Đắk Lắk:

Ngân vang âm thanh của đại ngàn Tây Nguyên

(Dân trí) - Giữa màn sương mờ ảo, bên ánh lửa bập bùng, từng lời ca, điệu múa rộn ràng, tiếng cồng chiêng trầm bổng hòa cùng những điệu múa nhịp nhàng cứ thế cất lên.

Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tối 11/3, Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên đã diễn ra với chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng, đặc sắc của Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017.

Mở đầu chương trình là tiết mục tái hiện Lễ mời bạn của đồng bào Ê Đê
Mở đầu chương trình là tiết mục tái hiện Lễ mời bạn của đồng bào Ê Đê

Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng quy tụ gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên của các dân tộc anh em sinh sống trên dãy Trường Sơn và thu hút hàng ngàn người dân theo dõi.

Tại đêm hội, nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam đã trình diễn các bài chiêng đặc sắc nhất của dân tộc mình. Trong đó, tỉnh Kon Tum tham gia Đêm hội với đội cồng chiêng Xê Đăng; hai đội cồng chiêng Jrai và Bahnar đến từ tỉnh Gia Lai kết hợp giữa đánh chiêng và những điệu múa truyền thống; đội chiêng tỉnh Đắk Nông lại biểu diễn những bài chiêng đặc trưng của đồng bào M’Nông; đại diện cho tỉnh Lâm Đồng là 2 đội chiêng đồng bào dân tộc K’ho và Chu Ru.

Ngân vang âm thanh của đại ngàn Tây Nguyên - 2

Màn  trình diễn các bài chiêng đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Tây Nguyên
Màn trình diễn các bài chiêng đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc Tây Nguyên

Tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ đến từ Rumani
Tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ đến từ Rumani

Riêng tỉnh Đắk Lắk là đơn vị đăng cai, tham gia Đêm hội với các đội chiêng của hai nhóm dân tộc Ê Đê Adham và Ê Đê Bih cùng đội chiêng dân tộc Mường.

Ngoài phần trình diễn của các đội cồng chiêng đặc trưng cho văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khán giả cũng được thưởng thức phần biểu diễn độc đáo của các đoàn nghệ thuật dân gian nước ngoài: Campuchia, Hàn Quốc, Lào và Rumani.

Năm 2005, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” của Việt Nam được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Sự kiện trọng đại này đã đưa văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành tài sản chung của nhân loại. Giá trị nổi bật của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứa đựng những giá trị mang tầm kiệt tác của nhân loại, chủ nhân không ai khác là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Chính vì vậy, Đêm hội lần này ngoài việc giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của Tây Nguyên đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà còn thể hiện sự sáng tạo miệt mài của chính các chủ nhân của mỗi nền văn hóa; tin tưởng vào sức sống bền bỉ của văn hóa dân gian trong sự trường tồn của văn hóa dân tộc.

Dương Phong