Ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức là rộng lớn, cấp bách… nhưng khó?

(Dân trí) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay (14/6), Bộ trưởng Bộ VHTT&DL tiếp tục nhận được nhiều chất vấn gai góc liên quan đến cấp phép ca khúc, giải pháp hạn chế xuống cấp đạo đức – văn hoá ứng xử…

“Đang tìm giải pháp, tôi rất lo âu!”

Liên quan đến vấn đề cấp phép ca khúc ở Cục NTBD gây lùm xùm thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau khi những sự việc xảy ra, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu các Cục, Vụ liên quan rà soát lại những thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép này.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các thủ tục liên quan đến cấp phép những vụ việc vừa qua. Tinh thần của Bộ VHTT&DL là giảm cấp phép, giảm xin - cho để tạo điều kiện, tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tác của văn nghệ sỹ. Bộ sẽ tìm phương cách quản lý mới phù hợp với tình hình hiện nay, cũng như với quá trình hội nhập quốc tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Trước câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận, việc giải quyết khai thác và phổ biến hoặc hạn chế sản phẩm văn hoá sáng tác trước 1975 là việc làm hết sức quan trọng, để phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật lành mạnh của nhân dân và góp phần xây dựng đại đoàn kết dân tộc.

“Bộ nói: “Đang tìm giải pháp tôi rất lo âu. Hết sức mong, Bộ huy động chuyên gia, các nhà văn hoá để tìm ra giải pháp thoả đáng”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), đất nước đã thống nhất và hoà bình hơn 40 năm qua nhưng việc cấp phép các bài hát thời Việt Nam Cộng hòa và hải ngoại theo cơ chế xin - cho trong từng chương trình, từng băng đĩa, từng tác giả… là cách làm cửa quyền, gây chậm trễ, tốn kém, tiêu cực và trên thực tế không có hiệu quả.

Đã có ý kiến cho rằng ngành Văn hóa nên lên danh sách các bài hát bị cấm theo quy định pháp luật. Các bài hát ngoài danh sách này được tự do lưu hành, chỉ cần tôn trọng quyền tác giả, nộp thuế khi kinh doanh. Cần cấm thêm thì bổ sung vào danh sách này. Nhiều nhạc sỹ, chuyên gia ủng hộ cách quản lý này, vì phù hợp với mô hình Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, không cản trở nhu cầu chính đáng của người dân, nghệ sỹ, hoạt động phổ biến biểu diễn văn hóa, và toàn hoàn khả thi.

Từ thực tế này, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: “Yếu tố nào trở lực của cách làm mới và hợp lý này? Phải chăng từ nhận thức, năng lực, đạo đức của cán bộ làm văn hóa?”.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Thiện cho rằng, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, với những bài hát có nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia… thì không cần cấp phép. Tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng là thông thoáng và Bộ VHTT&DL sẽ thực hiện theo tinh thần chỉ đạo này.

Thừa nhận xử lý các vấn đề “nóng” còn chậm

Ngoài vấn đề cấp phép ca khúc, Đại biểu Mai Sĩ Tiến (Thanh Hóa) cũng đặt ra những câu hỏi liên quan đến việc việc điều chuyển ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Đại biểu này chất vấn: Bộ trưởng đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra để xem xét, kết luận những khuyết điểm vi phạm trong việc thực hiện một số chức năng nhiệm vụ của một số cán bộ thuộc Cục NTBD, Tổng cục Du lịch ra sao?

Việc thứ 2 là khi Thủ tướng Chính phủ điện thoại cho Bộ trưởng yêu cầu thôi giữ chức đối với ông Cục trưởng, Cục NTBD, Bộ trưởng đã cho thôi giữ chức và điều về văn phòng Bộ. Việc này Bộ trưởng thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hay làm theo quy định của pháp luật, trong đó có việc phải cho thôi giữ chức vụ và điều chuyển công tác như Bộ trưởng đã làm?

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời phiên chất vấn sáng 14/6. Ảnh: TL.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời phiên chất vấn sáng 14/6. Ảnh: TL.

Và từ những sự việc vừa qua, Bộ trưởng đã có chỉ đạo gì để nâng cao hiệu quả quản lý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong ngành văn hóa, người làm văn hóa điển hình trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán đẩy lùi, cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu trong các quan điểm hành vi sai trái tiêu cực ảnh hưởng xấu tới nền văn hóa làm tha hóa con người theo tinh thần nghị quyết Trung ương 9 khóa 11, về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước?

