1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Hà Nội xóa bỏ xích-lô là xóa bỏ văn hóa đặc trưng?

(Dân trí)- “Đứng ở góc độ của du lịch, những thành phố cổ kính như Hà Nội với 1.000 năm văn hiến, việc xoá bỏ xích lô là xóa bỏ đi nét văn hoá đặc trưng của thủ đô”- PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch VN cho biết.

Để phù hợp với sự phát triển của phương tiện giao thông, Hà Nội đang có kế hoạch loại bỏ xe xích lô, lý do đưa ra là, xe xích lô không còn phù hợp với đường phố hiện nay. Trước chủ trương trên, nhiều ý kiến cho rằng nên quy hoạch lại các tuyến phố dành riêng cho xích lô, chứ không nên xoá bỏ. Xích lô từ đâu đã được ví như một nét văn hoá đặc trưng của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Trao đổi với PV Dân Trí về vấn đề này PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam chia sẻ: “Đứng từ góc độ quản lý về giao thông, có lẽ chủ trương trên là đúng. Nhưng đứng từ góc độ của du lịch, lệnh xóa bỏ này chưa hoàn toàn đúng. Bản thân xích lô là một nét văn hoá đặc trưng của Hà Nội như tầu điện ngày xưa. Những thành phố cổ kính như thủ đô Hà Nội với 1.000 năm văn hiến, việc xoá bỏ nét văn hoá xưa là vô cùng đáng tiếc".
 
Hình ảnh chiếc xích lô đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong mắt du khách quốc tế
Hình ảnh chiếc xích lô đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong mắt du khách quốc tế
 
 
PGS.TS Phạm Trung Lương cho biết thêm: "Thay vì xoá bỏ, các cơ quan chức năng nên quy hoạch lại những tuyến phố mà xích lô có thể hoạt động phục vụ cho du lịch. Đặc biệt ở những phố có giá trị về mặt du lịch, thay vì cấm xích lô thành phố có thể cấm xe máy. Nên cân nhắc chủ trương trên, không nên quyết định vội vã, dễ gây hiểu nhầm là không quản lý được thì cấm. Phải đứng trên góc độ toàn cục để ra quyết định, chứ không phải chỉ trên góc độ giao thông mà bỏ đi nét văn hoá Hà Nội xưa”.

Còn theo đại diện của một công ty lữ hành, du khách quốc tế rất thích tour đi xích lô tham quan phố cổ. Hà Nội ít không gian dành riêng cho người đi bộ, với tình trạng giao thông như hiện nay, việc đi bộ ở Hà Nội được cho là không an toàn. Do đó, đi xích lô thuận tiện hơn và ngồi trên xích lô du khách vẫn có thể quay phim, chụp ảnh cảnh quan thủ đô. Xích-lô luôn được coi là một nét văn hóa đẹp của thủ đô và đã để lại nhiều ấn tượng  trong lòng du khách.

Đại diện công ty lữ hành cũng cho biết thêm, tại nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc có xe kéo, Nhật Bản có xích lô, Hà Lan cũng có xích lô và Thái Lan có xe tuk tuk… tất cả những phương tiện trên đều trở thành văn hoá đặc trưng của từng đất nước. Các nước bạn có thể giữ gìn và phát triển các loại hình phương tiện truyền thống độc đáo như vậy tại sao chúng ta lại xóa sổ xích lô?

Hình ảnh chiếc xích lô đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong mắt du khách quốc tế
Từ lâu ở Việt Nam, trong các việc đại sự của đời người như ăn hỏi, rước dâu... người Hà Nội vẫn dùng xích lô như một nét văn hoá đặc trưng không thể thiếu!
 
 
Bên cạnh đó, bản thân xích lô không chỉ mang ý nghĩa quan trọng ở góc độ làm du lịch mà ngay cả những việc đại sự của cả đời người trong các dịp ăn hỏi, rước dâu… người Hà Nội vẫn dùng xích lô như một nét văn hoá đặc trưng không thể thiếu!

Trước đó, tại buổi họp báo diễn ra ngày 6/8, ông Phạm Quang Nghị- Bí thư Hà Nội khẳng định, Hà Nội luôn coi trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa. Theo ông Phạm Quang Nghị, nếu dư luận đặt câu hỏi thành phố Hà Nội lựa chọn ưu tiên phát triển văn hóa hay kinh tế, Hà Nội sẽ đặt thứ tự ưu tiên là văn hóa và mong muốn trở thành thủ đô tiêu biểu về văn hóa.

 
Thu Hà