Giải mã sức hút của những phim Việt có doanh thu trăm tỷ

(Dân trí) - Trong bối cảnh phim Việt chịu nhiều áp lực khi phải chia sẻ thị phần với phim ngoại thì việc “Em chưa 18” đoạt danh thu 107 tỷ sau 9 ngày công chiếu đã tạo ra một bước ngoặt mới. Bước ngoặt này khiến các nhà làm phim Việt phải thay đổi cách nhìn trong sản xuất phim ở thời đại mới.

3 cú “chấn động” của lịch sử phim Việt

Năm 2014, phim “Để mai tính” (phần 2) của đạo diễn Charlie Nguyễn đoạt doanh thu 101 tỷ sau 2 tuần công chiếu đã tạo nên một cơn “chấn động” đối với giới làm phim trong nước. Bộ phim làm theo thể loại hài hành trình với một cốt truyện đơn giản, kể về hành trình của nhân vật Hội sau khi đã trở thành một doanh nhân thành đạt trở về nước để thực hiện kế hoạch xây dựng khu trung tâm mua sắm khổng lồ. Trong hành trình này, nhân vật Hội gặp phải nhiều tình huống dở khóc dở cười trong chuyện tình yêu và công việc…

Đến năm 2015, bộ phim “Em là bà nội của anh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lại phá vỡ kỷ lục khi thu về 102 tỷ đồng sau 3 tháng công chiếu. Đây là một phim hài - tình cảm được thực hiện dựa trên Việt hoá bộ phim “Miss Granny” nổi tiếng của Hàn Quốc.

Chuyện phim xoay quanh bà Đại 70 tuổi, một bà già kiểu cách, khó tính, yêu thương con trai, có nhiều mâu thuẫn với con dâu, bạn bè. Bà bất ngờ được biến thành cô gái trẻ đang ở độ tuổi 20. Từ đó, bà lấy tên mới là Thanh Nga và tận dụng “giấc mơ” để thực hiện tâm nguyện còn dang dở thời trẻ.

Em chưa 18 vừa đoạt doanh thu 107 tỷ sau 9 ngày công chiếu. Ảnh: TL.
"Em chưa 18" vừa đoạt doanh thu 107 tỷ sau 9 ngày công chiếu. Ảnh: TL.

Và mới đây, bộ phim “Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn lại gây “choáng váng” khi chỉ mới sau 9 ngày công chiếu đã thu về 107 tỷ đồng, một con số mà chưa phim Việt nào có thể vươn tới.

Bộ phim thuộc thể loại chick flick, xoay quanh mối quan hệ oái oăm giữa một “tay chơi” trung niên Hoàng và nữ sinh trung học Linh Đan. Cô nàng Linh Đan vì bị hot boy bóng rổ phụ bạc để nên đã quyết tâm lên kế hoạch trả đũa. Cô nàng tìm cách cặp kè với một người đàn ông trưởng thành để bạn trai cũ phải hối hận. Anh chàng đào hoa Hoàng không may trở thành "người được chọn".

Linh Đan hóa trang thành cô gái quyến rũ để dụ dỗ Hoàng qua đêm và chỉ tiết lộ với anh mình chưa tròn 18 tuổi vào hôm sau. Cô nàng dùng một đoạn phim nhạy cảm giữa hai người để ép buộc Hoàng đóng giả bạn trai trước mặt các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, giữa hai người dần nảy sinh tình cảm thực sự.

Cả 3 bộ phim đều có điểm chung đó là thuộc thể loại giải trí, có cốt truyện đơn giản, số tiền đầu tư không quá nhiều và phù hợp với đối tượng khán giả trẻ.

Điều gì tạo nên kỷ lục doanh thu?

Trong 3 bộ phim kể trên, phim “Em là bà nội của anh” là tác phẩm đầu tay của nhà phê bình Phan Gia Nhật Linh và “Em chưa 18” là “đứa con tinh thần” thứ hai của Lê Thanh Sơn. Cả hai đạo diễn này đều “thuần Việt”. Điều này nói lên rằng, quan điểm: “chỉ đạo diễn Việt kiều mới làm được phim hay” giờ đây đã lỗi thời.

