Gặp người vẽ chân dung Bác Hồ bằng bút lửa nhiều nhất

(Dân trí) - Để có những tác phẩm đạt tính mỹ thuật cao, người họa sỹ phải dùng bút vẽ đặc biệt đốt bề mặt gỗ, tạo hình bằng những vệt cháy đen. Trong gam màu của gỗ, những nét nâu cháy hiện lên thật ấn tượng qua từng đường bút của họa sỹ.

Họa sỹ Hồ Ngọc Hiếu là người tâm huyết với nghệ thuật vẽ trên gỗ bằng bút lửa. Đây là loại hình sáng tác khá đặc biệt mới xuất hiện gần đây.

Hơn 5 năm trước, họa sỹ Hồ Ngọc Hiếu được một người bạn tặng một bức tranh vẽ bằng bút lửa. Bức tranh này đã khơi nguồn đam mê của ông. Ông mày mò và kiên trì học tập thể loại sáng tác mới này. Và cứ thế, những tác phẩm từ bút lửa ra đời và đến tay những người thưởng tranh.

Khách xem tranh đang quan sát các tác phẩm tại khu trưng bày của họa sỹ Hồ Ngọc Hiếu.
Khách xem tranh đang quan sát các tác phẩm tại khu trưng bày của họa sỹ Hồ Ngọc Hiếu.

Ngoài những tác phẩm theo chủ đề như: phong cảnh, Sài Gòn xưa, tiền, tem…thì đồ sộ nhất vẫn là bộ tác phẩm về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hiện nay, ông có gần ba mươi tác phẩm khổ lớn về Bác.

Ông cho biết: “Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chủ đề làm cho tôi có nguồn cảm hứng sáng tác rất đặc biệt. Năm 18 tuổi, tôi vào TPHCM lập nghiệp, vùng đất này cho tôi nhiều thứ. Chính vì vậy, quê hương thứ hai này của tôi giống như chất xúc tác, như một sự cộng hưởng, giúp tôi trải lòng vào những bức chân dung của Bác, của Đại tướng…”

Nỗ lực thực hiện các tác phẩm về Bác, năm 2013, ông được xác nhận kỷ lục “Người vẽ chân dung Bác Hồ bằng bút lửa nhiều nhất”. Năm 2014, ông lập tiếp kỷ lục là người thực hiện “bộ tranh bút lửa phỏng theo các bức ảnh về cảnh Việt Nam cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ có số lượng nhiều nhất”. Đây chính là những phần thưởng cao quý, công nhận sự cống hiến của ông trong sự nghiệp hội họa.

Buổi ban đầu, ông gặp khá nhiều khó khăn do quá ít tư liệu về loại hình nghệ thuật này. Tự tìm tòi và học hỏi, ông tự chế ra cho mình những cây bút lửa đầu tiên.

Họa sỹ đang thực hiện tác phẩm “thuận buồm xuôi gió”.
Họa sỹ đang thực hiện tác phẩm “thuận buồm xuôi gió”.
đầu bút dùng để đi nét mảnh.
đầu bút dùng để đi nét mảnh.
Bộ bút lửa tự chế.
Bộ bút lửa tự chế.
Ắc-quy điện trở dùng để nung ngòi bút.
Ắc-quy điện trở dùng để nung ngòi bút.
Rập của tác phẩm thuận buồm xuôi gió.
Rập của tác phẩm thuận buồm xuôi gió.

Ông cho biết: “Lúc mới cầm bút chưa quen, còn khá nhát tay nên chỉ vẽ lên những tấm gỗ nhỏ. Việc làm ra những cây bút lửa này cũng gặp khá nhiều khó khăn do vì thời điểm tôi bắt đầu học thì nó không bán trên thị trường. Chất liệu gỗ cũng là một vấn đề, gỗ dùng để vẽ phải màu sáng, ít vân và chỉ. Sở dĩ phải chọn gỗ màu sáng là do khi đốt bằng bút, vệt than sẽ có màu nâu đậm. Chính vì vậy, mặt gỗ sáng sẽ làm nổi lên bức họa. Bề mặt chất liệu phải trơn nhẵn môt màu, nếu có nhiều vân sẽ làm ảnh hưởng đến bố cục và chi tiết tác phẩm”.

Tác phẩm đang thực hiện dang dở.
Tác phẩm đang thực hiện dang dở.
Ông Hiếu đang chăm lại các ngòi bút trước khi bắt tay vào việc.
Ông Hiếu đang chăm lại các ngòi bút trước khi bắt tay vào việc.
Dùng chì phát nét một số chi tiết.
Dùng chì phát nét một số chi tiết.

“Khi cầm bút, nếu đi nhanh quá thì mất nét, nếu đi chậm thì gỗ bị cháy, nếu ấn mạnh bút quá thì đầu bút dễ hư do lúc nóng, đầu bút khá mềm, nếu nhẹ tay thì đường nét không có độ sắc. Chính vì vậy, khi sáng tác, tôi và bút là một!” họa sỹ Hiếu chia sẻ một cách khá tâm đắc.

Tác phẩm Việt Bắc.
Tác phẩm Việt Bắc.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là một người biết và ấn tượng với nghệ thuật tranh bút lửa, anh Cao Thành Công (quận 11, TPHCM) chia sẻ: “Tôi đặc biệt ấn tượng với bộ tranh chân dung Bác Hồ. Thật công phu khi thể hiện trường phái truyền thần bằng bút lửa. Trường phái truyền thần đòi hỏi bức chân dung phải như thật thông qua cách tả các chi tiết. Thông qua ngòi bút lửa của họa sỹ Hiếu, tôi thấy các tác phẩm của họa sỹ đẹp hơn và ấn tượng hơn…”.

Phạm Nguyễn
phamnguyen.dtr@gmail.com