Nghệ sĩ gạo cội bị trượt danh hiệu liệu còn hy vọng được xét lại?

(Dân trí) - Đại diện Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong thời gian lấy ý kiến sẽ lắng nghe mọi ý kiến để báo cáo các cơ quan có đề xuất phù hợp hơn với tình huống thực tế.

Trong cuộc họp báo thường kỳ Quý II/2018 diễn ra chiều 5/7 tại Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh các khiếu nại của một số nghệ sĩ gạo cội bị trượt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ở Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng cho biết, năm 2018, Bộ thực hiện hai nghị định của chính phủ về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ và nghệ nhân. Nghệ sĩ xét tặng lần 9 và nghệ nhân xét tặng lần 2. Đến thời điểm này công tác xét tặng đã kết thúc phần họp các hội đồng chuyên ngành.

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Quý II/2018 diễn ra chiều 5/7. Ảnh: Tùng Long.
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Quý II/2018 diễn ra chiều 5/7. Ảnh: Tùng Long.

Nghệ nhân nhân dân đã xét được 67/103 hồ sơ, Nghệ nhân ưu tú đã xét 570/740. Nghệ sĩ nhân dân 77/105, Nghệ sĩ ưu tú 303/359 hồ sơ.

“Trước khi xét, chúng tôi có nhận được nhiều lời cảnh báo rằng, nếu việc xét tặng danh hiệu lần này mà làm không cẩn trọng sẽ giống như xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

Tuy nhiên, trong 3 đợt xét tặng danh hiệu gần đây gồm: 2012, 2016, 2018, số lượng xét tặng không biến động nhiều. Việc loại nhiều hay ít hồ sơ hoàn toàn do số phiếu của hội đồng xem xét, quyết định. Số lượng Nghệ sĩ nhân dân trung bình từ 80 - 100, Nghệ sĩ ưu tú di chuyển từ 280 đến 380 hồ sơ. Hồ sơ được xếp theo thứ tự, đầu tiên là của các nghệ sĩ có tuổi đời từ 70 trở lên.

Sau đó được xếp theo thứ tự người có số lượng huy chương cao nhất tới người có huy chương thấp nhất và cuối cùng là các hồ sơ thiếu A, B, C… Tất cả hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú do 48 hội đồng cấp bộ, tỉnh gửi lên, chúng tôi đều trình đầy đủ lên hội đồng. Chúng tôi không có quyền gạt bất cứ hồ sơ nào”, ông Phùng Huy Cẩn nói.

Theo ông Phùng Huy Cẩn, công tác xét tặng nghệ sĩ được làm theo quy trình. Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước ngoài đảm bảo về mặt chuyên môn thì còn phải đáp ứng cơ cấu về tính vùng miền. Vì vậy, trong thành phần 5 hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, ngoài các cơ cấu bắt buộc thì luôn có đại diện của các nghệ sĩ khu vực miền Bắc, Trung, Tây Nguyên, Nam để mọi bộ môn nghệ thuật, mọi nghệ sĩ vùng miền đều có tiếng nói trong quá trình xét tặng.

Theo đó, sau khi họp 5 hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước, 4 hội đồng đầu đầu không có gì to tát xảy ra. Tuy nhiên, hội đồng cuối cùng là về lĩnh vực sân khấu với nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống như: tuồng, chèo, cải lương, xiếc, kịch nói… sau khi xét xong, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có nhận được nhiều ý kiến của các địa phương dưới dạng văn bản gửi lên trao đổi về việc có một số nghệ sĩ có quá trình hoạt động nghệ thuật trước đây không qua trường lớp (chủ yếu là truyền nghề), trong đó loại hình nghệ thuật cải lương ở phía Nam là phổ biến nhất.

Chính vì đặc thù như thế nên khi họp hội đồng, Vụ Thi đua - Khen thưởng có báo cáo Hội đồng về hồ sơ của các nghệ sĩ cụ thể như vậy. Hội đồng cũng xem xét và ghi nhận ý kiến đó nhưng khi bỏ phiếu là quyền của các thành viên hội đồng, Vụ không thể can thiệp được.

“Có một số nghệ sĩ gạo cội, đặc biệt là trong bộ môn cải lương không đủ số phiếu bầu của các thành viên hội đồng. Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến từ các cơ quan thông tin đại chúng. Trong quãng thời gian lấy ý kiến, sẽ lắng nghe mọi ý kiến để trên cơ sở đó báo cáo các cơ quan có đề xuất phù hợp hơn với tình huống thực tế”, ông Phùng Huy Cẩn chia sẻ thêm.

Bản thân ông Cẩn cũng tâm sự rằng, ông rất hy vọng các trường hợp nghệ sĩ như: NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn… của cải lương phía Nam sẽ được Hội đồng xem xét lại.

Liên quan đến thời gian trao tặng danh hiệu cho các Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đã đủ điều kiện, ông Cẩn cho biết, phải tới khi nào tất cả các vấn đề khiếu nại liên quan đến việc xét tặng không còn nữa thì việc trao tặng danh hiệu cho những nghệ sĩ mới được cấp trên ký đồng ý.

Vẫn còn hy vọng cho những nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Minh Vương trong việc xét tặng danh hiệu NSND.
Vẫn còn hy vọng cho những nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Minh Vương trong việc xét tặng danh hiệu NSND.

Trước đó, vào ngày 3/7, Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đã đăng tải công khai danh sách 380 nghệ sĩ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước theo quy định.

Trong danh sách 77 nghệ sĩ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân có một số tên tuổi đáng chú ý như: NSƯT Phó Thị Đức (Kim Đức), NSƯT Bùi Thanh Hải, NSƯT Tô Lan Phương… (lĩnh vực âm nhạc); NSƯT Bùi Cường, NSƯT Trần Mạnh Cường, NSƯT Nguyễn Dân Nam…(lĩnh vực điện ảnh); NSƯT Nguyễn Trọng Trinh, NSƯT Lê Thị Bằng Hương… (lĩnh vực phát thanh - truyền hình); NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Thoại Miêu, NSƯT Tống Toàn Thắng, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Công Lý… (lĩnh vực sân khấu)… nhưng lại không có tên của NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn là hai tên tuổi lớn của làng sân khấu cái lương phía Nam.

NSƯT Minh Vương bày tỏ, ông cảm thấy rất buồn vì sự đóng góp và cống hiến của ông đối với nghệ thuật cải lương đã bị xem nhẹ. Ông thấy người ta đã không công bằng với ông khi đánh trượt ông tới 3 lần liên tiếp.

Hà Tùng Long