1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Hình tượng con rồng trên gấu váy phụ nữ Thái

(Dân trí)- Trên gấu váy của người phụ nữ dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An (nhóm Tày Mường), có rất nhiều hình tượng, như: Mặt trời, hoa lá, cỏ cây, loài vật… được thêu dệt rất công phu, mang tính thẩm mỹ sâu sắc, trong đó nổi bật là hình tượng con rồng!.

Gấu váy của phụ nữ Thái ở Miền tây Nghệ An được thêu những con vật rất quen thuộc trong đời sống.
Gấu váy của phụ nữ Thái ở Miền tây Nghệ An được thêu những con vật rất quen thuộc trong đời sống.

Hình tượng con rồng được thêu dệt lên trên gấu váy của phụ nữ Thái thật đa dạng. Có đủ loại rồng theo trí tưởng tượng khá tinh tế của người Thái ở miền Tây Nghệ An: Rồng xanh; rồng đỏ; rồng vàng; rồng đất; rồng khe suối, vực sâu; rồng biển; rồng mây; rồng có mào, có móng; rồng có vảy và không có vảy; rồng có mắt trước, mắt sau; rồng dài suốt gấu váy; rồng ngắn gầy, ngắn mập; rồng nối đuôi nhau; rồng đi riêng lẻ … Số lượng váy của phụ nữ Thái ở miền Tây Nghệ An có thêu hình con rồng chiếm đến 30% (váy thêu hình mặt trời chiếm 50%; váy thêu hình chim chóc và các loài thú nhỏ chiếm 10%; váy thêu hình thú lớn như voi, hươu, nai… chiếm 10%)!

Vì sao người nữ tộc Thái (chủ yếu là nhóm Tày Mường) ở miền Tây Nghệ An nói chung, rất thích mặc váy có thêu hình con rồng? Con rồng có vai trò gì trong đời sống của người Thái ở miền Tây Nghệ An từ xa xưa?

Trả lời những câu hỏi này thật không dễ! Bởi con rồng là con vật không có thật ở trên trái đất này, hoặc là có thì cũng đã bị tiệt diệt từ rất xa xưa, từ thuở còn chưa xuất hiện con người hiện đại (Homosapien), và cũng không còn để lại dấu vết như loài khủng long?...

Tìm hiểu rộng ra ở nước ta và trên toàn thế giới, thấy rằng, hình tượng con rồng được rất nhiều quốc gia, dân tộc hiểu một cách khác nhau và sử dụng hình tượng con rồng theo từng quan niệm và mục đích cũng rất khác nhau. Quốc gia gần gũi nhất với nước ta ở phía Bắc là Trung Quốc, từ lâu, trong lịch sử mấy ngàn năm phong kiến, đã lấy biểu tượng con rồng tượng trưng cho quyền lực tối cao nhất.

Con rồng Trung Quốc thời phong kiến chính là biểu tượng của sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền. Triều Thanh đã thêu hẳn cả một con rồng năm móng lên lá quốc kỳ của mình, và lá cờ có thêu hình con rồng năm móng ấy đã tồn tại mãi cho đến cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) mới chấm dứt! Nước ta, người Việt (người Kinh) luôn coi con rồng như một thế lực siêu nhiên, một sức mạnh thần bí. Vua quan các triều đại phong kiến Việt Nam ngày xưa đều lấy con rồng làm biểu tượng cho quyền lực, dòng dõi. “Họ nhà rồng” (gia long) luôn vượt lên trên bách tính! Tuy nhiên, vua chúa có rồng thì nhân dân trăm họ cũng có rồng. Con rồng của “trăm họ” thường ở các đền thờ, miếu mạo, trên bàn thờ tổ tiên, trên nóc cổng làng, nóc đình làng… nghĩa là ở những nơi trang nghiêm và tôn kính nhất!

Để phân biệt rồng của dân và rồng của vua chúa, các triều đại phong kiến Trung Quốc và Việt Nam ngày xưa, còn đặt ra rồng nhiều móng hơn, như rồng của vua chúa bao giờ cũng có năm móng (thơ Chế Lan Viên: Rồng năm móng vua quan thành bụi đất!), còn rồng của “trăm họ” chỉ có bốn móng là hết, không được có năm móng, nghĩa là không được lẫn lộn giữa quyền lực tối cao với tầm thường dân dã trong việc sử dụng hình tượng con rồng!

