Liệu Hàn Quốc có thoát “dớp” ở Cannes để rinh Cành Cọ Vàng?

(Dân trí) - Ngày mai (22/5), phim đoạt Cành Cọ Vàng sẽ lộ diện. Hàn Quốc - đại diện đáng kể hiếm hoi của điện ảnh Châu Á - liệu có làm nên chuyện? Dù luôn gây được tiếng vang ở Cannes, nhưng giới điện ảnh cũng thường nói đùa rằng phim Hàn luôn “có dớp” với Cành Cọ Vàng.

Năm nay, trong khi Trung Quốc không có phim nào xuất hiện tại Cannes, Nhật Bản không có phim nào lọt vào tranh giải Cành Cọ Vàng, thì Hàn Quốc vẫn giữ một phong độ ổn định khi có phim xuất hiện rải đều ở các hạng mục tranh giải và không tranh giải. Đáng kể có “The Handmaiden” (Người hầu gái) đang là một phim nặng ký ở hạng mục Cành Cọ Vàng.

Tờ Screen - nhật báo ra mắt mỗi ngày trong suốt kỳ LHP Cannes - đã thực hiện bài viết có tiêu đề “Cuộc biểu dương sức mạnh của điện ảnh Hàn Quốc”. Năm nay, Hàn Quốc gây chú ý tại Cannes với ba bộ phim thu hút sự chú ý, gồm một phim tranh giải và hai phim chiếu giới thiệu, từ đó, cho thấy sự lớn mạnh vững chãi của điện ảnh Hàn.

Nếu ở Châu Á, ngành công nghiệp làm phim của Hàn Quốc thường được biết đến với những làn sóng Hàn “hallyu”, những bộ phim truyền hình tình cảm lãng mạn… thì khi bước ra “biển lớn”, họ đã chứng tỏ rằng mình còn có một lực lượng hùng hậu chuyên làm phim nghệ thuật.

Ứng viên nặng ký cho Cành Cọ Vàng

Niềm hy vọng của điện ảnh Châu Á ở Cannes - phim “Người hầu gái” - được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Fingersmith” của nữ nhà văn Anh Sarah Waters. Phim chuyển bối cảnh từ nước Anh thời Nữ hoàng Victoria sang Hàn Quốc thập niên 1930. Hơn 2.000 ghế trong phòng chiếu đã phủ kín khán giả háo hức chờ đợi xem phim tranh giải của đạo diễn Park Chan-wook.

Cảnh phim “Người hầu gái”
Cảnh phim “Người hầu gái”

“Người hầu gái” đã gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi vẻ đẹp lạnh lẽo trong từng khuôn hình. Chuyện phim kể về Sook-hee, một cô gái chuyên hành nghề móc túi được một người đàn ông thế lực cài cắm vào làm hầu gái trong căn biệt thự của một phụ nữ giàu có nhưng bí ẩn - quý cô Hideko.

Người đàn ông tham vọng rằng cô hầu gái Sook-hee sẽ giúp được ông ta thâu tóm gia sản của quý cô Hideko. Câu chuyện bất ngờ chuyển hướng khi cô chủ… yêu hầu gái.

Quá khứ của hai nhân vật nữ chính đều ẩn chứa những đau thương. Hideko dù giàu có nhưng không khác nào bị giam cầm cô đơn trong chiếc lồng vàng. Khi Sook-hee xuất hiện trong lâu đài, hai cô gái đã nhanh chóng bị thu hút về phía nhau. Họ đã yêu nhau bởi tìm thấy sự đáng thương của chính mình trong nhau.

Cả hai cô gái đều sớm bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ và đều cảm thấy cô đơn tuyệt vọng trong tâm hồn. “Người hầu gái” có thể gợi nhớ ít nhiều tới bộ phim Pháp của đạo diễn Abdellatif Kechiche từng đoạt Cành Cọ Vàng 2013 - “Blue Is The Warmest Colour” (Màu xanh là màu nóng) cũng với chủ đề về tình yêu đồng giới và những cảnh nóng bạo liệt.

