“Em bé napalm” nói gì về “em bé Syria”?

(Dân trí) - Bức ảnh “Em bé napalm” đã từng gây chấn động thế giới về mức độ thảm khốc của Chiến tranh Việt Nam. 43 năm sau khi xuất hiện trong bức ảnh đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến, Kim Phúc nghĩ gì về bức hình “em bé Syria”?

 

66-1441438714824

Chỉ vài tiếng sau khi bức ảnh đầu tiên xuất hiện trên mạng ghi lại kết thúc bi kịch của cuộc đời cậu bé 3 tuổi người Syria - Aylan Kurdi - cậu bé bị chết đuối trên đường đi tị nạn tới Hy Lạp, sóng đánh giạt thi thể em vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, những bức ảnh về cậu bé ấy ngay lập tức trở thành biểu tượng, khái quát cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử thế giới 7 thập kỷ trở lại đây.

Hình ảnh thi thể nhỏ bé của Aylan nằm sấp trên bãi cát ở gần một khu resort của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cộng đồng thế giới đau xót. Đây là bức hình thương tâm khiến cả thế giới phải cùng nhìn thẳng vào những nỗi kinh hoàng và hệ lụy khủng khiếp mà chiến tranh, bất ổn, xung đột và khủng hoảng nhân đạo đã gây ra cho những con người vô tội.

Nhìn lại những bức ảnh thảm khốc nhất khắc họa những bi kịch giáng xuống con người, trong đó trẻ em cũng là những nạn nhân khốn khổ, người ta không thể lãng quên bức ảnh “Em bé napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Út, thực hiện trong Chiến tranh Việt Nam. Khi bức ảnh xuất hiện trên mặt báo phương Tây, thế giới đã bị chấn động.

Kim Phúc - bé gái bị bỏng bom napalm trong bức ảnh của Nick Út - lúc đó mới 9 tuổi. Khi quả bom ném xuống làng Trảng Bàng, Nick Út đã kịp thời có mặt và nhìn thấy Kim Phúc, ông đã chụp lại một khoảnh khắc kinh hoàng của cuộc chiến.

67-1441438714802
Ngày 8/6/1972, một quả bom napalm đã rơi xuống làng Trảng Bàng ở tỉnh Tây Ninh, quả bom đã khiến cô bé Kim Phúc 9 tuổi bị bỏng nặng, vừa hoảng sợ vừa đau đớn, em vừa khóc vừa chạy ra khỏi ngôi làng cùng với những đứa trẻ khác.

Bỏng bom napalm rất khủng khiếp bởi thứ chất lỏng bắt lửa bám dính vào da, thiêu đốt da thịt. Thứ chất lỏng kinh hoàng ấy đã đốt cháy quần của Kim Phúc và bắt đầu làm da thịt em bị cháy sém, bong tróc, vĩnh viễn để lại những vết sẹo không thể nào biến mất trên cơ thể, bất kể 43 năm đã trôi qua.

Hai bức ảnh, một về em bé Việt Nam bị bỏng bom napalm, một về em bé Syria bị chết đuối khi đi tị nạn, đều gây sốc với dư luận thế giới. 43 năm sau khi xuất hiện trong bức ảnh gây chấn động - “Em bé napalm”, trong tuần qua, Kim Phúc đã trả lời ngắn gọn phỏng vấn của hãng tin Global News (Canada) về bức ảnh em bé Syria:

“Khi xem những bức ảnh đó, tôi cảm thấy rất buồn, có những trẻ em đã phải gánh chịu những bi kịch đau lòng như thế. Trẻ em được sinh ra với niềm tin rằng bất cứ đứa trẻ nào cũng phải được vui vẻ, hạnh phúc, được yêu thương, chăm sóc. Trẻ em không bao giờ đáng phải trải qua những bi kịch như thế, những cái chết thương tâm như thế”.

Kim Phúc đã trả lời phỏng vấn của Global News thông qua điện thoại từ nhà riêng ở Ajax, tỉnh Ontario, Canada.

68-1441438714841
Thi thể cậu bé Aylan Kurdi nằm sấp trên cát được tìm thấy ở một bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ. Cậu bé cùng mẹ và anh trai đã gặp nạn trong chuyến hải trình nguy hiểm mà cả gia đình đã trải qua với hy vọng tới được Hy Lạp tị nạn. Con thuyền đã bị lật trong đêm tối.

Kim Phúc tin rằng bức ảnh chụp bi kịch của cậu bé Aylan Kurdi sẽ tạo nên một sự thay đổi trong cách thế giới nhìn nhận về cuộc khủng hoảng người tị nạn, giống như sức mạnh mà bức “Em bé napalm” đã từng tạo ra đối với cách nhìn nhận của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam, giúp họ nhìn thấy bản chất cuộc chiến.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra trên thế giới được cho là chưa từng thấy kể từ thời Thế chiến II. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 59,5 triệu người đã buộc phải rời khỏi nhà của họ trong năm 2014 vì bất ổn, xung đột và khủng bố.

Một trong những nguyên nhân lớn nhất đưa tới con số thống kê đáng sợ này chính là nội chiến Syria và sự dã man của IS. Hơn 4 triệu người Syria đã phải sang các nước láng giềng tị nạn. Hơn 310.000 người Syria đã chết kể từ khi nội chiến nổ ra năm 2011.

Aylan Kurdi là một trong những nạn nhân của cuộc khủng hoảng người tị nạn. Aylan (3 tuổi), anh trai của cậu bé - Ghalib (5 tuổi) và người mẹ - Rehan đều đã bị chết đuối khi con thuyền chở gia đình họ và một số người tị nạn khác bị lật ngoài biển trên đường tới Hy Lạp.

69-1441438714858
70-1441438714875

Chỉ có người cha trong gia đình - anh Abdullah là còn sống sót sau khi đã vật lộn để cứu vợ con. Cái chết của 3 người nhà Kurdi nằm trong số những người tị nạn bị thiệt mạng ngoài biển. Con số này đang ngày càng tăng lên khi cuộc khủng hoảng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Tính tới 1/9, Tổ chức Quốc tế về Người di cư (IOM) ước tính đã có 2.643 người tị nạn chết ngoài vùng biển Địa Trung Hải và biển Aegea. Trong khi các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn chưa thể thống nhất về cách đương đầu với hơn 351.000 người tị nạn, người di cư vẫn đang đổ về Châu Âu từ các nước Trung Đông và Châu Phi.

Hình ảnh cậu bé Aylan Kurdi như một tiếng chuông rung lên cảnh tỉnh nhân tâm, khẩn thiết yêu cầu các quốc gia Châu Âu hãy mở rộng vòng tay đón nhận người tị nạn, đặc biệt là những người đến từ Syria.

Bích Ngọc
Theo Global News

vanhoa-4fc8b