Hitler tạo thành “cơn sốt dài hơi” ở Đức giữa thế kỷ 21

(Dân trí) - Năm 2013, tiểu thuyết trào phúng “Ông ấy đã trở lại”, kể về cuộc sống của Hitler trong thế giới hiện đại hôm nay, vừa ra mắt đã trở thành “hiện tượng xuất bản” của Đức. Năm 2015, phim hài cùng tên lại tiếp tục “gây bão” ngoài các rạp chiếu Đức.

 

Hitler tạo thành “cơn sốt dài hơi” ở Đức giữa thế kỷ 21 - 1

Hãy thử tưởng tượng Hitler bất ngờ thức dậy trong thế giới đương đại hôm nay, giữa lòng thành phố Berlin của nước Đức. Chẳng ai tin ông ta là… Hitler, ai cũng nghĩ ông ta là một người đóng giả Hitler “rất đạt” và cười cợt với “trùm Phát-xít” một thời, nghĩ rằng người đàn ông này hoàn toàn vô hại.

Hitler “giống”… Hitler quá, nên ông ta liền được mời xuất hiện trên truyền hình, trở thành người nổi tiếng, được công chúng thích thú vì không lúc nào “rời vai” Hitler, luôn đưa ra những phát ngôn “đậm chất Hitler” bên cạnh ngoại hình “giống đến không thể giống hơn”.

Đó chính là nội dung của bộ phim hài mới ra mắt của Đức - “Er ist wieder da” (Ông ấy đã trở lại). Bộ phim được thực hiện dựa trên tiểu thuyết trào phúng của tác giả Timur Vermes. Hiện phim đã chính thức ra mắt tại các rạp chiếu Đức từ tuần qua.

Khi cuốn tiểu thuyết trào phúng giả tưởng ra mắt cách đây 3 năm, tác phẩm đã ngay lập tức lọt top sách bán chạy nhất của Đức. Độc giả đã “cười đau ruột” với một Hitler vất vả tìm cách thích nghi với cuộc sống hiện đại, giữa một nước Đức đa văn hóa, lại do một phụ nữ đứng đầu - bà Thủ tướng Angela Merkel.

Hitler tạo thành “cơn sốt dài hơi” ở Đức giữa thế kỷ 21 - 2

Hitler nhận ra thế giới hiện tại khác với trước đây nhiều quá, với tư cách một diễn viên hài có tiếng, Hitler phải trải nghiệm với truyền thông đại chúng, với “người hâm mộ”, và hòa nhập vào đời sống xã hội đương đại. Bộ phim so với tác phẩm văn học đã đi xa hơn một bước, khi phim được thực hiện theo phong cách phim tài liệu, khiến chất hài càng được đẩy lên cao.

Trong phim, nam diễn viên chính Oliver Masucci tái hiện hình ảnh Hitler với bộ ria mép đặc trưng và bộ quân phục gây ám ảnh một thời. Tuy vậy, giữa bối cảnh Berlin hôm nay, người ta đã không còn sợ Hitler nữa, mà ngược lại, họ chạy lại để xin được cùng “nam diễn viên” chụp ảnh “tự sướng”.

Khách du lịch thích thú vô cùng khi được gặp “người giống Hitler y hệt” ở cổng Brandenburg - một địa danh du lịch nổi tiếng của Berlin. Người già gặp lại Hitler bỗng nhớ lại biết bao câu chuyện quá khứ, họ nồng nhiệt mời Hitler về nhà, tiếp đón nồng hậu để ôn chuyện xưa.

Nam diễn viên Oliver Masucci - người vào vai Hitler trong phim - vốn là một diễn viên kịch. Anh cho biết bản thân có những xúc cảm trái ngược khi vào vai Hitler, đặc biệt khi thực hiện những cảnh mang tính ngẫu hứng cao, những cảnh không hề được dàn dựng hay lên kịch bản, và Oliver Masucci được thoải mái tương tác với người qua lại trên đường phố.

Hitler tạo thành “cơn sốt dài hơi” ở Đức giữa thế kỷ 21 - 3

Sự ra mắt của tiểu thuyết và sau đó là bộ phim “Ông ấy đã trở lại” không phải hoàn toàn suôn sẻ, cũng có những tranh cãi nhất định. Một số ý kiến cho rằng việc “kinh doanh Hitler” là một xu hướng độc hại, “làm bình thường hóa những tội ác lịch sử” và biến một nhân vật lịch sử tàn ác trở thành một “nhân vật văn hóa đại chúng có thể thương mại hóa”.

Tuy vậy, bất chấp các tranh cãi, tại các rạp chiếu của Đức kể từ tuần qua, trong các xuất chiếu phim “Ông ấy đã trở lại”, khán giả đã cười lớn trong suốt buổi chiếu.

Năm 2013, khi cuốn tiểu thuyết trào phúng cùng tên ra mắt, tác phẩm cũng ngay lập tức trở thành hiện tượng xuất bản ở Đức, cũng đã có nhiều ý kiến tranh cãi. Khi đó, người ta đã đặt câu hỏi rằng liệu một kẻ độc tài gây ra bao nỗi khiếp sợ, kinh hoàng có thể trở thành một nhân vật gây cười cho công chúng?

Tiểu thuyết giả tưởng hài hước này đã rất thu hút người dân Đức và bán được hàng trăm ngàn bản. Phiên bản sách audio cũng trở thành “best-seller”. “Ông ấy đã trở lại” còn được dịch sang nhiều thứ tiếng và được làm thành phim.

Hitler tạo thành “cơn sốt dài hơi” ở Đức giữa thế kỷ 21 - 4

Ý tưởng về cuốn sách không quá mới lạ: Một người từ thời đại xa xôi bỗng rơi vào thế giới hiện đại và phải cố gắng thích nghi. Trong trường hợp này, Rip van Hitler (tên mới của Hitler) bị bủa vây bởi máy tính, điện thoại di động và tất cả những vật dụng hiện đại khác.

Việc Hitler trở thành nhân vật gây cười, bị châm biếm, trào lộng cũng không có gì mới nhưng việc khắc hoạ Hitler như một “con-người” vẫn luôn là ý tưởng không dễ chấp nhận.

Các nhà phê bình đã rất lo ngại về cuốn sách. Họ sợ rằng người Đức sẽ cảm thấy gần gũi và thoải mái hơn khi nhắc tới cái tên Hitler. Có một ranh giới rất mong manh giữa việc nhân tính hoá Hitler trong một tình huống giả tưởng và việc biến ông ta trở thành một nhân vật giành được sự cảm thông của người đọc.

Thế hệ đi trước ở Đức cho rằng Hitler là nhân vật tàn ác, không được phép cười cợt về Hitler. Giờ đây, suy nghĩ này đã thay đổi trong giới trẻ Đức; và sự ra đời của tiểu thuyết rồi sau đó là bộ phim “Ông ấy đã trở lại” minh chứng cho quan niệm mới này.

Trailer phim “Ông ấy đã trở lại”

Bích Ngọc
Tổng hợp

Hitler tạo thành “cơn sốt dài hơi” ở Đức giữa thế kỷ 21 - 5