Giá mà cụ Trần Dần biết…

1. Trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn, có chi tiết nhân vật Dưỡng ép vợ chụp ảnh khỏa thân. Không phải một mà nhiều lần. Tất nhiên đi kèm là nhiều lần quan hệ tình dục không được sự chấp thuận của người vợ.

Nhà văn mô tả điều đó như một lẽ đương nhiên. Chấp thuận hay không chấp thuận thì “vợ chồng nửa đêm vẫn... vợ chồng” (giọng văn Trần Dần).

Những chi tiết này, dù được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, vẫn chìm khuất giữa những khía cạnh khác ồn ào hơn của cuốn tiểu thuyết như cách tân về lối viết, đề tài chính trị gai góc, sự lận đận không được xuất bản trong mấy chục năm trời...

Nàng Cốm (tên thật là Trinh), vợ Dưỡng trong tiểu thuyết được viết từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, chính xác là nạn nhân của bạo hành gia đình. Tóm lại, Dưỡng đã vi phạm pháp luật, vì “cưỡng ép quan hệ tình dục” nằm trong danh sách “Các hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ)”, Điều 2, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007. Hành vi “ép vợ chụp ảnh khỏa thân” cũng được liệt kê đích danh trong số các “Hành vi bạo lực tình dục”. Chưa kể Dưỡng còn ngang nhiên ngoại tình với một cô gái điếm.
 
Khi đọc

Khi đọc Những ngã tư và những cột đèn, hình như cũng chẳng mấy ai quan tâm đến khía cạnh đó. Nó được tình yêu che đậy. Tình yêu đầy ham muốn và gia trưởng mà Dưỡng dành cho vợ. Tình yêu non nớt nhưng sâu nặng mà Trinh dành cho chồng.

Nhưng dùng tình yêu để lý giải chỉ là một sự lấp liếm. Yêu thì vẫn yêu, tôn trọng thì vẫn phải tôn trọng, các cụ có câu “vợ chồng trọng nhau như khách”.

Giá mà cụ Trần Dần biết, chỉ vài lần bạo hành người vợ thôi là nhân vật Dưỡng đủ tiêu chuẩn đi tù rồi (vì tội cưỡng dâm)...

2. Còn rất nhiều nhầm lẫn về bạo lực gia đình mà lâu nay chúng ta vẫn mắc phải. Chẳng hạn, coi đây là vấn đề cá nhân mà không nhìn ra tính chất quy luật và xã hội của nó. “Đóng cửa bảo nhau”, người ta hay nói thế. Đó là sai lầm cơ bản của không chỉ xã hội mà còn của truyền thông, sai lầm của truyền thông tác động ngược trở lại nhận thức xã hội. Một vòng luẩn quẩn.

Sai lầm này được tài liệu nghiên cứu “Truyền thông về Bạo lực gia đình” của Hiệp hội Phòng chống BLGĐ bang Washington (Mỹ) nêu ra rất rõ ràng. “Các nhà báo đã mô tả hành vi bạo lực như một bi kịch cá nhân không thể dự báo, thay vì nhìn thấy sự gia tăng tội ác”.

Báo chí mô tả bạo lực “như một phần của mối tình bi kịch” (chẳng hạn phỏng vấn một hàng xóm nói: “Hắn vốn rất yêu thương vợ con”), hoặc tô đậm tính tàn bạo, giật gân của hành vi bạo lực (gần đây có quá nhiều bài báo như vậy), khiến người ta ngộ nhận đó là những trường hợp cá biệt, trong khi nó rất phổ biến. Theo khảo sát của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe Dân số năm 2004, 51,1% nam giới Việt Nam được hỏi thừa nhận từng đánh vợ.

Bạo hành gia đình cổ xưa cũng gần ngang với... gia đình. Khi con người biết lập gia đình, con người đồng thời cũng biết bạo hành nhau.

3. Tại “Hội nghị Quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình”, diễn ra trong hai ngày 27 và 28/9 tại Hà Nội, một chủ đề rất được quan tâm là “Sử dụng truyền thông trong phòng, chống bạo lực gia đình”.

Trong báo cáo về việc thực hiện “thí điểm” ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) từ năm 2006 đến năm 2012, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Duyên nêu rõ, mục tiêu đầu tiên là “thay đổi quan điểm bạo lực là chuyện riêng”, một mục tiêu khác là “phá bỏ quan niệm truyền thống/bất bình đẳng về nam tính”. Ở đây, “truyền thống” tương đương với “bất bình đẳng”. Có bao giờ hai từ “truyền thống” nghe đáng ruồng bỏ như thế này không?

Những sai lầm vẫn tiếp diễn. Theo tài liệu “Truyền thông về Bạo lực gia đình” của Mỹ, một sai lầm rất phổ biến là: đổ lỗi cho nạn nhân (“Cô ấy đã làm gì để bị như vậy?”). Hành vi này được đưa vào mục “Những điều nên tránh khi thu thập tin về BLGĐ”.

Còn nhớ, trong Nhân trường hợp chị Thỏ Bông, nhà văn Thảo Hảo - Phan Thị Vàng Anh từng giễu cợt một trong những lý do ngoại tình của các ông chồng: “vì vợ không biết mát xa giỏi như cô nhân viên ở quán thư giãn”.

Nếu nói các nạn nhân hoàn toàn không có lỗi thì sẽ là quy chụp, nhưng sự thật là phụ nữ thường là đối tượng bị đổ lỗi trong các trường hợp xảy ra BLGĐ, các nhà nghiên cứu khẳng định trong Hội nghị Quốc gia về Phòng, chống BLGĐ. Là nạn nhân hay thủ phạm, phụ nữ đều có xu hướng bị xét lỗi trước. Tại sao vậy? Có lý do nào khác bất bình đẳng giới?

Theo Mi Ly
Thể thao Văn hóa