Giải pháp nào cho bản quyền âm nhạc?

(Dân trí) - Sáng nay đã diễn ra buổi toạ đàm về Nhạc số Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền trên lĩnh vực Internet và di động; tạo ra các dịch vụ âm nhạc có thu phí với chất lượng cao, đầy đủ bản quyền.

Sáng nay tại TP HCM đã diễn ra buổi toạ đàm về Nhạc số Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp. Buổi toạ đàm xoay quanh vấn đề tìm ra giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên lĩnh vực Internet và di động đã kéo dài trong suốt thời gian qua; đồng thời cũng tạo ra các dịch vụ âm nhạc có thu phí với chất lượng cao, đầy đủ bản quyền.

Bản quyền âm nhạc vốn là một chủ đề gây tranh cãi và được quan tâm sâu sắc trong dư luận, do đó đã có rất đông phóng viên báo chí, các ca sĩ, đại diện các sở ban ngành, các đơn vị kinh doanh liên quan đã góp mặt. Mở đầu buổi toạ đàm, ông Trần Chiến Thắng - Chủ tịch hiệp hội ghi âm Việt Nam đã nêu lên những thực trạng đáng buồn của nền âm nhạc Việt Nam hiện tại.

“Thực tế là trong thời điểm hiện nay, các nghệ sĩ, các nhà sản xuất âm nhạc đã phải bỏ rất nhiều công sức để tạo nên một sản phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, điều đáng buồn là ngay khi sản phẩm mới ra mắt, chỉ một thời gian cực ngắn sau đã xuất hiện trên mạng và người nghe có thể vô tư tải về và sử dụng.

Quang cảnh buổi toạ đàm sáng nay
Quang cảnh buổi toạ đàm sáng nay

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, ngành Công nghiệp Ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động, hầu hết các trang web nghe nhạc trực tuyến hiện nay đều cho phép người sử dụng nghe và tải về miễn phí trong khi họ chưa được cấp phép cho việc đó. Điều này dẫn tới việc sản lượng băng đĩa của Hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới, vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ.”

Theo một thống kê mới đây, Việt Nam có đến ¼ dân số (hơn 20 triệu người) thường xuyên truy cập vào các trang web trực tuyến tải và nghe nhạc. Tuy nhiên, chỉ có 5% trong số đó trả tiền, 85% không trả tiền và 10% là đang lấp lửng giữa việc trả tiền hay không. Cũng theo thống kê này, hiện Việt Nam có hơn 150 trang web kinh doanh nhạc số vi phạm bản quyền, hầu hết trong số các trang web đó đều không được cấp phép trong việc cho người dùng tải về các sản phẩm âm nhạc.

Trước thực tại đáng buồn đó, các đơn vị quản lý, nghệ sĩ và các đơn vị liên quan từ lâu đã nhìn nhận ra vấn đề rằng cần phải hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền này, đã đến lúc các websites và dịch vụ âm nhạc trực tuyến trên di động cần đồng loạt thu phí download nhạc. Từ đó có thể tái nguồn thu để nuôi sống và phát triển nền âm nhạc.

Để làm được điều đó, chúng ta đang vướng phải nhiều thách thức rất lớn, ông Đỗ Mạnh Tuân - TGĐ MVCorp đơn vị đã bỏ tiền mua lại bản quyền hơn 40.000 ca khúc từ Trung tâm bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết: "Những khó khăn này không chỉ đến từ các công ty kinh doanh nhạc số mà còn từ các nhà mạng, từ thói quen sử dụng “chùa” của khán giả và từ thực tế là rất khó để có được tiếng nói chung, đồng lòng giữa các đơn vị kinh doanh nhạc số". Điều này nhận được sự hưởng ứng từ các trang web nghe nhạc trực tuyến lớn hiện nay.
 