Giải đáp thắc mắc của Đại biểu Mai Sĩ Tiến, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, sự việc xảy ra vừa rồi Bộ đã báo cáo với Quốc hội, Bộ đã chỉ đạo để kiểm điểm trách nhiệm, xác định trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc và trên cơ sở đó có cách xử lý phù hợp. Nhưng tinh thần của Bộ hết sức cầu thị và nghiêm minh để công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này được tốt hơn.

Phản hồi chất vấn của Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận việc xử lý các vấn đề nóng của Bộ VHTT&DL vừa rồi đúng là còn chậm.

“Chúng tôi nhận thấy vấn đề đại biểu nói là đúng và xin tiếp thu. Sẽ giải quyết vấn đề nóng kịp thời hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngăn chặn xuống cấp đạo đức là rất khó

Liên quan đến các giải pháp nhằm ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, ứng xử… Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) tranh luận rằng: “Tôi muốn tranh luận với Bộ trưởng về các giải pháp Bộ trưởng đưa ra nhằm ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử. Tôi chưa hài lòng lắm với cách trả lời của Bộ trưởng, Bộ trưởng có đưa ra được văn bản về việc điều chỉnh, quản lý việc xuống cấp đạo đức hiện nay hay không?

Tôi nghĩ rằng, Bộ trưởng còn phải quan tâm hơn về việc chúng ta quản lý tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử ngay trong chính môi trường văn hóa, lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang quảng lý.

Hiện nay có tình trạng, các hoạt động văn hóa có những biểu diễn rất phản cảm, như vụ nhảy múa phản cảm trước trẻ em ở Đầm Sen. Thứ hai, chúng ta chưa có quy định cụ thể tội danh liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Có người vi phạm ở nước ngoài, về Việt Nam vẫn hoạt động tự do trong môi trường có liên quan đến trẻ em, xin giảng dạy cho trẻ. Đó là những hành vi, biểu hiện xuống cấp đạo đức.

Các gameshow, biểu diễn nghệ thuật, Nghị định 15 Chính phủ đưa ra không thấy quy định cụ thể với việc trẻ em tham gia hoạt động nghệ thuật, gameshow. Trong khi đó các gameshow giải trí nặng hơn giá trị giáo dục. Hình thức biểu diễn khai thác yếu tố câu khách là chính?”, trước những vấn đề này, Bộ trưởng Thiện bày tỏ, vấn đề Đại biểu Hiền nêu rất rộng lớn và cấp bách đối với đời sống xã hội. Hiện nay, các em, các cháu rất nhỏ tham gia biểu diễn có thể vì mục đích thương mại. Điều này Bộ VHTT&DL cần có thời gian nghiên cứu để đề ra những quy định cụ thể. Thay mặt ngành Văn hoá, Bộ trưởng Thiện tiếp thu ý kiến để có những điều chỉnh và thay đổi

Về vấn đề xây dựng đạo đức và văn hoá ứng xử, Bộ trưởng Thiện cũng đã nhấn mạnh trước đó rằng, đây là vấn đề rất lớn của đất nước, của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết Trung ương 4 đã nói nhiều về vấn đề này. Nhưng riêng đối với quản lý nhà nước Nghị quyết Trung ương IX lần thứ 11 ban hành Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, trong đó đề cập rất đậm đến xây dựng đạo đức, lối sống, nếp sống của con người Việt Nam, nhưng vấn đề này là một vấn đề rất khó.

“Với trách nhiệm quản lý nhà nước vì Nghị quyết này là Bộ VHTT&DL xây dựng, trình và phải có tổ chức thực hiện. Chúng tôi cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, các đề án để tổ chức thực hiện, nhưng hiện nay chỉ mới ban hành một số văn bản như chỉ thị về xây dựng đạo đức trong gia đình, đang tìm một chỉ thị của Ban Bí thư liên quan đến vấn đề xây dựng đạo đức, lối sống.

Có thể nói rằng đây là một lĩnh vực lớn và rất khó nhưng nếu không làm bây giờ mà làm chậm thì chúng ta sẽ gặp những khó khăn sau này, cho nên vừa rồi chúng tôi đã triển khai”, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nói.

Hà Tùng Long