Cả Phan Gia Nhật Linh và Lê Thanh Sơn đã chứng minh họ là những đạo diễn “thuần Việt” nhưng có thể làm những bộ phim tạo nên bước ngoặt cho điện ảnh nước nhà. Và điện ảnh Việt có quyền đặt lòng tin vào những đạo diễn của thời đại mới với cái nhìn nhạy bén và sự sáng tạo thực tế.

Em là bà nội của anh từng khiến giới làm phim trong nước phải bàng hoàng khi đạt doanh thu 102 tỷ sau 3 tháng ra mắt. Ảnh: TL.
"Em là bà nội của anh" từng khiến giới làm phim trong nước phải "bàng hoàng" khi đạt doanh thu 102 tỷ sau 3 tháng ra mắt. Ảnh: TL.

Cũng từ con số bạc tỷ mà 3 bộ phim trên đã đạt được, có thể nói, thể loại hài - lãng mạn vẫn chưa bao giờ giảm sức hút đối với khán giả Việt. Tiếng cười của “Để mai tính” phần 2 có thể có đôi chỗ hơi gượng gạo nhưng được phần đông khán giả chấp nhận. Sang đến “Em là bà nội của anh” và “Em chưa 18”, tiếng cười đã tự nhiên hơn nhiều. Tiếng cười bật lên với những tình tiết được xây dựng hợp lý mà không cần phải gắn với những ngôi sao nổi tiếng của làng hài. Kể cả câu chuyện tình yêu có được thi vị hoá thì vẫn rất trực diện và thực tế.

Đặc biệt, “Em chưa 18” đã tránh được được lối mòn hài nhảm mà nhiều bộ phim thị trường trước đó mắc phải. Tình cảm gia đình, mặt trái xã hội, góc khuất tình yêu của giới trẻ… được đạo diễn đề cập một cách trực diện, không né tránh. Đạo diễn Lê Thanh Sơn đã phác hoạ những nét rất thật về cuộc sống của tuổi học trò thời nay ở một ngôi trường quốc tế (hình thức giáo dục đang rất phát triển tại Việt Nam).

Một thế giới với smartphone, với party, với prom, với việc học sinh thoải mái đi bar, thoải mái gần gũi với người khác giới và chuyện tình dục chỉ là chuyện nhỏ. Điều đáng nói là những cái xem chừng như “nhạy cảm” này lại không tạo nên cảm giác khó chịu cho người xem mà trái lại khiến người trẻ nhìn thấy mình trong đó.

Một điều không thể không kể đến đó chính là những dàn diễn viên mới mẻ, trẻ trung và tự nhiên. Cả 3 phim không cần đến những cái tên “bảo chứng phòng vé”, không cần phải là chân dài, Hoa hậu…

Dàn diễn viên mới mẻ và trẻ trung đã góp phần giúp Em chưa 18 đạt doanh thu kỷ lục. Ảnh: TL.
Dàn diễn viên mới mẻ và trẻ trung đã góp phần giúp "Em chưa 18" đạt doanh thu kỷ lục. Ảnh: TL.

Nếu Thái Hoà trong “Để mai tính” phần 2 được xem là “ăn may” khi có được những hiệu ứng tốt từ phần 1 của phim thì dàn diễn viên của “Em là bà nội của anh”, “Em chưa 18” lại là không cần sự “ăn may” đó. Những Miu Lê, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn… nhân vật chính của phim đều mang đến cho phim những làn gió mới. Thậm chí, “cô bé” 17 tuổi - Kaity Nguyễn (nhân vật chính của “Em chưa 18”) còn khá xa lạ với khán giả trong nước nhưng không hề tạo nên sự so sánh nào sau khi phim ra rạp.

Điều cuối cùng đó là công nghệ truyền thông đã góp phần không nhỏ giúp bộ phim kéo khán giả đến rạp. Một chiến dịch truyền thông bài bản được vạch ra kể từ khi phim tổ chức casting cho đến khi đóng máy khiến cho khán giả không ngớt tò mò. Bên cạnh đó, sự ưu ái của nhà phát hành dành cho phim với tỷ lệ suất chiếu và giờ chiếu “vàng” cũng làm cho cả 3 bộ phim “đại thắng” một cách ngoạn mục.

Hà Tùng Long