Đại diện một trong các trang web nghe nhạc cho biết "“Nhiều người vẫn nghĩ rằng các trang web nghe nhạc chúng tôi có nguồn thu lớn từ quảng cáo, thực tế không phải vậy. Chỉ có khoảng 4,5 trang web có nguồn thu từ quảng cáo và số tiền đó không lớn như người ta tưởng, do đó, chúng tôi cũng muốn có thêm nguồn thu từ việc cho phép tải về các sản phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, hãy nhìn vào thực tế, chúng tôi muốn tuân thủ bản quyền lắm chứ, nhưng nhìn ra xung quanh mà xem, có đầy các trang web vi phạm bản quyền, cho tải miễn phí. Nếu chúng tôi thu tiền, người nghe chẳng dại gì trả tiền trong khi có đầy những trang web khác miễn phí, vậy chúng tôi sẽ mất luôn nguồn thu từ quảng cáo vì rating giảm”

Nghe nhạc ở Việt Nam vẫn phần lớn là... miễn phí
Nghe nhạc ở Việt Nam vẫn phần lớn là... miễn phí

Tuy khó khăn là vậy, nhưng 5 trong tổng số 150 trang web kinh doanh nhạc số đã ngồi lại cùng nhau và đi đến việc ký kết một hợp đồng, theo đó các trang web này sẽ đồng loạt thu phí tải nhạc ở cùng một thời điểm và cùng một mức giá từ ngày 1/11 tới đây, mức giá chung sẽ là 1000 đồng/tải.

“Chúng tôi rất hào hứng và tin tưởng rằng với việc thông tư số 07 vừa có hiệu lực vào ngày 6/8 vừa qua. Việc chấn chỉnh lại bản quyền âm nhạc và tạo nguồn thu tái đầu tư âm nhạc, giúp các nghệ sĩ có thêm kinh phí hoạt động và cho ra đời những sản phẩm chất lượng hơn. Chúng tôi tự tin từ nay đến năm 2014 sẽ có 10% số người nghe nhạc trả tiền bản quyền.” Ông Phùng Tiến Công, Phó tổng giám đốc MV cho biết. 

Trái ngược với sự lạc quan của MV, công ty có vai trò là đơn vị cung cấp bản quyền âm nhạc lớn nhất hiện nay, có không ít ý kiến trái chiều đã được báo giới đưa ra mổ xẻ. Trả lời Dân trí về việc liệu có là một cuộc chơi công bằng khi chỉ có 5 đơn vị trong tổng số 150 đơn vị ký kết Thoả thuận hợp tác và chỉ có 10% tuân thủ luật bản quyền? Còn hơn 145 đơn vị khác không ký kết và đương nhiên vẫn vi phạm là một con số quá lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới 5 đơn vị đã ký kết, chưa kể con số 10% người dùng tuân thủ luật là một con số quá nhỏ. 

Ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch hiệp hội ghi âm Việt Nam cho biết: “Hiện đã có các chế tài cụ thể về việc vi phạm bản quyền, theo đó các cá nhân vi phạm sẽ bị phạt số tiền lên tới 1 tỷ đồng, còn các đơn vị kinh doanh sẽ có thể bị phạt số tiền lên tới 2 tỷ đồng. Tôi nghĩ những đơn vị kinh doanh nhạc số trái phép hãy nhìn vào thực tế và cần phải tuân thủ luật. Sắp tới chúng tôi sẽ làm rất chặt chẽ và mạnh tay.”

Thoả thuận hợp tác đã được 5 đơn vị kinh doanh âm nhạc lớn nhất hiện nay cùng ký kết, tuy nhiên một số nghệ sĩ vẫn không tin rằng họ sẽ được bảo vệ kỹ hơn sau thoả thuận này, là chưa kể một số nghệ sĩ không hề muốn được... bảo vệ. Một số nghệ sĩ đã mua bản quyền các ca khúc thì sẵn sàng... chia sẻ miễn phí cho người nghe nhằm PR tên tuổi.

Một ca sĩ giấu tên cho biết: “Thực tế là hiện tại các ca sĩ thu được tiền từ việc bán đĩa là rất ít, những ca sĩ hạng B như chúng tôi, thậm chí cả một số ca sĩ hạng A nữa cũng đều coi việc phát hành đĩa nhằm mục đích PR nhiều hơn cả. Thậm chí những ca sĩ ít tên tuổi còn phải “lo lót” để sản phẩm âm nhạc của mình được các trang web âm nhạc sử dụng nhằm đến được tai công chúng thì làm sao chúng tôi có thể thu tiền người nghe?”

Rõ ràng là còn quá nhiều việc để có thể thu tiền từ các sản phẩm âm nhạc trên internet và di động, một điều hiển nhiên và đã được thế giới làm tốt. Tuy nhiên, với việc ký kết thoả thuận này, một bước tiến mới đã mở ra trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam.

 
 Phan Anh