Giáo sư Phan Huy Lê chia sẻ về phát hiện khảo cổ mới nhất tại Hà Nội

(Dân trí) - Trong khuôn khổ “Hội sách Hà Nội 2014”, Giáo sư Phan Huy Lê đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị xung quanh các hoạt động khảo cổ tại Hà Nội cũng như quá trình ông cùng các cộng sự biên soạn bộ sách đồ sộ “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”.

Trong khuôn khổ “Hội sách Hà Nội 2014” diễn ra từ ngày 26/9 đến 2/10 tại khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, độc giả đã đã có dịp tham gia buổi tọa đàm trao đổi xung quanh bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” với sự góp mặt của Giáo sư Phan Huy Lê - chủ biên bộ sách cùng nhiều cộng sự của ông vào sáng ngày 27/9.

Giáo sư Phan Huy Lê (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự tại buổi tọa đàm

Giáo sư Phan Huy Lê (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự tại buổi tọa đàm

Phát hiện Đàn Tế Trời

Như chúng ta đã biết, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt những di tích cổ xưa nhất của Hà Nội đã được phát hiện, trong đó có phát hiện lớn nhất là tìm ra Hoàng thành Thăng Long, tức khu trung tâm - cấm thành Thăng Long xưa.

Cùng với phát hiện về trung tâm cấm thành, đứng về mặt văn hóa tâm linh, còn có hai phát hiện quan trọng nữa, đó là Đàn Xã Tắc (để thờ Thần Đất và Thần Nông - hai vị thần của nền văn minh lúa nước) và Đàn Nam Giao (để thực hiện các nghi lễ tế Trời - Đất).

Gần đây, giới khảo cổ học Hà Nội lại mới phát hiện thêm một di tích nữa. Hiện tại, theo Giáo sư Phan Huy Lê, phát hiện này vẫn chưa được công bố chính thức một cách rộng rãi.

Di tích này cũng nằm trên đường Hoàng Diệu, là một khối kiến trúc đặc thù, chưa từng thấy ở bất cứ quốc gia nào, ngay cả ở những quốc gia thuộc cùng hệ thống văn hóa với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Đó là những dấu tích của một Đàn Tế Trời, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, ở giữa có trụ rất lớn, kê trên một hòn đá, ở xung quanh có hai vòng tròn đồng tâm và hai bên là hai khối kiến trúc tương tự nhưng nhỏ hơn.

Đây là một lối kiến trúc rất kỳ lạ. Các nhà khoa học đã xác định được rằng khối kiến trúc này được xây dựng vào đầu thời Lý, trước cả khi nhà Lý xây dựng Đàn Xã Tắc hồi năm 1048. Hiện các nhà khoa học tạm gọi nơi này là Đàn Tế Trời, một công trình gắn liền với việc định đô tại Thăng Long của nhà Lý.

Đàn Tế Trời mang ý nghĩa linh thiêng bậc nhất của kinh thành Thăng Long, được xây dựng từ đầu thế kỷ 11 khi Lý Thái Tổ mới định đô. Như vậy, xét về văn hóa tâm linh, hiện tại Hà Nội có 3 cụm kiến trúc quan trọng, gồm Đàn Xã Tắc, Đàn Nam Giao, Đàn Tế Trời.

Hai “món nợ” gắn liền với bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội”

Với những giá trị to lớn về nghiên cứu lịch sử, văn hóa - xã hội, bộ sách “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” đã vinh dự được trao Giải Vàng Sách Hay và Giải Bạc Sách Đẹp tại cuộc thi “Sách Việt Nam” năm 2013. Tuy vậy, xung quanh bộ sách nhận được nhiều lời khen ngợi này, chủ biên của bộ sách - Giáo sư Phan Huy Lê cùng các cộng sự vẫn còn rất nhiều trăn trở.

Giáo sư Phan Huy Lê (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự tại buổi tọa đàm


Trước hết, công trình biên soạn này được triển khai từ năm 2005, biên soạn xong năm 2010, xuất bản năm 2011, khi đó Hà Nội đã có nhiều thay đổi về mặt địa giới (năm 2008 Hà Nội đã mở rộng địa giới). Điều này đã có ảnh hưởng tới tính thời sự của cuốn sách.

Ban đầu, khi biên soạn cuốn sách, đội ngũ tác giả đã quyết định giới hạn nội dung bộ sách trong phạm vi không gian địa lý của Hà Nội trước ngày mở rộng, và thời gian - kéo dài đến năm 2005, như vậy, toàn bộ phần mở rộng căn bản chưa được tích hợp trong bộ sử.

Ngay trong lời nói đầu của bộ sách, ban biên tập cũng đã coi đây là hạn chế rất lớn, là “món nợ” của tập thể tác giả đối với Hà Nội.

Tập thể tác giả đã cố gắng đến mức cao nhất để có thể đưa được vào bộ sách một phần lịch sử - văn hóa của những khu vực mới được sáp nhập vào Hà Nội, tuy nhiên, do yêu cầu ban đầu của đề tài chỉ là vùng Hà Nội “truyền thống” trước đây nên thông tin đưa thêm chỉ chiếm một mức rất khiêm tốn.

Trong lần tái bản tiếp theo, Giáo sư Phan Huy Lê khẳng định cần phải có sự bổ sung thỏa đáng nội dung về những địa phương hiện đã thuộc Hà Nội.

Thứ hai, bộ sách quá đồ sộ, gồm 2 tập, mỗi tập trên 1.000 trang. Trong yêu cầu biên soạn, tập thể tác giả đã đặt ra nguyên tắc tiên quyết là phải dựa trên nền tảng khoa học, bảo đảm độ tin cậy cao nhất cho người đọc.

Trên cơ sở biên soạn bộ sử đồ sộ này, đội ngũ tác giả cũng đang đề xuất để tiếp tục biên soạn một bộ sử phổ thông gọn gàng hơn, chỉ có 1 tập, dày 300 - 400 trang, viết thật cô đọng, dễ hiểu để phục vụ đông đảo người dân. Đây được coi là “món nợ” thứ hai mà tập thể tác giả còn đang “mắc nợ” đối với người dân Hà Nội và sẽ cố gắng khắc phục.

Bích Ngọc