Làm sao để “đối xử” đúng với các biểu tượng văn hóa

(Dân trí) - Cùng với việc “chống” sự “xâm lăng” của những vật phẩm văn hóa ngoại lai, thấp kém về thẩm mỹ, việc “xây” những biểu tượng văn hóa thuần Việt đã được đông đảo người yêu di sản quan tâm.

Thế nhưng, nhắc cụ thể về “Linh vật Việt Nam”-hình tượng di sản thuần Việt thì không phải ai cũng có kiến thức đúng và đủ.

Bản sắc linh vật Việt

Mới đây, trong cuộc tọa đàm “Linh vật Việt Nam trong văn hóa truyền thống” PGS.TS Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu Di sản văn hóa đã giới thiệu đến công chúng những linh vật cơ bản của Việt Nam và đặc điểm nhận dạng linh vật Việt. Đây là là một hoạt động thiết thực góp phần nâng ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa.

Linh vật (những con vật linh thiêng) là những con vật huyền thoại hoặc có thật được linh hóa, được con người sáng tạo và sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý tưởng và niềm tin tâm linh, tôn giáo.

Linh vật thường được mô tả trong thần thoại, truyền thuyết và được biểu đạt trong nghệ thuật tạo hình. Người xưa tin rằng, linh vật là hiện thân của các lực lượng tự nhiên hoặc mang những đặc tính huyền bí, năng lực siêu nhiên có thể chi phối nhân sinh, vũ trụ. Bởi vậy mà, qua linh vật, con người gửi gắm vào đó ước vọng, niềm tin.

Làm sao để “đối xử” đúng với các biểu tượng văn hóa - 1
Một số linh vật Việt được trưng bày tại bảo tàng (Ảnh: Quỳnh Nguyên)
Một số linh vật Việt được trưng bày tại bảo tàng (Ảnh: Quỳnh Nguyên)

Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, linh vật Việt Nam cơ bản nhất phải nhắc đến long, lân, quy, phượng.

Nếu như trong dân gian “long” (rồng) thường hay liên quan đến mây, mưa, sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi thì với vương triều phong kiến, rồng thường hay gắn với uy quyền của nhà vua.

Phượng và lân là các linh vật thường gắn với tầng trời, là hiện thân của các bậc thánh nhân, người tài trí; sau này phượng còn được gắn với hình ảnh của hoàng hậu trong các triều đình phong kiến. Con lân trong văn hóa người Việt còn có nhiều tên gọi khác như nghê, sấu, cù… Con rùa là vật dưới đất, thường hay đội hạc nhằm tạo nên thế âm dương đối đãi…

Nhà nghiên cứu cho biết, linh vật mang trong mình sức mạnh tổng hòa của nhiều con vật hội tụ lại. Ví dụ như con Rồng , mắt quỷ, trán lạc đà, cổ rắn, vảy cá chép, chân chim ưng. Hay con Phượng, đầu chim ưng, mắt hình giọt lệ, chân hạc, móng diều hâu, cánh đại bàng, đuôi công…

Ngoài 4 linh vật nêu trên, văn hóa Việt Nam còn hay để cập đến một số linh vật khác như hổ, voi, hươu, ngựa, cá chép, khỉ…

Làm sao để “đối xử” đúng với các biểu tượng văn hóa - 3
Làm sao để “đối xử” đúng với các biểu tượng văn hóa - 4
Làm sao để “đối xử” đúng với các biểu tượng văn hóa - 5

Trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi linh vật vừa thể hiện bản sắc, truyền thống văn hóa chung của dân tộc vừa mang những đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ lịch sử.

Nói về bản sắc riêng biệt của linh vật Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền chia sẻ: “Trải qua nhiều thời kì, giai đoạn lịch sử, văn hóa Việt Nam có giao thoa, học tập nhiều nét từ văn hóa nước ngoài song về cơ bản, linh vật của Việt Nam luôn giữ nét hiền hòa, cân bằng tạo cảm giác yên bình chứ không có tính chất áp chế, đe dọa như linh vật nước ngoài…

Truyền bá rộng rãi linh vật Việt

Và để tạo điều kiện cho công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú và độc đáo của linh vật Việt Nam cũng như diễn biến phát triển, đặc điểm tạo hình… cùng những ý nghĩa biểu tượng văn hóa của mỗi linh vật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã trưng bày, giới thiệu gần 100 hiện vật tiêu biểu về các loại linh vật của Việt Nam.

Những hiện vật trưng bày có niên đại từ thời kỳ dựng nước đến thời nhà Nguyễn, được trưng bày theo các nhóm: vật tổ trong văn hóa Đông Sơn, hình tượng rồng, hình tượng Kỳ Lân, hình tượng Hạc, hình tượng Chim thần Garuda; hình tượng Si vẫn; hình tượng Bồ lao; hình tượng Thao Thiết; hình tượng Tiêu Đồ; hình tượng Tích Tà; hình tượng Rắn; hình tượng Hổ;Sư tử-Nghê, 12 con giáp...

Làm sao để “đối xử” đúng với các biểu tượng văn hóa - 6
Làm sao để “đối xử” đúng với các biểu tượng văn hóa - 7

Trong số gần 100 hiện vật tiêu biểu được trưng bày lần này, có một số hiện vật đặc biệt quý hiếm như: gương đúc nổi hình rồng (chất liệu đồng, thế kỷ 1-3), lá đề hình phượng (chất liệu đất nung, thời Lý), bộ tượng khỉ “Tam không” (chất liệu đá, thời Lý), cặp sư tử chầu (chất liệu gỗ, thời Nguyễn)...

Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, tất cả các hiện vật trưng bày là những hiện vật tiêu biểu được chọn lọc từ kho hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng.

Đặc biệt, trưng bày chuyên đề lần này còn thí điểm ứng dụng công nghệ trình chiếu, tương tác 3D (trình chiếu 3D Hologram) một số hiện vật đặc sắc nhưng không có điều kiện giới thiệu trong phòng trưng bày, nhằm giúp khách tham quan có được những trải nghiệm thú vị và cảm nhận sự phong phú, đa dạng của sưu tập Linh vật Việt Nam.

Như vậy, sau hơn một năm thực hiện công văn số 352 /MTNATL, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm về việc giới thiệu các mẫu tượng linh vật của Việt Nam với những hành động quyết liệt của cơ quan chức năng đã nhen lên những hy vọng mới cho người yêu di sản.

Quỳnh Nguyên