Hào khí cách mạng tháng Tám trong bộ phim “Sao tháng Tám”

(Dân trí)- Khắc họa cuộc kháng chiến lừng lẫy trong lịch sử, cho đến hôm nay, sau 36 năm “Sao Tháng Tám”(cố Đạo diễn – NSND Trần Đắc) vẫn giữ trong mình hơi thở thời đại cách mạng tháng Tám hào hùng. Bộ phim xứng đáng mang sứ mệnh ghi dấu lịch sử dân tộc bằng điện ảnh.

Lấy bối cành những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám (1945), thời điểm nạn đói Ất Dậu khủng khiếp lan tràn khắp mọi nơi. “Năm 1940, phát xít Nhật chiếm đóng các thuộc địa Pháp trên bán đảo Đông Dương…”- ý tưởng chủ đề của bộ phim đã phần nào khái quát lại hoàn cảnh lịch sử để người xem có thể hình dung lại.

Bộ phim “Sao tháng Tám” đưa đến cho khán giả bức tranh về cuộc sống lầm than của dân ta mà không trang viết nào tái hiện chân thực bằng. Người đói vật vờ như những cái bóng khắp các hang cùng, ngõ hẻm, với tiếng khóc, tiếng rên, tiếng kêu ai oán. Hẳn ai đã từng xem qua bộ phim này, không thể quên được những tấm hình về nạn đói của Nguyễn An Ninh, cảnh quay ông cụ già thều thào khi bị mang đi “Tôi chưa chết đừng chôn tôi” và tiếng đáp trả của hai thanh niên “Đằng nào cụ chả chết, cụ đi sớm cho mát mẻ” hay cảnh cháu bé khóc thảm thiết “Các bác ơi! Cứu bà cháu với” đầy bi thương… Những công nhân lao động sống cảnh cơ cực trong các hầm lò, nhà máy với đồng lương rẻ mạt, ngày ngày bị đánh đập. Tội ác của Nhật, Pháp chất cao như núi.
 
Hào khí cách mạng tháng Tám trong bộ phim “Sao tháng Tám”

Giữa cảnh lầm than ấy, cuộc đối đầu giữa một dân tộc với những kẻ xâm lược đang chực chờ bùng nổ. Tập trung thể hiện một khía cạnh của tình hình xã hội có liên quan tới các nhân vật trong phim. “Sao tháng Tám” là cuộc đấu tranh từng giờ, từng phút của những chiến sĩ trong phạm vi nhỏ ở nội và ngoại thành Hà Nội từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1945 – thời kì căng thẳng nhất của cuộc kháng chiến. Mỗi nhân vật là biểu trưng cho một tầng lớp tham gia kháng chiến từ lôi kéo vận động quần chúng rải truyền đơn, huy động công nhân đình công ở các nhà máy, xí nghiệp đến trực tiếp liên lạc, chống lại việt gian. Từ người phụ nữ bụng mang dạ chửa như chị Nhu (NSUT Thanh Tú) một cán bộ Việt Minh cốt cán, những thanh niên trí thức như Kiên (NS Dũng Nhi), người phụ nữ nông dân như cô Mến (NSUT Thanh Hiền), đến những cụ già đói rách, cùng cực, những đứa trẻ ngây thơ… đều tham gia cách mạng. Họ kiên cường chống chọi với những tên chỉ điểm như Kiều Trinh (Cố NS Đức Hoàn), gã mật thám cáo già như Công. Với diễn xuất tài tình của dàn diễn viên trẻ, bộ phim đã khắc họa lại thời khắc căng thẳng trong cuộc đấu trí giữa những nhân vật đưa bộ phim đến tầm kinh điển có hơi hướng hành động của điện ảnh Việt Nam.

Có thể nói, “Sao tháng Tám” không chỉ là bộ phim mang giá trị lịch sử mà còn là mảnh đất để nhiều diễn viên tỏa sáng. Nhu là vai diễn để đời của NSUT Thanh Tú, trước đó, chị đã từng đóng nhiều phim như “Biển lửa”, “Tiền tuyến gọi” nhưng khi vào vai Nhu chị mới thực sự để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Vai diễn chị Nhu một cán bộ Việt Minh can trường xuất thân từ bần cố nông là hình ảnh trung tâm của “Sao tháng Tám” khi giả dạng một công nhân lao động, lúc là một nữ tu hành khi lại là một phụ nữ khâu thuê. Ánh mắt chị khi cương quyết giao nhiện vụ cho đồng đội, lúc tràn đầy xót xa khi chứng kiến đồng bào lầm than, lúc bi thương khi nghe tin chồng bị bắt. Vai diễn đã mang lại cho diễn viên Thanh Tú giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất ở liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV (1977).
 
NSƯT Thanh Tú trong vai Nhu- phim Sao tháng Tám
NSƯT Thanh Tú trong vai Nhu- phim Sao tháng Tám

Dũng Nhi sắm vai thứ chính trong phim, Kiên - chiến sĩ Việt Minh trẻ nhưng có người chị gái theo Pháp, sau đó theo Nhật, chuyên lùng bắt cộng sản. Dũng Nhi lúc đó chừng 24 tuổi, nghiệp dư, song vào vai khá sâu sắc. Anh đã thể hiện chân thực hình ảnh của một người thanh niên trí thức đến với cách mạng song vẫn đau đớn, xót xa cho chị gái của mình. Cảnh quay anh khóc nhìn chị gái mình trước khi ngã xuống đã ám ảnh người xem và ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc về sự day dứt giữa tình yêu nước và tình cảm ruột thịt.

Bộ phim sử dụng những khúc tráng ca cách mạng của nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi cùng giai điệu “Quốc tế ca” làm sống dậy một thời kì hào hùng của đất nước. Những đoàn người cầm cờ đỏ sao vàng, giơ cao khẩu hiệu chiến thắng trên đường phố thủ đô, những khuôn mặt chị Nhu, Mến hân hoan trong niềm vui chiến thắng đã khép lại bộ phim.

“Sao tháng Tám” được đánh giá là bộ phim thành công nhất về cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại. “Sao tháng Tám” cũng là một trong những bộ phim về chiến tranh có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Nam.

Nha Trang