“Giải cứu” nghệ thuật truyền thống: “Khát” học viên, bị khán giả quay lưng (Kỳ 1)

Vắng người xem, thiếu người hiểu, nguy cơ mai một thất truyền, làn sóng hiện đại lấn át, chật vật tuyển sinh, “già hóa” sân khấu… là thực trạng đáng báo động đối với nghệ thuật truyền thống hiện nay.

“Nhạt” với nghệ thuật dân tộc


Các loại hình VHNT dân gian vẫn chỉ dựa vào các thành viên “lão làng”, quen mặt làm nòng cốt. Ảnh: LĐ

Các loại hình VHNT dân gian vẫn chỉ dựa vào các thành viên “lão làng”, quen mặt làm nòng cốt. Ảnh: LĐ

Có thể nói, hiện, văn hóa nghệ thuật truyền thống đang ở thế yếu. Các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian không thu hút thanh niên bởi thiếu sự định hướng, không nhiều sân chơi bổ ích. Bên cạnh đó, sự bùng nổ các phương tiện nghe nhìn với các loại hình nghệ thuật mới đang tác động mạnh đến nhận thức của thế hệ trẻ.

Một ví dụ: Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại Thanh Hóa (2017), các nhà hát vẫn chỉ dựa vào các thành viên “lão làng”, quen mặt làm nòng cốt. Đây là một trong những sân chơi có quy mô toàn quốc, 3 năm được tổ chức một lần nhưng đáng buồn thay khi vẫn vắng bóng tài năng nguồn.

Hàng loạt chương trình truyền hình có nhiều gameshow đặc sắc mua bản quyền của nước ngoài, phát sóng ở khung giờ “vàng” nhanh chóng nhận sự quan tâm của giới trẻ. Trong khi đó, chương trình trò chơi hay thi thố tài năng cho các loại hình nghệ thuật truyền thống lại nghèo nàn về phần kịch bản, vì vậy có chăng cũng chỉ thu hút khán giả trung tuổi.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đánh giá, thực tế thì chúng ta vẫn chưa có nhiều cách để đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ một cách hữu hiệu.

“Tôi cho rằng, còn thiếu sự đổi mới, thiếu một số yếu tố để tạo cho nghệ thuật truyền thống có đủ sức hấp dẫn. Một mặt khác, trong xu hướng thế giới hiện đại, nghệ thuật truyền thống cũng cần có những thay đổi cả về nghệ thuật cũng như phương thức hoạt động, cùng với đó là một chiến lược mới có thể đưa nghệ thuật truyền thống đi vào đời sống tinh thần” - ông Nguyễn Quang Long nói.

Cùng đồng quan điểm, NSƯT Thanh Ngoan - GĐ Nhà hát Chèo Việt Nam thẳng thắn cho biết, vài năm gần đây đã có nhiều chuyển biến trong truyền thông về nghệ thuật truyền thống nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Cần có kênh truyền hình chính thống, đầu tư cả về kinh phí và sức lực để người Việt hiểu văn hóa Việt. Đặc biệt, ngành du lịch là một kênh rất phù hợp nhưng nếu hướng dẫn viên chỉ giới thiệu thôi thì không hiệu quả. Hướng dẫn viên du lịch cần am hiểu về các loại hình nghệ thuật đặc trưng của điểm đến mới có thể lan tỏa kiến thức đến với đông đảo quần chúng.

Cơ sở đào tạo “khát” học viên

Một vài năm gần đây, giới văn nghệ sĩ ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống rất mừng khi nhiều đề án được đưa ra để triển khai như Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống; Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn năm 2020, định hướng 2030; Đào tạo bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030… Tuy nhiên, những đề án này theo thời gian vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Mặc dù đã tích cực tìm kiếm, huy động “đầu vào” nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo vẫn nằm ở tình trạng chung “khát” học viên.

NSƯT Thu Huyền - Phó GĐ Nhà hát Chèo Hà Nội cho rằng, các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo hay cải lương… không những khó về mặt chuyên môn mà còn khó cả về mặt cảm thụ. Đây là những bộ môn đòi hỏi người học phải có độ am hiểu tương đối về văn hóa, lịch sử, xã hội… và hơn hết là tình yêu với nghề. Chính vì vậy, các cơ sở đào tạo không những phải chật vật tuyển sinh mà còn phải chọn lọc rất kỹ càng trong số ít ỏi những hồ sơ đăng ký thi tuyển.

Theo NSƯT Thu Huyền, chương trình giảng dạy các bộ môn nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam không gợi được niềm đam mê cho sinh viên, vẫn chú trọng lý thuyết mà xem nhẹ thực hành. “Hiện số lượng học sinh theo đuổi nghệ thuật truyền thống rất ít. Có lẽ do mảng này không có bề nổi, khó nổi tiếng so với dòng nhạc hiện đại. Hơn nữa, nghệ thuật truyền thống có độ khó cao, thường là nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát, diễn xuất, hình thể, vũ đạo… Với đặc thù như vậy, cộng với tâm lý thích nổi tiếng nhanh cũng như đầu ra khó khăn khiến cho nghệ thuật truyền thống ít thu hút lớp trẻ” - NSƯT Thu Huyền nhìn nhận.

Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ khá bức xúc khi trước chế độ, chính sách về giảng viên chưa hợp lý. “Như tôi là cộng tác viên giảng dạy, đã có chế độ ưu tiên hơn so với giảng viên trong trường, nhưng 60 tiết học cũng chỉ được trả khoảng 2 triệu đồng” - NSƯT Thu Huyền chia sẻ.

NSƯT Thanh Ngoan có quan điểm: “chính sách tinh giản biên chế cũng gây khó cho việc giữ chân người học. Cần tinh giản biên chế nhưng với nghệ thuật truyền thống phải có sự quan tâm hơn. Nhiều em sau khi đã “lên hình lên khối” vẫn bỏ nghề vì không có biên chế, lương thấp… Vì vậy, chúng ta nên chọn lọc trúng và đúng những loại hình nghệ thuật để gìn giữ, đảm bảo đầu ra, tạo tâm lý yên tâm cho người theo học và làm nghề”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: “Nhu cầu và lợi ích, cần có sự cân bằng”

“Với bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn cần phải có những chính sách và sự bảo trợ của Nhà nước. Một trong những lý do chính mà sinh viên đến với ngành ngày càng ít là ngoài việc cần có một sự kiên trì để trải qua quá trình học tập bài bản thì cơ hội để tìm kiếm được một công việc tốt, thu nhập cao vẫn là một điều khiến người theo học nghệ thuật truyền thống khó đạt được. Để thay đổi điều này, cần có chiến lược bài bản cũng như sự quan tâm, đầu tư của các cấp quản lý. Và trên hết, giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, mới mong cải thiện và thu hút lớp trẻ ở những thế hệ sau”.

Theo Mai Châu - Khánh Hạ

LĐO