Gạ tình trong showbiz Việt: Để không “thoả hiệp” với nạn quấy rối tình dục...

(Dân trí) - Những nạn nhân của chuyện gạ tình trong showbiz phải chăng đang bất lực vì vẫn còn nhiều người không dành cho họ lòng tin? Sao Việt phải làm thế nào để không “thoả hiệp” với nạn quấy rối tình dục trong môi trường giải trí?

Tiếng kêu cứu… giữa muôn vàn nỗi sợ

Nhiều người gọi chuyện gạ tình trong showbiz là “căn bệnh trầm kha khó chữa”. Bệnh trầm kha bởi không chỉ riêng trong showbiz Việt mới có chuyện này mà showbiz của bất kỳ nước nào cũng ồn ào bởi những câu chuyện tương tự. Tuy nhiên, “căn bệnh” này dù đã tồn tại rất nhiều năm và gây không ít ồn ã trong dư luận mỗi khi “phát bệnh” nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu… dừng lại.

Nhiều người thậm chí còn gọi những câu chuyện ồn ào liên quan đến việc “tố” gạ tình chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” bởi không phải nạn nhân nào cũng dám vén màn góc khuất chẳng mấy hay ho trong giới giải trí. Thậm chí, chỉ cần “mở miệng” là có thể phải nhận phản ứng ngược, nặng nề gấp bội từ phía người đời.

Ngay cả việc vũ công Phạm Lịch lên tiếng “tố” rocker Phạm Anh Khoa gạ tình mới đây cũng đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Người đứng về phía Phạm Lịch vì quan niệm “không có lửa làm sao có khói”. Người chê trách nữ vũ công này “vô danh tiểu tốt” nên phải “đeo bám” vào Phạm Anh Khoa để được nhiều người biết đến.

Việc vũ công Phạm Lịch tố rocker Phạm Anh Khoa gạ tình nhiều lần đang gây xôn xao trong dư luận.
Việc vũ công Phạm Lịch tố rocker Phạm Anh Khoa gạ tình nhiều lần đang gây xôn xao trong dư luận.

Chính Phạm Lịch trước khi chia sẻ về câu chuyện của mình trên trang cá nhân cũng đã “dự đoán” mình sẽ bị chửi khi dám nói ra những chuyện “tày trời”: “Tôi biết, tôi nói ra những điều này có thể sẽ bị chửi rất nhiều… Nhưng tôi nghĩ mình cần phải nói ra hết. Tôi nói ra sự thật, nói điều đúng thì không có gì phải sợ. Tôi không muốn bao che điều xấu và nếu không nói ra có thể tôi sẽ ám ảnh những điều này mãi bởi từ khi sự việc xảy ra, tôi mất ngủ liên tục và tâm lý khủng hoảng vô cùng”.

Bản thân Vũ Thu Phương đã từng buộc lòng phải “câm nín” chín năm trời trước việc bị “ông trùm” Harvey Weinstein gạ gẫm chuyện “dạy đóng cảnh nóng” tại phòng riêng khách sạn khi cô sang Los Angeles ra mắt phim Shanghai (Thượng Hải) năm 2008. Nữ người mẫu kiêm diễn viên gốc Thành Nam này đã từng có thời gian dài sống trong ám ảnh khi không thể “hé môi” nói ra câu chuyện của mình. Phải đến khi có nhiều người đẹp trong giới dám lên tiếng phơi bày chuyện gạ tình - đổi chác, cô mới dám mở lòng nói ra câu chuyện của chính mình. Ở thời điểm này, việc mở lòng chỉ để nhẹ lòng nhưng Vũ Thu Phương cũng vẫn bị nhiều quy gán cho không ít những lời “buộc tội”.

Đến một người được cho là “bản lĩnh” như Võ Hạ Trâm, khi quyết định công khai câu chuyện suýt bị một ông bầu ở Quy Nhơn có hành vi lạm dụng tình dục ngay tại khách sạn cũng đã phải rất “cân não” bởi cô biết nói câu chuyện đó ra chưa chắc đã có nhiều người tin. Điều khiến nữ ca sĩ họ Võ vượt qua mọi nỗi sợ hãi của bản thân để mạnh dạn đưa câu chuyện từ “bóng tối” ra “ánh sáng” là vì cô nghĩ mình phải có trách nhiệm cảnh tỉnh đồng nghiệp. Mặc dù sau đó, Võ Hạ Trâm cũng phải sống trong những tháng ngày ám ảnh vì luôn sợ bị trả thù.

Điều đáng nói là vì sao nhiều sao Việt “tố” chuyện bị gạ tình lại không mấy ai tin? Phải chăng vì showbiz quá nhiều những chuyện chiêu trò, lọc lừa khiến người ta mất hết lòng tin? Hay vì định kiến người kém nổi tiếng tố người nổi tiếng là “đu bám” đã ăn sâu vào suy nghĩ?

