Du khách nườm nượp về dự ngày giỗ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

(Dân trí) - Ngày 9/1, hàng nghìn du khách đã nườm nượp đổ về khu di tích đền Trạng Trình tại xã Lý Học - Vĩnh Bảo (Hải Phòng) để dự lễ kỷ niệm 427 năm ngày mất danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Lễ hội đền Trạng Trình, kỷ niệm 427 năm ngày mất danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức trọng thể từ ngày 8/1 đến ngày 10/1/2013. Tuy nhiên, ngày 9/1 là ngày chính hội với những nghi lễ truyền thống trong ngàyđại lễ được tổ chức trọng thể.

Ngay từ sáng sớm ngày 9/1, mặc dù thời tiết buốt giá nhưng trên mọi nẻo đường đổ về đền Trạng Trình tại xã Lý Học - Vĩnh Bảo (Hải Phòng) luôn nườm nượp với hàng nghìn du khách và nhân dân địa phương. Ai cũng muốn trở về mảnh đất linh thiêng để tỏ lòng tưởng nhớ một danh nhân văn hóa không chỉ của vùng quê Vĩnh Bải nói riêng mà của cả dân tộc Việt Nam suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Hàng nghìn du khách và người dân địa phương nườm nượp đổ về dự lễ 
Hàng nghìn du khách và người dân địa phương nườm nượp đổ về dự lễ 
Hàng nghìn du khách và người dân địa phương nườm nượp đổ về dự lễ kỷ niệm 427 năm ngày mất danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương cũ nay thuộc xã Lý Học - Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học. Năm 45 tuổi tức năm Giáp Ngọ dưới triều nhà Mạc (1534), ông dự thi Hương, rồi thi Hội, thi Đình và đỗ đầu cả 3 kỳ thi dành ngôi vị Trạng nguyên.

Ông làm quan dưới triều nhà Mạc gần 8 năm đến chức Tả Thị Bộ Lại. Sau khi Mạc Đăng Doanh mất, con nhỏ nối ngôi bọn quyền thần tranh giành địa vị, làm nhiều điều ngang ngược, phá nát triều đình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ xin chém 18 lộng thần nhưng vua Mạc Phúc Hải không nghe. Vì vậy, ông đã từ chức về quê dựng Am Bạch Vân dạy học. Nhóm thơ văn do ông sáng lập và lãnh đạo đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ văn chữ Hán và chữ Nôm có giá trị. Riêng ông sáng tác và tuyển chọn được hàng nghìn bài thơ chữ Hán và chữ Nôm in thành 2 tập: Bạch Vân quốc ngữ thi và Bạch Vân Am thi tập.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là người thầy đạo cao, đức lớn được trí thức và nhân dân kính trọng. Ông là người có công lớn nhất của 4 đời vua nên vua Mạc Mậu Hợp đã phong chức tước cao nhất: Thái phó Trình Quốc Công. Khi ông mất, ngoài việc cấp 3000 quan tiền để dựng đền thờ, nhà vua đã tự tay viết chữ vào biển treo trước đền thờ ông: “Mạc triều Trạng Nguyên Tể tướng từ” (Đền thờ quan Trạng Tể tướng triều Mạc).

Toàn bộ quần thể đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được quy hoạch trên một diện tích rộng 5,7 ha, thuộc làng Trung Am quê ông. Khu di tích gồm 9 hạng mục: tháp bút Kình Thiên; đền thờ dựng sau khi cụ mất (1585) với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất, bức hoành phi trong đền ghi 4 chữ “An Nam Lý Học”; nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; phần mộ cụ thân sinh ở phía sau đền; tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7m, nặng 8,5 tấn; hồ bán nguyệt rộng khoảng 1.000m²; chùa Song Mai; Nhà Tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quán Trung Tân, nơi lưu giữ quan niệm mới về chữ “Trung” hướng lòng theo “chí trung chí thiện”.

