1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Nếu bạn “nổi gai ốc” khi nghe nhạc, bạn là người… rất đặc biệt

(Dân trí) - Nếu bạn “sởn da gà” hay “nổi gai ốc” khi nghe một bài hát hoặc bản nhạc tâm đắc, vậy thì bộ não của bạn rất đặc biệt.

Bạn đã bao giờ có những phản ứng đặc biệt như trên khi nghe một bài hát hay bản nhạc nào đó chưa?

Những trải nghiệm đặc biệt nhạy cảm như nổi gai ốc, sởn da gà, dựng tóc gáy hay bỗng cảm thấy nghèn nghẹn ở họng khi lắng nghe một giai điệu nào đó, điều này là rất hiếm gặp và là những phản ứng độc đáo của con người.

Nếu bạn “nổi gai ốc” khi nghe nhạc, bạn là người… rất đặc biệt - 1

Một nghiên cứu được tiến hành bởi trường Đại học Harvard (Mỹ) hồi năm ngoái đã tìm hiểu về cách con người phản ứng với âm nhạc, để xem những phản ứng cực kỳ nhạy cảm này được tạo ra như thế nào.

Nghiên cứu được tiến hành đối với 20 sinh viên, trong đó 10 sinh viên khẳng định rằng họ đã từng trải qua những phản ứng đặc biệt kể trên khi nghe nhạc, và 10 sinh viên chưa từng có những trải nghiệm như vậy. Tất cả các sinh viên này đều được chụp các hoạt động của bộ não.

Người ta phát hiện ra rằng những người có những phản ứng đặc biệt tinh tế về cảm xúc và cả thể chất khi nghe nhạc thực sự có cấu trúc não bộ khác với những người bình thường khác.

Nghiên cứu cho thấy rằng những người có sự nhạy cảm, tinh tế khi thưởng thức âm nhạc thường có những bó dây thần kinh dày hơn, làm nhiệm vụ kết nối vỏ não thính giác với các trung khu xử lý cảm xúc, điều này có nghĩa hai khu vực biệt lập có thể giao tiếp tốt hơn nhiều.

Nếu bạn “nổi gai ốc” khi nghe nhạc, bạn là người… rất đặc biệt - 2

Nghiên cứu này đã được công bố trên chuyên san của nhà trường. Như vậy, nếu một người có những phản ứng rất nhạy cảm khi nghe nhạc, vậy thì người đó nhiều khả năng là người luôn có những xúc cảm mạnh mẽ, thậm chí mãnh liệt trước âm nhạc và những thanh âm khác của cuộc sống.

Mặc dù nghiên cứu này khá nhỏ về quy mô nhưng đã tạo đà để nhà trường tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu hơn trong việc tìm hiểu cách thức hoạt động của bộ não khi nghe nhạc, để có thể tạo nên những rung động đặc biệt về xúc cảm và phản ứng khác lạ của thể chất.

Bích Ngọc
Theo Independent