Một bộ phim làm dậy sóng 2 quốc gia

(Dân trí) - "Five Broken Cameras"- bộ phim tài liệu được đề cử chính thức tại giải Oscar năm nay khắc họa cuộc xung đột ở khu vực Bờ Tây sông Jordan đã khiến cả người Israel và Palestine tức giận vì những lý do khác nhau.

Một bộ phim làm dậy sóng 2 quốc gia


Về phía Israel, người dân tự hỏi tại sao chính phủ lại tài trợ cho một bộ phim tài liệu chỉ trích sâu cay những chính sách của chính nhà nước mình như vậy. Về phía Palestine, người dân bất mãn vì phim khai thác vấn đề của người Palestine nhưng khi đem đi tranh giải lại đóng mác Israel.

“Five Broken Cameras” (5 chiếc máy quay hỏng) là câu chuyện khắc họa cuộc chiến đấu bền bỉ của dân làng Bilin thuộc Palestine, họ đấu tranh giành lại từng tấc đất từ quân đội Israel.

Tên phim lấy ý tưởng từ 5 chiếc camera của anh Emad Burnat - nhà làm phim người Palestine bị quân đội Israel đập vỡ sau khi phát hiện ra anh ghi lại những hình ảnh về các cuộc biểu tình diễn ra hàng tuần của dân làng Bilin chống lại quân đội Israel.

Người dân làng Bilin phản đối việc quân Israel chiếm đóng tới một nửa diện tích ngôi làng để xây dựng một đường phân giới. Chi phí đầu tư vào bộ phim tài liệu này khoảng 400.000 đô la Mỹ và chủ yếu được phía Israel và chính phủ Pháp tài trợ.

Một bộ phim làm dậy sóng 2 quốc gia


Một bộ phim tài liệu khác cũng được hỗ trợ kinh phí bởi chính phủ Israel và cũng được đề cử tại giải Oscar lần này là “The Gatekeepers” (Lính biên phòng). Phim ghi lại những bài phỏng vấn đối với các vị cựu tướng lĩnh hàng đầu trong lực lượng quân đội và cảnh sát Israel.

Trailer phim tài liệu "The Gatekeepers" được đề cử tại giải Oscar 2013

Những vị cựu tướng lĩnh này kể lại những biện pháp mà họ sử dụng để trấn áp người Palestine trong suốt nhiều thập kỷ qua tại khu vực Bờ Tây và Dải Gaza. Thông điệp gửi đi từ “The Gatekeepers” chính là quân đội cũng có những hạn chế của nó và rằng Israel buộc phải tận dụng sức mạnh của quân đội để có thể duy trì hòa bình.

Những dự án làm phim này cho thấy sự mâu thuẫn hiện diện trong xã hội Israel. Trong khi quân đội làm mọi cách để trấn áp hàng triệu người dân Palestine thì chính phủ lại tài trợ kinh phí cho những dự án nghệ thuật chỉ trích chính sách của họ. Người ta tự hỏi lý do gì khiến chính phủ Israel làm như vậy?

Nhiều người dân Israel cho rằng những bộ phim như vậy là “phản động”, làm xấu hình ảnh quân đội và chống lại cộng đồng người Israel. Nhưng cũng có những người cho rằng những bộ phim như vậy là đỉnh cao của sự tôn vinh.

Cấp kinh phí cho những bộ phim chỉ trích chính phủ chính là cách nhấn mạnh vào sự tự do dân chủ mà chính quyền Israel đang xây dựng, chính phủ chấp nhận “tiếp đạn” cho những luồng ý kiến công kích.
 
Trailer phim tài liệu "5 Broken Cameras" được đề cử tại giải Oscar 2013

Danny Danon, một thành viên của đảng cầm quyền tại Israel cho rằng: “Chắc chắn tại Israel sẽ có những nhóm người chống đối lại chính phủ, bất kể vì lý do gì. Để duy trì một nền dân chủ thực sự, chúng tôi chấp nhận trả giá. Chính phủ không can thiệp kiểm duyệt nội dung của những bộ phim được sản xuất tại Israel”.

Về phía người Palestine, họ không muốn bộ phim tài liệu khắc họa về những nỗi đau của mình bị gây ra bởi quân đội Israel lại được dán mác phim của Israel. Anh Adib Abu-Rahmeh, một lái xe taxi chia sẻ: “Người ta nói đó là phim của Israel nhưng không phải vậy, ai là những nhân vật chính xuất hiện làm nên nội dung bộ phim chứ? Có phải người Israel không? Họ có phải chịu đựng những gì như chúng tôi đang chịu đựng không? Họ có bị bắn chết, bị bắt giữ, bị đánh đập không?”

Thành viên trong đoàn làm phim cho rằng người dân hai bên hãy nhìn vào nội dung bộ phim thay vì xét tới quốc tịch của nó: “Đối với tôi, phim tài liệu không có quốc tịch. Phim thực chất là một sự hợp tác 3 bên Palestine – Israel – Pháp. Phim kể về những cách phản ứng phi bạo lực của dân làng Bilin, họ vẫn phản kháng nhưng tránh đổ máu, tránh bạo động, đó mới là thông điệp quan trọng nhất mà chúng tôi gửi đi”.

Một bộ phim làm dậy sóng 2 quốc gia


“Five Broken Cameras” khắc họa cuộc sống thông qua đôi mắt mở to, tròn xoe của cậu bé Bibreel – con trai nhà làm phim Burnat. Tuổi thơ của cậu bé gắn liền với việc chứng kiến những cuộc xung đột, nhìn thấy những cuộc ẩu đả giữa người dân và quân đội.

Burnat chia sẻ với báo chí: “Bộ phim nói về gia đình tôi, về những sự vật giản dị bình thường như 5 chiếc camera bị đập vỡ, như vậy, phim sẽ gần gũi với người xem. Ở làng Bilin, người ta không biết tới những bộ phim hào nhoáng của điện ảnh Hollywood. Họ có rất ít niềm vui trong cuộc sống và hy vọng như đang lịm tắt dần. Một bộ phim tài liệu thu hút sự chú ý của họ có lẽ sẽ đem tới một niềm hứng thú mới mẻ. Đó là điều quan trọng nhất đối với tôi.”

 
Pi Uy
Theo Canada News