Lắng đọng cảm xúc trong đêm nhạc tri ân ngày Thương binh liệt sỹ

(Dân trí) - Tối 6/7, chương trình nghệ thuật “Bài ca không quên” đã diễn ra trong những cảm xúc thiêng liêng để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Khát khao truyền lửa

Thời tiết nắng nóng của Hà Nội dường như không khiến cho hàng trăm khán giả yêu thích những tác phẩm âm nhạc sống cùng năm tháng ngại tới Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô để thưởng thức đêm nhạc “Bài ca không quên”.

NSƯT Quốc Hưng biểu diễn trong chương trình.
NSƯT Quốc Hưng biểu diễn trong chương trình.

Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSƯT Quốc Hưng, Tân Nhàn, Minh Chuyên, Lan Anh, Tuấn Anh, Khánh Linh, Thu Hằng, Nguyễn Trần Trung Quân, Trần Hồng Nhung, Nhóm Mây, CLB Thiếu nhi Thiên Phúc, Vũ đoàn Camelia cùng dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

NSƯT Quốc Hưng - Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ, những đêm nhạc kỷ niệm trong những ngày tháng 7 đổ lửa này luôn mang đến cho các nghệ sĩ xúc cảm vô cùng đặc biệt.

“Quá khứ anh hùng của dân tộc luôn nhắc nhớ chúng ta về những hy sinh, mất mát của thế hệ cha ông. Đêm nhạc vì vậy chính là dịp để các thế hệ đang sống cuộc sống hoà bình ngày hôm nay nói lên lòng biết ơn sâu sắc...”, NSƯT Quốc Hưng bộc bạch.

Ca khúc mở màn đêm nhạc “Dáng đứng Việt Nam” được ca sĩ Tuấn Anh cùng vũ đoàn Camelia trình diễn đã đưa khán giả bước vào một không gian âm nhạc lắng đọng, nơi những giai điệu bất hủ đã khắc hoạ nên biểu tượng anh hùng của người chiến sĩ Việt Nam.

Mong muốn qua lời ca để truyền lửa tới người nghe, nữ ca sĩ Tân Nhàn góp vào đêm nhạc với hai ca khúc “Đêm nay anh ở đâu” và “Cô dân quân làng đỏ”. Chất giọng mượt mà cộng với cảm xúc sâu lắng đã làm tiết mục thực sự thăng hoa.

Nữ ca sĩ tâm sự, đã nhiều năm theo đuổi dòng nhạc cách mạng và dân gian nhưng mỗi cơ hội đứng trên sân khấu để hát lên những giai điệu tự hào lại là một lần trái tim nghệ sĩ cảm nhận sâu sắc nhất những khao khát truyền lửa đến người nghe, đặc biệt là những khán giả trẻ tuổi. Không còn nhớ đã bao lần hát ca khúc “Đêm nay anh ở đâu”, một trong những nhạc phẩm “để đời” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhưng với nữ ca sĩ, mỗi lần hát lại là một lần được sống trong những cảm xúc thiêng liêng nhất.

Ca sĩ Tân Nhàn đã có những giây phúc thăng hoá và xúc cảm khi hát Đêm nay anh ở đâu và Cô dân quân làng đỏ.
Ca sĩ Tân Nhàn đã có những giây phúc thăng hoá và xúc cảm khi hát "Đêm nay anh ở đâu" và "Cô dân quân làng đỏ".

“Cô dân quân làng đỏ” cũng vậy, mỗi khi hát tôi đều khóc. Bởi những ca từ trong bài hát đã tái hiện rất chân thật hình ảnh hy sinh anh hùng của các nữ dân quân trực chiến phòng không. Tôi nghĩ rằng người nghe cũng có những đồng cảm này, nghe ca khúc không chỉ là thưởng thức nghệ thuật đơn thuần mà là nghiêng mình cảm phục trước những hy sinh quá lớn lao của những người đi trước”, Tân Nhàn thổ lộ.

Sống trong những giai điệu tự hào

“Bài ca không quên” xây dựng theo chiều dài lịch sử cuộc kháng chiến. Ở đó, khán giả được sống lại cùng những khoảnh khắc hào hùng và cả những phút giây lãng mạn của tình yêu trong chiến trận.

Trong dòng chảy của những giai điệu bất hủ, người nghe được dẫn dắt đi qua nhiều cung bậc cảm xúc trong những ca khúc đẹp, lãng mạn và hùng tráng như: Tình ca, Ngày mai anh lên đường, Hành khúc ngày và đêm, Đường tôi đi dài theo đất nước, Đêm nay anh ở đâu, Em vẫn đợi anh về, Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây , Áo mùa đông, Cô dân quân làng đỏ, Bài ca không quên, Kỷ niệm mối tình đầu, Miền xa thẳm, Cỏ non thành cổ, Tổ Quốc...

Lắng đọng cảm xúc trong đêm nhạc tri ân ngày Thương binh liệt sỹ - 3
Các tiết mục trong đêm nhạc đã mang đến nhiều cảm xúc thiêng liêng.
Các tiết mục trong đêm nhạc đã mang đến nhiều cảm xúc thiêng liêng.

Vẫn là những giai điệu đi cùng năm tháng nhưng với mong muốn tạo nên nhiều sắc màu đa dạng, chương trình với sự tham gia của nhiều ca sĩ trẻ đã có nhiều ca khúc được hát lại theo các bản phối mới như nhóm Mây và ca khúc “Ngày mai anh lên đường”, song ca Nguyễn Trần Trung Quân - Thu Hằng với “Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây”...

Những nhạc phẩm như “Kỷ niệm mối tình đầu”, “Gửi lại em”... cũng là những nét chấm phá trong chương trình khi tái hiện lại những khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời người lính, với một chút xao động của tình yêu giữa chiến trường khốc liệt, một chút tiếc nuối khi gửi lại cả tuổi thanh xuân và những giấc mơ dang dở nơi giảng đường để bước vào chiến trận...

Cùng với những nhạc phẩm sống trong lòng công chúng, chương trình còn là sự giao hoà tinh tế giữa những bài hát cùng chủ đề, sự sự giao thoa giữa những thế hệ nghệ sĩ đi trước với các giọng ca trẻ. Ca sĩ Tân Nhàn cho rằng, sự nối tiếp thế hệ không chỉ mang đến cho chương trình hơi thở mới lạ mà còn gửi gắm thông điệp mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. “Bởi để có được cuộc sống hoà bình, no ấm hôm nay, chúng ta không bao giờ được phép quên lãng những hi sinh xương máu của thế hệ cha ông...”, ca sĩ Tân Nhàn bộc bạch.

Lắng đọng cảm xúc trong đêm nhạc tri ân ngày Thương binh liệt sỹ - 5
Lắng đọng cảm xúc trong đêm nhạc tri ân ngày Thương binh liệt sỹ - 6

Sao mai Trần Hồng Nhung cũng bộc bạch: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm trên con đường theo đuổi dòng nhạc cách mạng. Nhiều lần, sau khi hát, tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt của khán giả, được khán giả ào lên sân khấu ôm thật chặt...”.

Hà Tùng Long