Trailer phim “Người hầu gái”

“Người hầu gái” đã nhận được những lời bình luận trái chiều, dù khen nhiều hơn. Có những nhà phê bình cho rằng phim không có gì mới so với phong cách làm phim trước đây của đạo diễn Park, cũng có những người khen ngợi cho rằng phim quá ấn tượng, không thể nào gạt ra khỏi tâm tưởng sau khi rời phòng chiếu.

Trước đây, đạo diễn Park đã từng gây tiếng vang với loạt ba bộ phim làm về đề tài trả thù, trong đó, đáng kể có “Oldboy” (Đồng môn - 2003) từng đoạt giải thưởng lớn Grand Prix tại Cannes 2004.

Lần thứ hai dự Cannes của đạo diễn Park là năm 2009 với “Thirst” (Khát) đoạt giải Jury Prize của ban giám khảo. Trong các bộ phim làm nên tên tuổi của mình, đạo diễn Park đều chú trọng tới vẻ đẹp của từng khuôn hình, đưa vào chất hài đen và phản ánh những đề tài dữ dội.

Park đã từng tham gia sản xuất dự án phim “bom tấn” của điện ảnh Hàn “Snowpiercer” (Chuyến tàu băng giá - 2013) và từng đạo diễn bộ phim tâm lý kinh dị hợp tác Anh - Mỹ “Stoker” (Kẻ đốt lò - 2013). Ở Cannes, Park không phải “khách lạ”.

Phim nghệ thuật Hàn Quốc đang “làm kinh tế giỏi”

Hai phim Hàn Quốc được công chiếu giới thiệu ở các hạng mục không tranh giải tại Cannes 2016 cũng rất gây chú ý. Đó là “The Wailing” của đạo diễn Na Hong-jin và “Train to Busan” của đạo diễn Yeon Sang-ho.

Cảnh phim “Người than khóc”
Cảnh phim “Người than khóc”

“The Wailing” (Người than khóc) là phim kinh dị kể về một người cảnh sát cùng với một pháp sư và một phụ nữ bí ẩn đi điều tra về những vụ án giết người và sự xuất hiện của những căn bệnh lạ.

Khi tham gia Chợ Phim Châu Âu tại LHP Berlin 2016 (Đức), “Người than khóc” đã được đặt mua bởi các đại diện đến từ 116 nước khiến đạo diễn Na Hong-jin ngay lập tức được cả những đại diện của các hãng phim Hollywood để mắt tiếp cận.

“Người than khóc” chứa đựng những yếu tố tâm linh, tôn giáo kết hợp Đông - Tây, vì vậy người xem từ phương Đông sang phương Tây đều có sự thấu hiểu, gần gũi, vừa có sự lạ lẫm, tò mò. Na Hong-jin trước đây đã từng thành công với phim đầu tay về đề tài tội phạm - “The Chaser” (Kẻ săn đuổi - 2008) và sau đó là “The Yellow Sea” (Hoàng hải - 2010).

Trailer phim “Người than khóc”

“Train to Busan” (Chuyến tàu tới Busan) lấy bối cảnh một ngày đen đủi trong quan niệm văn hóa phương Tây - thứ sáu ngày 13, một chuyến tàu chở đầy xác sống rời sân ga. “Chuyến tàu tới Busan” đã trở thành phim kinh dị làm về đề tài “zombie” (xác chết sống dậy) có mức kinh phí đầu tư lớn nhất của điện ảnh Hàn Quốc.

Dù sử dụng đề tài mang đặc trưng phương Tây nhưng “Chuyến tàu tới Busan” vẫn giữ bối cảnh Hàn Quốc. Dù mới “làm quen” với “zombie” nhưng phim không hề thiếu chuyên nghiệp, tiết tấu phim nhanh, cảnh phim kịch tính.

