Giữ điệu Rơkel trên cao nguyên Lâm Đồng

(Dân trí) - Nếu trước đây chỉ cồng chiêng mới được xuất hiện trong các lễ hội đặc biệt của đồng bào các dân tộc ở Lâm Đồng, thì nay Rơkel (kèn bầu) - một loại nhạc cụ của người Chu Ru đã được kết hợp cùng. Sự thông nối giữa kèn bầu và cồng chiêng là sự kết nối giữa âm và dương, giữa vợ và chồng…

Tìm đến nhà Ma Tham (43 tuổi), nghệ nhân trình tấu Rơkel của lũ làng (dân làng) Chu Ru (ở thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) trong một buổi chiều. Tiếp chúng tôi, Ma Tham đã mượn Rơkel của bố chị để biểu diễn cho khách.

Vừa tấu chị vừa diễn giải, đây là điệu “Pro” (Con sóc)- gửi gắm về thân phận người con không có cha có mẹ, sống thui thủi một thân một mình, đơn độc giữa rừng sâu, chỉ còn biết bầu bạn cùng con chim con sóc, kiếm được quả gì thì ăn cùng nhau. Pro có giai điệu chậm, buồn, xa vắng, nao lòng.

Ma Tham vừa trình diễn điệu Rro (Con sóc) bằng Rơkel vừa diễn giải cho cho khách nghe
Ma Tham vừa trình diễn điệu Rro (Con sóc) bằng Rơkel vừa diễn giải cho cho khách nghe

Ma Tham học thổi Rơkel từ năm 13, 14 tuổi cho đến bây giờ, chị đã 43 tuổi. Chị kể: "Ngày trước, có người già vào làng thổi, mình hỏi điệu này điệu kia, nghe và để trong cái đầu rồi bắt chước, hai năm sau thì thành thạo. Các bài đều có sẵn, nhưng không ai biết ký âm để truyền dạy bằng văn bản, mà chỉ bằng phương pháp thị phạm, ai có năng khiếu cảm thụ thì nhớ".

Trong căn nhà của mình, Ma Tham đang say sưa kể chuyện cho khách thì bố của chị là già Ha Sen về.

Theo già Ha Sen, Rơkel có cấu tạo khá đơn giản, gồm một quả bầu và sáu ống nứa. Quả bầu giữ vai trò làm hộp âm và sáu ống nứa chính là đường âm. Tuy vậy, chế tác được một chiếc rơkel có âm sắc chuẩn, đầy đủ hồn vía thì lại là chuyện khác.

Để chế tạo được một Rơkel, trước hết, chọn quả bầu thật già, dày vỏ, kích thước vừa phải và tròn đều, đem thả xuống giếng nước cho ruột rữa ra trước khi loại bỏ ruột qua lỗ cắt ở phía cuống, rồi làm sạch bằng nước suối và mang đi phơi nắng. Phơi xong, cho vỏ quả bầu vào luộc với lá hoặc vỏ cây rừng có chất đắng chát để tránh mối mọt và co giãn sau này.

Kế đến, gác quả bầu lên giàn bếp khoảng một tháng cho da lên màu nâu đỏ và săn, rồi lại đem phơi sương thêm vài đêm nữa. Sau đó, khoét lỗ ở bên hông, kiểm tra âm để lắp 6 ống nứa thành hai hàng. Hàng trên gồm 4 ống và hàng dưới có 2 ống. Mỗi ống ở hàng trên sẽ được khoét một lỗ thoát âm tương ứng với các âm Đô, Rê, Mi, Fa trong âm nhạc phương Tây. Hai ống nứa ở hàng dưới cũng được làm tương tự. Có điều ở 2 lỗ thoát âm này, chỉ tạo ra được mỗi âm Sol. “Rơkel thiếu 2 nốt La và Si”, Ha Sen giải thích.

“Ống nứa phải thon gióng, mỏng vừa độ. Ống ngắn cho lượng âm cao, ống dài cho lượng âm thấp. Ống nứa cũng phải trải qua các khâu kiểm tra âm và phải đảm bảo độ bền chất liệu. Nếu thỏa mãn được những yêu cầu trên, bấy giờ người chế tác mới dùng dao chuyên dụng khoét sáu lỗ ở phía bên ngoài hộp âm (quả bầu).

Ngoài ra, người chế tác Rơkel còn phải tính toán, đo đạc, căn chỉnh làm sao lấy được phần chính giữa của ống nứa ở phía trong hộp âm, rồi dùng dao khoét một lỗ dài khoảng 2cm và gắn thêm một cái lưỡi gà bằng inox vào đấy để tạo độ rung.

