Danh ca Giao Linh chia sẻ, bà may mắn vì được về nước biểu diễn từ năm 1998. Từ đó đến nay, bà vẫn thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Mỹ để hoạt động nghệ thuật cũng như sinh sống. Với bà, không đầu bằng chính quê hương mình bởi mọi thứ với mình đều thân thuộc.

“Ngày trở về, khi sắp bước lên sân khấu biểu diễn trống tim tôi đập thình thịch, hồi hộp lắm. Hồi hộp vì nhiều nỗi, không biết khán giả còn nhớ đến mình nữa không, nhất là lớp khán giả trẻ, họ sẽ đón nhận mình như thế nào? Nhưng không ngờ là tôi được khán giả trẻ đón nhận nhiệt tình hơn cả lớp khán giả đã luống tuổi.

Danh ca Giao Linh và Mạnh Đình trong chương trình Gala Tết Vạn lộc 2017.
Danh ca Giao Linh và Mạnh Đình trong chương trình Gala Tết Vạn lộc 2017.

Hôm đó, tôi cảm động đến mức bật khóc và ngẹn ngào không hát nổi. Tôi phải lui vào cánh gà và trấn tĩnh một lúc lâu mới trở ra sân khấu được. Tôi nghĩ rằng, tôi còn đứng vững được như ngày hôm nay là nhớ lớp khán giả đó ủng hộ. Còn hơn 18 năm qua, tôi đi biểu diễn khắp đất nước Việt Nam này, Hà Giang, Điện đến Cà Mau tôi cũng đã tới hết, chỉ mong có sức khỏe để được đi hát nhiều nơi hơn nữa”, giọng ca “Chuyến tàu hoàng hôn” chia sẻ.

Chia sẻ về Tết, nữ danh ca Giao Linh rất xúc động. Bà cho biết, cái cảm giác đón Tết nơi đất khách cho đến bây giờ vẫn còn ám ảnh bà.

“Ở nước ngoài, nếu ở những vùng có nhiều người Việt sống thì các ông bà lớn tuổi còn tụ tập nhau lại để đón Tết chứ ở những vùng ít người Việt sống thì buồn lắm. Nỗi buồn của những người Việt xa xứ vào dịp lễ Tết khủng khiếp lắm. Con cái đi làm hết, chẳng có ai đâu”, danh ca Giao Linh nghẹn ngào tâm sự.

Nữ danh ca tâm sự, bà nhớ mãi như kỷ niệm một lần bà đi diễn ở Cần Thơ, khi chuyến phà cuối cùng của năm cũ vừa ra đến giữa sông thì đúng lúc giao thừa, xung quanh không khí rộn ràng, mọi người náo nức và bà đã không kìm được nước mắt khi chứng kiến mọi thứ quá đỗi thiêng liêng.

Ca sĩ Hương Lan năm nay đón giao thừa ở Cailifornia.
Ca sĩ Hương Lan năm nay đón giao thừa ở Cailifornia.

Ca sĩ Hương Lan bày tỏ, chị rời quê hương lúc mới 20 tuổi. Chị cho rằng, ai từng xuất ngoại đều thấu hiểu hết mọi nỗi khó khăn nơi xứ người. Ai có gia đình bên cạnh thì còn đỡ chứ nếu không sẽ rất đơn độc, lúc nào cũng muốn trở về quê nhà. Bởi thế, việc nhiề ca sĩ hải ngoại khát khao được trở về âu cũng là chuyện dễ hiểu.

“Đó là một sự trở về với quê mẹ cần phải có khi con người không thể chịu đựng được hơn nữa sự xa cách với khán giả quê nhà”, Hương Lan nói.

Giọng ca “Rau đắng mọc sau hè” chia sẻ, không có ngôn từ nào có thể tả được nỗi vui mừng khôn xiết trong những ngày đầu chị trở lại ca hát trên quê nhà. Cảm giác đó càng thiêng liêng hơn khi vừa được biễu diễn phục vụ khán giả, vừa được đón Tết cổ truyền trên quê hương.