Bất lực vì nói ra không ai nghe

Nhiều nghệ sĩ cho rằng, các vụ tố gạ tình trong showbiz Việt dù có gây ồn ào nhưng sau đó lại “chìm nghỉm” trong im lặng. Các nạn nhân đã không đi đến cùng sự việc mà chỉ lên tiếng để “dằn mặt” các “yêu râu xanh”. Cũng có người chỉ kể ra cho nhẹ lòng chứ không có ý làm lớn chuyện. Thậm chí, một số trường hợp chỉ lên tiếng để “cảnh tỉnh” đồng nghiệp rồi cũng nhanh chóng quên đi. Bấy nhiêu lí do chính là nguyên nhân khiến cho “căn bệnh trầm kha” mang tên “gạ tình” như một loại virus có thể “bùng” lên thành “dịch” bất cứ lúc nào.

Bản thân MC kiêm người mẫu Phương Mai nhìn nhận rằng, nạn quấy rối tính dục đang ngày càng trở nên phổ biến, một phần là do một nhiều người chấp nhận thỏa hiệp, cam chịu sự việc không dám nói ra. Và một phần là bởi những “kẻ” bị lệch lạc trong nhận thức khi luôn quy gán cho các cô gái dám thẳng thắn tố cáo những “kẻ bệnh hoạn” muốn gây sự chú ý hoặc tạo cớ để nổi tiếng.

“Chúng ta đang bị gì vậy, liệu có phải chúng ta đang thỏa hiệp với hành động sai trái và chấp nhận nó là một hiện tượng hiển nhiên của cuộc sống… Buồn cho phái nữ trong thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn thiệt thòi lắm, đã chẳng được nâng niu, bảo vệ, lại còn bị soi mói, chỉ trích ngay cả khi đang cố gắng kêu gọi sự giúp đỡ.

Chúng ta luôn mong đợi cơ quan quản lý đưa ra các biện pháp, chiến dịch bảo vệ quyền lợi của … nhưng trong tiềm thức của chúng ta, chúng ta có đang bảo vệ phái yếu không? Trong tiềm thức của chính phụ nữ chúng ta, ta có cho rằng mình xứng đáng được bảo vệ không? Thiết nghĩ, để thay đổi được cả xã hội thì điều gần nhất và cần nhất nên làm chính là thay đổi nhận thức từng cá nhân đã. Giá mà ai cũng bắt đầu học cách nói “không” với những điều bỉ ổi...”, Phương Mai thẳng thắn bày tỏ.

PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng Thư ký Xã hội học Việt Nam cho rằng, gạ tình là một dạng của quấy rối tình dục. Không chỉ riêng trong showbiz mà ở nhiều môi trường và lĩnh vực công việc khác cũng có hiện tượng này. Tại sao hiện tượng này trở thành một “căn bệnh trầm kha” trong showbiz thì cần phải soi xét từ nhiều phía. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, nhiều “nạn nhân” vẫn cảm thấy bất lực bởi tiếng “kêu cứu” của họ không được số đông ủng hộ. Còn nếu im lặng để sống với câu chuyện ám ảnh đó họ sẽ không bao giờ có thể nhẹ lòng.

Theo PGS Trịnh Hòa Bình, qua theo dõi ông chưa thấy bất kỳ một vụ quấy rối tình dục hoặc gạ tình nào được đưa ra xét xử. Các vụ việc mới chỉ được nhìn nhận ở góc độ đạo đức, phẩm chất, biến chất của một bộ phận...

PGS Trịnh Hòa Bình quả quyết rằng, bất kể vì lí do gì, mỗi khi ai đó trở thành nạn nhân của việc bị quấy rối hoặc gạ tình thì phải lên tiếng để phơi bày sự việc. Càng “dĩ hòa vi quý” với những chuyện như thế này lại càng khiến cho mức độ càng ngày càng tăng. Và để có thể hạn chế được “căn bệnh trầm kha” này, cộng đồng cũng cần phải có cái nhìn khách quan và nên đứng về những nạn nhân yếu thế. Có như vậy mới hầu mong những nạn nhân khác vững lòng tin để nói ra câu chuyện của mình.

Đặc biệt, những nghệ sĩ có tên tuổi và uy tín lớn cũng cần có tiếng nói bảo vệ cho những đồng nghiệp của mình khi họ lâm vào tình cảnh bị quấy rối để họ bớt cảm giác sợ hãi và mạnh mẽ đi đến cùng sự việc. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng nên có thái độ dứt khoát với những “chiêu trò” dựng chuyện để vu khống, bôi bác hoặc hạ nhục người khác vì mục đích cá nhân. Chính những việc đó sẽ góp phần làm cho môi trường showbiz dần trở nên trong sạch và lành mạnh.

Hà Tùng Long