Nhưng dù là rồng năm móng hay bốn móng, thì con rồng đối với người Việt vẫn là con vật thiêng liêng nhất, là vật tổ, là tổ tiên sinh ra không chỉ riêng người Kinh mà tất cả 54 dân tộc anh em trên mảnh đất này! (Truyền thuyết con rồng, cháu tiên; truyện đẻ trăm trứng…). Bởi thế mà hình tượng con rồng đối với người Việt, dù ở nơi đâu, cũng luôn được đặt ở vị trí cao sang, trang trọng nhất.

Những địa danh được mang tên “Rồng” đều là những địa danh nổi tiếng nhất, kỳ vĩ, xinh đẹp và linh thiêng nhất như: Thăng Long; Vịnh Hạ Long; cầu Hàm Rồng; sông Cửu Long; Bạch Long Vĩ…!

Phụ nữ Thái thêu dệt vải.
Phụ nữ Thái thêu dệt vải.

Khác với quan niệm về hình tượng con rồng của người Kinh, người Thái ở miền Tây Nghệ An thì quan niệm hoàn toàn ngược lại. Đồng bào coi con rồng là con vật bình thường, giống như muôn vàn con vật khác ở trên rừng hoặc dưới khe suối, có linh thiêng, có sức mạnh ghê gớm hơn nhiều con vật nhìn thấy bằng mắt, nhưng cũng rất bình dị.

Con rồng trong trí tưởng tượng của người Thái ở miền Tây xứ Nghệ vừa gần gũi lại vừa xa xôi, vừa hiền lành nhưng cũng vừa dữ dội; bí ẩn mà hiện thực; tưởng như siêu phàm nhưng cũng rất dễ khuất phục. Rồng ở đây cũng giống như con người, có yêu, có ghét, có lao động, có ăn chơi…! Từ xa xưa, đồng bào đã chia con rồng ra làm hai loại khác nhau: Rồng lành và rồng ác!

Rồng lành luôn là bạn thân của con người, thậm chí còn kết duyên với con người nữa (truyện: Khủn tướng - Khủn Tinh - Nang Ni; Huyền thoại tạo Khủn Tinh). Mối tình giữa chàng Khủn Tướng (người mường đất) với nàng Ẹt Khay (con gái yêu của thần rồng mường nước) đã cho ra đời nhân vật tạo Khủn Tinh huyền thoại nổi tiếng, được lưu truyền khắp các vùng người Thái ở miền Tây Nghệ An rộng lớn!

Rồng mường Chăm Pa được con gái tạo Chăm Pa yêu thương, cưu mang, đùm bọc trong lúc bị săn đuổi bởi không làm đủ công việc cho nhà rồng chúa ở Nặm Pể (biển). Rồng cũng bị áp bức, bóc lột, phải tìm “óc đá - tim nước” cho Pỏ Phạ (ông trời), không kiếm đủ, suýt nữa bị Pỏ Phạ đánh chết (chuyện óc đá - tim nước).

Rồng cũng vất vả, khó nhọc, lam lũ trong cuộc mưu sinh, giống hệt những con người nghèo khổ, như trong chuyện “rồng con” ở Mường Phe (thuộc vùng Chủng Láng cũ). Rồng giúp đỡ con người đắp phai, đào mương để lấy nước từ dưới khe sâu lên làm ruộng cấy lúa (như trong chuyện “Phai Nhạ” và “sự tích phai bản Vi” ở vùng Quỳ Hợp ngày nay).

Rồng mang lại cho con người những đặc sản tôm, cá, làm cho cuộc định cư, và đời sống vật chất của con người ngày càng ổn định và phát triển lên mãi (như huyền thoại “khe mỏ tôm - suối tiên” ở xã Đồng Hợp ngày nay). Con rồng gần gũi với con người tới mức, ở các khúc khe suối, nơi có nước xoáy tạo ra vực sâu, nơi có những ao hồ, đầm nước có nhiều cây sậy (mạy ò) và bùn lầy, hang đá rộng và sâu… đồng bào đều coi ở đó là chỗ ở của loài rồng và luôn có một con rồng ngự trị!

Rồng ác (rồng dữ), là loại rồng luôn gây tai hoạ cho con người, cũng như chính bản thân con người cũng có người hiền lành, người độc ác. Loài rồng cũng vậy. Có biết bao nhiêu là câu chuyện dân gian kể về loài rồng ác chuyên làm hại con người mà chúng tôi không có điều kiện để kể ra hết ở đây được! Tuy nhiên, cũng như lẽ thường của xã hội loài người là có tội ác thì cũng có sự trừng phạt.

