Lần đầu tiên ra mắt bộ Biên khánh hoàn chỉnh thời vua Nguyễn

(Dân trí) - Ngày 28/12 tại Thế Tổ Miếu (Đại nội Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐH) đã tổ chức lễ nghiệm thu - ra mắt bộ Biên Khánh hoàn chỉnh lần đầu tiên nhằm dùng vào mục đích sử dụng trong các dịp tái hiện lễ hội thời vua Nguyễn.

Bộ Biên Khánh (khánh đá) cùng với Biên Chung (chuông đồng) là 2 trong những nhạc khí quan trọng nhất của Nhã nhạc cung đình Huế thời vua Nguyễn (1802-1945) - Di sản văn hóa Phi vật thể của nhân loại, đã thất truyền hơn 100 năm nay.

Trước đây tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế có một Biên Chung và Biêng Khánh từ thời nhà Nguyễn. Riêng bộ Biên Khánh không nguyên vẹn khi có cái bị gãy vỡ. Bộ Biên khánh này chủ yếu dùng để trưng bày mà không phải dùng để phục vụ trong dàn nhạc các dịp lễ trong cung vua.

Năm 2010, TTBTDTCĐH cùng Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Truyền thống Quốc gia Hàn Quốc (NGC) đã cùng nhau phục chế một bộ Biên chung (gồm 12 chuông đồng) và một bộ Biên khánh (gồm 12 khánh đá). Việc phục chế đã được thực hiện thành công hoàn toàn bằng nguyên vật liệu và phương thức chế tác truyền thống của Việt Nam, địa điểm thực hiện là ngay tại TP Huế.

Tháng 4/2012, TTBTDTCĐH tiếp tục tiếp nhận Bác Chung (1 cái chuông lớn) và Đặc khánh (1 cái khánh đá lớn) cũng do NGC hỗ trợ phục chế tại Huế bằng nguyên vật liệu -phương thức chế tác truyền thống của Việt Nam, dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật chỉnh âm của các chuyên gia nghiên cứu và nghệ nhân chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống Hàn Quốc.

Bộ Biên Khánh được ra mắt sáng ngày 28/12 về cơ bản giống bộ Biên Khánh do NGC trước đây phục dựng, được chế tác bằng chất liệu đá Thanh lấy từ vùng núi Nhồi (Thanh Hóa).

Bộ Biên khánh hoàn chỉnh vừa được trình làng sáng 28/12 tại Đại Nội Huế
Bộ Biên khánh hoàn chỉnh vừa được "trình làng" sáng 28/12 tại Đại Nội Huế

Điều đặc biệt là chỉ khác nhau về độ dày mỏng, ảnh hưởng đến âm sắc. Bộ Biên khánh mới có ưu điểm là âm thanh có đầy đủ các nốt, mẫu mã dày hơn so với bộ Biên khánh do Hàn Quốc phục chế trước đây.

Theo TTBTDTCĐH, sở dĩ phải làm bộ Biên Khánh mới nhằm hoàn thiện và thể chế thành 2 dạng: dạng thứ nhất đảm bảo về mặt hình thức, dạng thứ hai đảm bảo về mặt âm thanh.

Đặc biệt, Bộ Biên khánh này không dùng để “cảnh” như lúc trước trưng bày trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình nữa mà sẽ trực tiếp tham gia đánh trong dàn nhạc ở các dịp lễ hội lớn tái hiện lại dưới thời vua Nguyễn như lễ tế đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao…

Đại Dương