Với Hương Lan, Tết là những ngày thiêng liêng nhất. Tết ở Mỹ cũng có hội chợ Tết kéo dài khoảng 4 – 5 ngày nhưng người ta đi mà không có cảm giác hân hoan như ở Việt Nam vì khí hậu không được thuận lợi, nhiều nơi có tuyết rơi rất lạnh và thiếu thốn nhiều thứ. Nhiều khi chị muốn bước ra đường phố để tìm chút phong vị Tết Việt Nam nhưng đành phải ngậm ngùi “nuốt lệ” vì đất người không có Tết.

Nhiều năm nay, cứ đến Tết chị lại nhận được rất nhiều lời mời. Đi đến đâu chị cũng được khán giả và đồng nghiệp chúc mừng, mừng tuổi và tặng cho những món quà quê rất đặc biệt. Đó là hạnh phúc mà chị từng “đánh mất” trong những ngày tháng đón Tết ở xứ người.

Ca sĩ Mạnh Quỳnh ước muốn có nhiều cơ hội được đón Tết ở Việt Nam.
Ca sĩ Mạnh Quỳnh ước muốn có nhiều cơ hội được đón Tết ở Việt Nam.

Ca sĩ Mạnh Quỳnh cho biết, anh từng rất tiếc nuối khi không được hưởng cái không khí hân hoan, người người, nhà nhà cùng tất bật chuẩn bị mọi thứ đón Tết. Theo Mạnh Quỳnh, dù người Việt ở Mỹ vẫn duy trì tục đón Tết nhưng không khí rất buồn và lạnh lẽo. Mạnh Quỳnh cho rằng, đó không hẳn là Tết vì mọi người vẫn đi làm và không có gì khác thường so với ngày thường. Chỉ những vùng có nhiều người Việt sinh sống như tiểu bang California thì vui hơn một chút nhưng không phải ai cũng đến được để đón Tết ở đó.

Năm 2014 là lần đầu tiên sau 33 năm tha hương nơi xứ người, ca sĩ Phi Nhung mới lại ăn Tết ở Việt Nam. Những ngày tháng ở Mỹ, dù vào dịp Tết truyền thống, chị vẫn có cơ hội sum vầy cùng bạn bè, đồng nghiệp nhưng chị không cảm nhận được tận cùng không khí của ngày Tết. Thậm chí, đã có lúc chị không còn khái niệm Tết vì với những người sống xa quê hương như chị thì Tết không khác gì những ngày bình thường.

Phi Nhung đón Tết cùng các con nuôi.
Phi Nhung đón Tết cùng các con nuôi.

Năm đầu tiên trở về quê hương, dù rất nhiều lịch diễn nhưng Phi Nhung đã không bỏ qua cơ hội được sống trong không khí của những ngày cuối năm mà từ năm 16 tuổi chị đã bị bỏ lỡ. Chị dọn dẹp ban thờ, đi chợ mua sắm hoa quả thắp hương cho ông bà cùng má và dành nhiều thời gian để phục vụ bà con gần xa. Với Phi Nhung, Tết Việt trên quê hương mới đúng là Tết Việt.

Nhạc sĩ Đức Huy cho rằng, Việt Nam là 1 trong những nước lái xe gắn máy đông nhất thế giới, phải khi nào chúng ta hết lái xe gắn máy thì chúng ta mới có thể nghĩ đến chuyện quên Tết âm lịch để thay bằng Tết dương lịch.

"Tết âm lịch đã ăn vào xương vào tuỷ tôi từ lúc mới có trí khôn đến nay. Với tôi, Tết âm lịch là cái rất đặc trưng, rất Việt Nam mà tôi không muốn con cháu tôi quên", anh nói.

Hà Tùng Long