Hàng nghìn du khách và người dân địa phương nườm nượp đổ về dự lễ 
Hàng nghìn du khách và người dân địa phương nườm nượp đổ về dự lễ 
Về đền Trạng Trình, ai cũng muốn mua cho mình một chữ Nho để giáo dục truyền thống hiếu học cho con cháu.

Tất cả các hạng mục kiến trúc được sắp xếp hợp lý, khoa học, cảnh quan hài hoà khiến cho chúng tôi cảm tưởng như đang đến thăm một danh lam nào đó. Năm 1991, di tích này đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia.

Tại lễ hội đền Trạng Trình kỷ niệm 427 năm ngày mất danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo sự tham gia của du khách và nhân dân như: Hội chợ sinh vật cảnh; vật truyền thống, thi đấu bóng chuyền, kéo co, cờ tướng, cờ người, hội thi “chọn người hiền tài”, múa rối cạn, rối nước, pháo đất… Đặc biệt, phần lễ gồm các hoạt động tôn nghiêm như: lễ mộc dục, lễ rước văn, cáo yết, dâng hương…hứa hẹn mang lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về dự lễ hội.

Từ Hà Nội về dự lễ, ông Đào Đình Phủ chia sẻ: “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một vị danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Vào ngày giỗ của cụ, tôi muốn đưa các con cháu mình về thắp nén hương tưởng nhớ và cũng để giáo dục truyền thống hiếu học của cha ông cho con cháu noi theo”.

Là người dân địa phương, chị Lê Thị Lan cho biết: “Tôi rất tự hào vì được sinh ra và lớn lên tại vùng quê cụ Trạng. Người dân quê tôi thường tự nhủ trong lòng và giáo dục các thế hệ lấy niềm tự hào về truyền thống quê hương để phấn đấu học tập và lao động để góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Đền Trạng Trình sẽ tiếp tục mở cửa đón du khách về tham quan và hành lễ đến hết Tết âm lịch.
Đền Trạng Trình sẽ tiếp tục mở cửa đón du khách về tham quan và hành lễ đến hết Tết âm lịch.
Đền Trạng Trình sẽ tiếp tục mở cửa đón du khách về tham quan và hành lễ đến hết Tết âm lịch.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Cảnh - Chánh văn phòng UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết: Trong 3 ngày lễ hội, ước tính có hàng nghìn du khách và nhân dân địa phương về đền Trạng Trình dự lễ. Lễ hội đền Trạng Trình cũng là hoạt động trọng điểm hưởng ứng năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013.

Để công tác phục vụ du khách và nhân dân địa phương về dự hội được chu đáo, UBND huyện Vĩnh Bảo đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, vật lực chỉnh trang toàn bộ khuôn viên khu di tích, trong đó có đền Song Thân; đầu tư bổ sung và phục chế một số đồ thờ tự trong đền gồm: Long ngai, bài vị, đại tự, di chuyển cụm tượng quan Trạng, phun cát san nền, hoàn thiện các văn tự tại đền Chính, đền Song Thân, Am Bạch Vân...

Địa phương cũng xây dựng kế hoạch, giao công an xã Lý Học đảm nhiệm để khắc phục những  tiêu cực trong dịch vụ trông coi xe của du khách thập phương về dự lễ hội. Việc buôn bán trong khu di tích cũng được quản lý chặt chẽ hơn. UBND huyện Vĩnh Bảo thông báo công khai  cấm bày bán sách mê tín dị đoan, tranh ảnh không phù hợp thuần phong mỹ tục; chỉ đạo lực lượng công an dẹp bỏ nạn ăn xin, chèo kéo khách tại lễ hội, cấm hoạt động cờ bạc trá hình...

Từ ngày chính hội 9/1, Đền Trạng Trình sẽ tiếp tục mở cửa đón du khách về tham quan và hành lễ đến hết Tết âm lịch.

Anh Thế - Quốc Đô