Trang phục váy phụ nữ Thái (thuộc dòng Tày Mường) ở Nghệ An.
Trang phục váy phụ nữ Thái (thuộc dòng Tày Mường) ở Nghệ An.

Những con rồng gây ra nhiều tội ác đã bị con người trừng phạt đích đáng, và kết quả là chúng phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình (như chuyện “Văng Hỉn Nám” ở xã Liên Hợp, thuộc vùng Chủng láng cũ; chuyện “Tô Nghiệc Đin” ở xã Châu Thái, chuyện “Chạng Bà Lầu” ở xã Bắc Sơn…).

Với đồng bào dân tộc Thái, con rồng không phải là con vật siêu nhiên, nó cũng giống như muôn vàn con vật khác ở trên trái đất này mà thôi, nghĩa là nó cũng có sinh và có tử: Đó thực sự là một điều khác lạ trong quan niệm về con rồng mà có lẽ chỉ người Thái ở miền Tây Nghệ An mới quan niệm như thế?

Ngoài “rồng thiện” và “rồng ác”, trong quan niệm dân gian của người Thái ở miền Tây Nghệ An, con rồng còn là biểu tượng cho sắc đẹp diệu kỳ: Đó là hình ảnh cầu vồng - con rồng duy nhất mà con người trông thấy được bằng mắt (nghiệc hung), còn lại chỉ nhìn thấy ở trong trí tưởng tượng mà thôi. Chính vì thế mà ở hai đầu gấu váy của nữ tộc Thái (nhóm Tày Mường là chính), luôn được dệt bảy hàng chỉ với bảy màu sắc giống hệt cầu vồng, gọi là “hó nghiệc hung”!

Nhưng cho dù là con rồng trông thấy được bằng mắt (nghiệc hung), hoặc là con rồng chỉ nhìn thấy được trong trí tưởng tượng, thì sự khao khát khuất phục loài vật vừa có vẻ đẹp diệu kỳ, vừa có sức mạnh ghê gớm này, để phục vụ cho cuộc sống, lao động và sinh hoạt của chính bản thân người Thái, là sự khao khát mang tính quyền lực cũng như sức mạnh vô địch của trí tuệ con người nói chung!

Xuất phát từ nhu cầu làm ruộng lúa nước, và hiện thực cuộc sống còn gắn bó mật thiết, gần gũi với tự nhiên, cho nên từ rất xa xưa, người Thái ở miền Tây Nghệ An luôn mơ ước chinh phục được con rồng, bắt con rồng phải làm ra “mưa thuận, gió hoà”, phải đào mương, đắp phai, đắp đập để lấy nước cho con người làm ruộng cấy lúa một cách tự chủ mà không quá phụ thuộc vào mưa nắng ở trên trời.

Trong sâu thẳm của tâm thức dân gian, người Thái ở miền Tây Nghệ An tự coi con rồng chính là nước, là mây, là gió, là mưa. Con rồng phải cùng với những con vật khác như: Trâu, bò, chó, lợn, khỉ, gấu, hươu, nai… giúp đỡ, phụng sự con người, phải coi con người là chúa tể của chúng, không được chống lại con người và lại càng không được ăn thịt con người. Những con vật nào làm trái với những điều ấy, sẽ bị con người trừng trị đích đáng!

Loài rồng cũng chỉ là một trong muôn vàn loài vật mà thôi, cho nên những con rồng ác, những con rồng ngang ngược cũng bị trừng trị không thương tiếc, bị bắt và bị giam cầm ở những nơi thấp nhất của trang phục con người: Đó chính là chiếc gấu váy của người nữ tộcThái!

Những nhận định trên chỉ mang tính tưởng tượng và suy luận, chưa hẳn đã đúng với ý nghĩa thật của vấn đề đang bàn luận, nhưng không phải vô tình, hoặc chỉ đơn thuần là hình tượng đẹp mà người phụ nữ dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An lại tự thiêu dệt lên trên những tấm gấu váy của họ đủ loại hình ảnh về con rồng? Những con rồng ấy vừa mang lại vẻ đẹp, vừa mang lại quyền uy cho họ trong ước vọng chinh phục một sức mạnh ghê gớm và kỳ bí như con rồng. 

Thái Tâm - Nguyễn Duy