“Lão tướng Tuồng” Mịch Quang qua đời

(Dân trí) - Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và gia đình báo tin, Nhà nghiên cứu - soạn giả Mịch Quang qua đời vào 18h15’ ngày 14/2, hưởng thọ 101 tuổi.

Nhà nghiên cứu - soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh ngày 01/05/1917 tại Tuy Phước, Bình Định đã từ trần lúc 18h15’ ngày 14/2/2018, tức ngày 29 tháng Chạp âm lịch, hưởng thọ 101 tuổi.

Mịch Quang là nhà nghiên cứu soạn giả hàng đầu của nền sân khấu cách mạng. Ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 trong một gia đình yêu nước dòng dõi khoa bảng ở Bình Định. Từ năm 5 tuổi, cậu bé Nguyễn Thế Khoán đã làm quen với những nhân vật nổi tiếng của sân khấu tuồng cổ như Tiết Cương, Trương Phi, Địch Thanh, Đổng Kim Lân... Bộ môn nghệ thuật độc đáo này đã theo ông suốt thời niên thiếu, trong cả những tháng năm lên thành phố Quy Nhơn học.

Trong kháng chiến chống Pháp, Mịch Quang là cán bộ tuyên văn trung đoàn 94 ở Liên khu 5. Từ năm 1954, ông tập kết ra Bắc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. Sớm tiếp thu những tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương cùng với những sáng tạo không mệt mỏi, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có nhiều đóng góp có giá trị.

Soạn giả Mịch Quang và NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Soạn giả Mịch Quang và NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, nhà nghiên cứu - soạn giả Mịch Quang là một trong những tên tuổi có đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ông sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ở mảng sáng tác, ông là tác giả của nhiều tác phẩm sân khấu. Trong đó, ghi dấu ấn nhất là tác phẩm “Thanh Gươm Hát Bội”, một vở tuồng có cốt truyện về danh nhân Đào Tấn, hậu tổ của nghệ thuật Tuồng Việt Nam. Tác phẩm này đã trở nên quen thuộc với khán giả yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống nhiều năm qua.

Ở mảng nghiên cứu, bài viết “Cấu trúc động - mở, đặc thù quán triệt nền âm nhạc truyền thống” đề cập vấn đề lý thuyết để chỉ ra vấn đề cơ bản của âm nhạc dân tộc cổ truyền. Bài viết sau khi công bố nhận được sự đón nhận của giới nghiên cứu âm nhạc trong và ngoài nước.

Nhiều nhà nghiên cứu sân khấu cho biết, trong lĩnh vực sáng tác kịch bản của soạn giả Mịch Quang từ đề tại lịch sử như: “Đường về Lam Sơn”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Phất cờ nương tử”, “Thanh gươm hát bội”, “Giấc mộng hồ hoa”; tới các kịch bản tuồng hiện đại như: “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Nỗi lòng người mẹ”, “Bà mẹ làng Sen”…

Ông đều xây dựng dựa vào cấu trúc truyền thống, tạo nên ra trò diễn theo phương thức (tân chế điệu) để làm giàu cho nghệ thuật Tuồng Việt Nam. Ông lấy nghiên cứu làm nền tảng để cho cánh chim sáng tác bay bổng trên bầu trời cao rộng. Những sáng tác của Mịch Quang là thực tiễn minh chứng cho những công trình nghiên cứu khoa học của ông.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nhận định: “Những nhân vật phụ nữ xuất hiện trong các kịch bản sân khấu của ông có sức lay động người xem, vì soạn giả luôn đặt những nhân vật phụ nữ này trong các trò diễn có tình huống, hoàn cảnh để đẩy nhân vật trong sự lựa chọn hành động (đi, ở, mất, còn...) có tính bạo liệt cao”.

Người xem thấy ở sáng tác của ông có sự gạch nối nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại theo (tân chế điệu) theo quan niệm của các cụ nghệ nhân là “học cho chết để dùng cho sống”. Sáng tác của Mịch Quang không bị gò bó bởi mô hình (vua băng nịnh tiếm...) hay bị lệ thuộc vào cấu trúc (kịch tính) của sân khấu kịch nói. Vì vậy, kịch bản của Ông không có kiểu “kịch cắm ca”, không có tình trạng “gieo vừng mà ra ngô” như thường thấy ở những tác giả không biết nghề.

PGS. TS Đoàn Thị Tình rất tâm đắc với “Hội họa sai tỷ lệ kỳ diệu”, “kỹ thuật màu tương phản”, “phỏng sinh học trong phối sắc”, “những đường cong hoa văn”... mà soạn giả Mịch Quang đưa ra đều xuất phát từ quan điểm và phương hướng nghiên cứu từ nghệ thuật dân tộc.

Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được những thành tựu quan trọng xây dựng sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Đào Tấn và trong suốt nửa thế kỷ qua vẫn tiếp tục có những công trình nghiên cứu sâu sắc về Đào Tấn - nhà yêu nước, nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, một nhà thơ lỗi lạc của dân tộc.

Cho đến nay, nhiều phát hiện, khám phá về nghệ thuật truyền thống dân tộc của Mịch Quang đã trở thành tài sản chung của giới nghệ thuật học dân tộc. Các khái niệm như “hiện thực tả ý”, “phương pháp mô hình hóa”, “sân khấu tổng thể tích hợp”, “tự sự kịch tính trữ tình”, “cấu trúc động mở” hay các phạm trù mỹ học dân tộc như “cái hùng”, “cái hậu”, “cái nhu” do Mịch Quang tổng kết đã được các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín như GS Hoàng Châu Ký, GS.NSND Trần Bảng, GS Hồ Sĩ Vịnh, PGS.TS Tất Thắng, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, GS.TS Trần Văn Khê… cùng nhiều nhà nghệ thuật học thế hệ sau vận dụng và phát triển.

Thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Mịch Quang là tác phẩm “Kinh dịch với nghệ thuật truyền thống” (Sân khấu - Âm nhạc - Mỹ thuật) được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Hàng chục các tác phẩm vừa nghiên cứu khoa học, vừa sáng tác nghệ thuật, vừa nêu lên những kinh nghiệm quý báu của mình từ bao năm gắn bó với sân khấu của ông như chuyên luận xuất sắc về danh nhân Đào Tấn, về âm nhạc Cải lương, Bài chòi, về mỹ thuật dân tộc, những kịch bản sân khấu Kịch thơ, Tuồng, Cải lương được đánh giá cao…

Ở tuổi bách niên nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang vẫn không ngừng sáng tạo nghệ thuật. Ông vẫn còn rất minh mẫn và cho xuất bản cuốn “Học, hiểu và khám phá nghệ thuật dân tộc”.

Lễ viếng soạn giả Mịch Quang được tổ chức lúc 8h đến 8h45’ ngày mùng 6 tết âm lịch, tức ngày 21/2/2018 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu lúc 9h cùng ngày và lễ an táng tại Lạc Hồng Viên.

Hà Tùng Long