“Một giọt đàn bà” - Bản nhạc từ tiếng vỡ của cuộc sống

(Dân trí) - Sau các tác phẩm viết về đề tài nhạy cảm trong xã hội như “Đời Callboy”, “Chuyển giới”, “Mẹ ơi con đồng tính”…, đầu năm 2014 Nguyễn Ngọc Thạch đánh dấu sự quay lại cùng “Một giọt đàn bà” - tập truyện ngắn viết bằng bản ngã đàn bà sâu thẳm.

Sau các tác phẩm viết về đề tài nhạy cảm trong xã hội được chú ý và đánh giá tích cực như Đời Callboy, Chuyển giới, Mẹ ơi con đồng tính, và gần đây nhất là tuyển tập Tản văn Chênh vênh hai lăm được nhiều người quan tâm, đầu năm 2014 Nguyễn Ngọc Thạch đánh dấu sự quay lại cùng Một giọt đàn bà - tập truyện ngắn viết bằng bản ngã đàn bà sâu thẳm.

Trong tập truyện này có Một con đĩ yêu nghề- một trong những truyện ngắn được tìm đọc nhiều nhất trên Internet năm 2013, đồng thời đã được chuyển thể thành phim ngắn cùng tên.

Một giọt đàn bà viết về những thân phận được cho là tầng lớp đáy cùng của xã hội, bị coi thường, khinh bỉ và kỳ thị: những cô gái làm nghề bán hoa, hay chân thực thẳng thắn hơn, họ bị gọi là gái điếm, là đĩ…
 
Bìa cuốn sách Một giọt đàn bà

Bìa cuốn sách "Một giọt đàn bà"

Độc giả sẽ thấy trong đó có một chút trách móc, cũng không giấu diếm chút cảm thông với những con người đang làm cái nghề bị cho là căn bã của xã hội ấy. Có thể họ đến với nghề bằng, hoặc từ những lý do khác nhau – khốn khổ có, trơ tráo đê tiện cũng có, nhưng họ có điểm chung là bị lạm dụng, bị xã hội khinh bỉ, bị coi thường. Mặc dù vậy, ẩn sâu trong lòng, họ vẫn còn tình thương yêu chân thành mà tưởng rằng nó đã chai sạn với cuộc sống xô bồ gẫy gập. Những câu chuyện viết về một đề tài không nhiều người lựa chọn, Thạch đã dám đặt bút và đạt được sự thành công nhất định, những cái kết sau khi đọc xong, nhiều độc giả thấy đau đớn, xót xa với bao kiếp người lênh đênh trôi nổi.

Với Một giọt đàn bà, tác giả vẫn giữ một giọng văn mang phong cách của riêng mình: không quá gay gắt, không dồn dập, đều đều nhưng vẫn khiến người đọc đồng cảm. Nội dung tuy đơn giản nhưng đã lột tả được một trong muôn vàn cảnh đời và những suy nghĩ không bao giờ được biết đến của phận những người làm nghề bán trôn nuôi miệng.

Những lời văn như ngày một soi rõ những cảm xúc mà không mấy ai hiểu hay trải nghiệm được. Từ những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Thạch, ta có thêm những quan điểm mới, những cái nhìn mới cho cuộc đời này.

Hà Thanh