Nghệ An:

Giữ câu hát dân ca bên dòng sông Lam

(Dân trí) - “Về Thanh Chương chè xanh trái ngọt, nghe sông Lam thì thầm con sóng hát. Đời mẹ nghèo cà chua nhút mặn, vẫn nuôi con... ngày càng khôn lớn...”. Câu dân ca ngọt ngào này là lời chào mời thân thiết mọi người về thăm mảnh đất Thanh Chương, cũng là “món ăn đặc sản” của làng dân ca truyền thống Ngọc Sơn.

Cụ Lê Thị Vinh, 80 tuổi, làng Ngọc Sơn cùng các cháu của mình trong một buổi tập hát dân ca.
Cụ Lê Thị Vinh, 80 tuổi, làng Ngọc Sơn cùng các cháu của mình trong một buổi tập hát dân ca.

Vơi bớt mệt mỏi nhờ những làn điệu dân ca

Làng Ngọc Sơn nằm cạnh con sông Lam thơ mộng, thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An là một làng có truyền thống hát dân ca từ bao đời nay.

Theo người dân nơi đây, hoạt động hát dân ca đã có từ lâu đời, chẳng ai nhớ được cụ thể từ năm nào. Nhưng như một điều kỳ diệu, bằng một cách nào đó, những câu hát dân ca đã đi sâu vào tiềm thức của người dân, sớm trở thành một phần của cuộc sống, của tâm hồn con người nơi đây. Họ nói với chúng tôi rằng: “Nếu bây giờ không ca sẽ thấy mệt, thiếu dân ca sẽ thấy buồn”.

May mắn, tôi có được cơ hội thưởng thức câu hát dân ca của những người dân nơi đây. Khi những câu dân ca cất lên, tôi như nghe được cả nỗi lòng của người hát, không phải là những câu từ trau chuốt, những thanh âm mềm mại hấp dẫn giới trẻ như một bản nhạc pop. Cũng chẳng phải là sự nhẹ nhàng, du dương của dòng nhạc trữ tình, mà đây đơn giản là những ca từ xuất phát từ chính đời sống thực tế của họ. Chất liệu làm nên những câu hát ấy chính là cuộc sống thường ngày, bình dị không hoa mỹ nhưng chan chứa cảm xúc.

Hát dân ca.

Cụ Lê Thị Vinh, 80 tuổi, làng Ngọc Sơn chia sẻ: “Dân ca ở đây không ra đời bởi cá nhân nào cả, mà đó là thành quả của cả một thế hệ, rồi cứ thế lưu truyền đời này qua đời khác. Xuất phát từ những ngày lao động vất vả, mệt nhọc, người nông dân đã tìm cách xua đi mệt nhọc bằng những câu hát do họ tự nghĩ ra”.

Và cứ thế rồi những bài hát dân ca lần lượt được ra đời và lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Cái hay là ở chỗ những tác phẩm nghệ thuật ấy đều được ra đời ở những hoàn cảnh cũng “rất nghệ thuật”, đó là trên những cánh đồng, bãi ngô, là trên những con thuyền lúc đi đánh cá,… là những lúc người nông dân mệt mỏi nhất.

Như cụ Vinh chia sẻ, mục đích của những sáng tác này chính là để tiếp thêm sức mạnh, sự hứng khởi cho người lao động. Là một cách để biến những vất vả, mệt nhọc, lo toan trong cuộc sống thành niềm vui để tăng gia sản xuất, sống yêu đời hơn.

Truyền thống lưu giữ qua các thế hệ

Người làng Ngọc Sơn tự hào khi trong mình có mang “dòng máu nghệ thuật” của cha ông truyền lại, là một ưu điểm làm nên nét đặc trưng của người làng. Điều quý giá ấy cùng với lòng nhiệt thành, sự đam mê của những người yêu ca hát đã cho ra đời những làn điệu dân ca ngọt ngào, thắm thiết, sức sống bền lâu hơn.

Em Nguyễn Thị Hiền, 8 tuổi chia sẻ: “Em rất yêu và tự hào về những câu hát dân ca của làng mình, thích và thường được các cụ dạy cho các bài hát dân ca. Em mong bản thân có thể dùng giọng hát của mình để giúp nét đẹp truyền thống này của quê hương được gìn giữ bền vững”.

Cụ Lê Thị Vinh đang dạy các cháu hát dân ca.
Cụ Lê Thị Vinh đang dạy các cháu hát dân ca.

Nhìn cách các cụ tuy tuổi đã cao, hơi đã yếu nhưng vẫn tâm huyết chỉ dạy cho các em nhỏ từng câu, từng chữ của một bài dân ca chúng tôi biết được tình cảm của mọi người đối với nét đẹp truyền thống này to lớn đến mức nào.

“Không hi vọng các con phải được các giải thưởng to lớn. Chỉ mong các con biết và gìn giữ truyền thống của làng quê là bà mừng”- cụ Võ Thị Hồng (73 tuổi) - một người tham gia chỉ dạy các em tập hát dân ca, chia sẻ.

Chia tay chúng tôi là câu hát của cụ Vinh cất lên: “Đất Thanh Chương mần răng mà quên được, như nước sông Giăng xuôi về sông Lam…”. Tôi hiểu được trọn vẹn giá trị của truyền thống dân ca và lý do vì sao nên lưu truyền truyền thống ấy.

Phan Quỳnh