Khâu này rất quan trọng và cũng là khâu khó nhất. Bởi nó quyết định âm sắc. Cuối cùng mới gắn đường âm (6 ống nứa) vào hộp âm (quả bầu) và lấy sáp của con ong muỗi cố định ống nứa vào quả bầu. Chiếc Rơkel hình thành. Tất nhiên, để âm sắc Rơkel chuẩn, có hồn vía, còn phải tháo lắp, chỉnh sửa nhiều lần", già Ha Sen nói thêm.

Ha Sen được Giàng (thần linh trong tín ngưỡng đa thần của người bản địa) chọn, trở thành truyền nhân giữ nghiệp làm Rơkel cho lũ làng. Nhờ óc sáng tạo cùng bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cầu kỳ và khả năng thẩm âm tinh tế, Ha Sen đã chế tác nên những chiếc kèn độc đáo, mang đúng điệu thức dân tộc mình.

Rơkel được sử dụng trong lễ hội Mừng lúa mới của người Chu Ru (ảnh tư liệu)
Rơkel được sử dụng trong lễ hội "Mừng lúa mới" của người Chu Ru (ảnh tư liệu)

Hơn chục năm nay, Rơkel của Ha Sen nổi tiếng khắp vùng. Nó theo chân người yêu nhạc có mặt ở trăm nhà, từ người Raglai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đến người Mạ, Chu Ru, K'Ho, Cil, Làc, Srê… ở hầu khắp các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Không những vậy, Rơkel của Ha Sen còn trải qua nhiều chặng đường để đến với đồng bào Êđê, Bana ở Đắk Lắk, Đắk Nông. Người tìm mua Rơkel là tìm bạn tri âm, tri kỷ. Thả hồn mấy điệu, nếu âm sắc Rơkel chuẩn là mua liền.

Cách thức sử dụng Rơkel là thổi hoặc hít hơi vào cuống quả bầu. Các ngón cái, trỏ, giữa và áp út bàn tay trái giữ lỗ thoát hơi của bốn ống nứa hàng trên. Ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải giữ lỗ thoát hơi của hai ống nứa hàng dưới. Rơkel có thể dùng độc tấu, hoặc hợp tấu với các loại nhạc cụ khác như chiêng, trống và một số điệu dân vũ của người Chu Ru.

Trong gdàn nhạc hợp tấu, Rơkel đóng vai trò giữ nhịp, tâm sự dọc chiều lễ nghi. Rơkel tấu trước, cồng chiêng đánh theo sau tạo nên bản hòa âm uyên bác, đa nghĩa. Tín niệm người Chu Ru cho rằng, sự thông nối giữa kèn bầu và cồng chiêng là sự kết nối giữa âm và dương, giữa vợ và chồng, giữa đực và cái.

Trong các lễ hội đặc biệt Rơkel được kết hợp với chiêng, trống và các làn điệu dân vũ...
Trong các lễ hội đặc biệt Rơkel được kết hợp với chiêng, trống và các làn điệu dân vũ...

Đồng bào Chu Ru sử dụng Rơkel ở mọi lúc mọi nơi, trong mọi trạng thái tình cảm. Những điệu Rơkel vui thì có: Cúng thần đập nước, mừng lúa mới, mừng nhà mới, cưới hỏi… Tiết tấu nhanh, rộn ràng, linh thiêng, có bài "Lấy lửa" (lấy lửa bằng cách cà vỏ cây nứa vào nhau). Điệu Rơkel thủ thỉ tâm tình có bài: Con đói rồi vợ ơi (chàng đang làm mỏi tay mới ra lửa, về thổi cơm cho con ăn)…

Mỗi điệu Rơkel gắn liền với một thông điệp, một bài bản riêng, không hề lẫn lộn. Người thổi hay Rơkel là phân biệt ở chỗ Rơkel có đủ điệu thức hay không, âm sắc có chuẩn, đầy đủ hồn vía không.

Hiện tại, trong văn hóa người Chu Ru Rơkel cũng như một món ăn tinh thần. Trong các lễ hội truyền thống không thể thiếu đi loại nhạc cụ này. Trong làng rất ít người biết sử dụng và làm ra được Rơkel, hy vọng già Ha Sen có thể truyền đạt cho lớp trẻ kiến thức tạo ra những Rơkel độc đáo và Ma Tham có thể đem những làn điệu đặc sắc bay xa.

Ngọc Hà