Cảnh phim “Chuyến tàu tới Busan”
Cảnh phim “Chuyến tàu tới Busan”

Trước đây, đạo diễn Yeon Sang-ho đã từng gây chú ý tại Cannes 2011 với một phim hoạt hình được chiếu giới thiệu có tên “The King of Pigs” (Vua lợn). Kết thúc buổi chiếu giới thiệu tại Cannes, khán giả đã dành cho phim 5 phút vỗ tay tán thưởng, khiến các nhà phê bình cho rằng “Chuyến tàu tới Busan” hoàn toàn xứng đáng để được khán giả quốc tế thưởng thức.

Thậm chí, phim còn được so sánh với “Snowpiercer” (Chuyến tàu băng giá - 2013), bộ phim hành động khoa học viễn tưởng của đạo diễn Bong Joon-ho, một dự án phim bom tấn gây tiếng vang trên quy mô thế giới của Hàn Quốc.

Trailer phim “Chuyến tàu tới Busan”

Điểm khác biệt của ba phim Hàn Quốc xuất hiện tại Cannes 2016, đó là cả ba phim đều có kinh phí lớn.

Trước đây, những phim Hàn Quốc gây được sự chú ý ở các LHP quốc tế đều là phim nghệ thuật kinh phí thấp, khi phim về nước, thường “không có cửa” ra rạp. Tuy vậy, nền công nghiệp làm phim của Hàn đang dần quan tâm tới phim nghệ thuật.

Bằng chứng là cả ba phim dự Cannes 2016 đều được thực hiện bởi những công ty điện ảnh hàng đầu ở Hàn, cho thấy nền công nghiệp điện ảnh Hàn đã thực sự cố gắng cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại trong điện ảnh - một vấn đề mà hiện tại điện ảnh Trung Quốc đang vướng mắc.

Năm nay, Trung Quốc không có bất cứ một phim điện ảnh nào dự Cannes. Một sự thiếu vắng đáng thất vọng mà như nữ diễn viên Củng Lợi đã nói: “Đương nhiên đây là vấn đề tiền bạc. Điện ảnh không phải chỉ để giải trí. Điện ảnh có thể để lại nơi tâm hồn người xem những điều sâu sắc. Điện ảnh đâu phải chỉ để cười đùa, đâu phải chỉ để hài tếu. Điện ảnh có ý nghĩa lớn hơn như thế rất nhiều. Và không có nhiều người nói về những điều này trong nền công nghiệp điện ảnh Trung Quốc hiện nay”.

Định mệnh đen đủi của phim Hàn tại Cannes

Với ba phim gây tiếng vang tại Cannes 2016, Hàn Quốc đã có sự xuất hiện đầy ấn tượng. Dù vậy, có một “cái dớp” mà phim Hàn chưa từng vượt qua nổi, đó là mãi vẫn chưa đoạt Cành Cọ Vàng dù phim Hàn luôn gây được ấn tượng mạnh ở Cannes.

Cảnh phim “Người hầu gái”
Cảnh phim “Người hầu gái”

Nền công nghiệp điện ảnh Hàn đang tham vọng làm nên những bộ phim vừa hấp dẫn thị trường trong nước, vừa chinh phục các liên hoan phim quốc tế, chính tham vọng này đang gây cản trở cho việc làm nên những bộ phim nghệ thuật thật “quyết liệt” để có thể đoạt những giải thưởng danh giá như Cành Cọ Vàng. Với hướng đi hiện tại, Hàn Quốc đang có cả “được và mất”.

Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, các công ty điện ảnh Hàn vẫn chỉ sẵn sàng chi tiền cho những đạo diễn làm phim nghệ thuật có tên tuổi. Cả ba đạo diễn Hàn dự Cannes năm nay đều có tiểu sử đáng nể. Ngược lại, đối với những nhà làm phim nghệ thuật chưa gây được tiếng vang, họ vẫn sẽ rất chật vật để có thể tồn tại được trong nền công nghiệp điện ảnh Hàn.

Cuối cùng, hãy cùng chờ đợi để xem liệu Hàn Quốc có thoát khỏi “dớp” ở Cannes năm nay và rinh về Cành Cọ Vàng?

Bích Ngọc
Theo Hani/Variety