Phú Yên:

Độc đáo tiếng cồng chiêng, trống đôi làng Xí Thoại

(Dân trí) - Với đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm H’roi ở làng Xí Thoại, trống đôi, công ba, chiêng năm là tiếng lòng, là hồn thiêng. Nó không chỉ mà loại hình nghệ thuật giải trí trong những ngày hội làng, mà còn là phương tiện để “thông thiên” với thần linh, gắn kết tình đồng bào xây dựng cuộc sống và bảo tồn bản sắc văn hóa.

Trống đôi, cồng 3, chiêng 5 kết nối dân làng

Khách dưới xuôi, ngày càng nhiều đoàn ngược về làng Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) để thưởng thức, trải nghiệm nghệ thuật biểu diễn: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm và múa xoan, loại hình nghệ thuật vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.


Độc đáo nét cồng chiềng ở Xí Thoại như sợi dây kết nối bản làng

Độc đáo nét cồng chiềng ở Xí Thoại như sợi dây kết nối bản làng

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên khác, đồng bào Ba Na, Chăm H’roi ở làng Xí Thoại xem cồng chiêng là vật thiêng liêng, là tài sản quý nhất trong mỗi gia đình, dòng họ. Âm thanh của cồng chiêng là sợi dây kết nối, liên lạc với Giàng (trời) và đấng thần linh. Do vậy cồng chiêng không đơn thuần là một thứ nhạc cụ mà có chức năng đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, sinh họat của cộng đồng. Người Ba Na, Chăm H’roi ở Phú Yên nói chung và buôn Xí Thoại nói riêng có bộ cồng ba, chiêng năm và trống đôi. Phụ họa cùng dàn nhạc cụ cồng chiêng đội múa xoan của thiếu nữ. Với đồng bào làng Xí Thoại (cả làng Hà Rai, xã Xuân Lãnh), trống đôi là yếu tố đặc sắc trong không gian văn hóa cồng chiêng, một hình thái hoàn toàn mới lạ. Âm thanh của trống đôi hòa quyện cùng tiếng bùng boong của cồng chiêng. Tiết tấu, điệu thức của trống đôi đầy ngẫu hứng của người chơi. Đôi nam nghệ nhân biểu diễn vượt hẳn giới hạn người chơi trống, đánh trống thông thường mà đúng hơn là múa trống, giao lưu giữa hai người chơi trống, giữa trống đôi với buôn làng, người xem.

Mỗi người một trống mang vào vai và họ múa theo nhịp trống mà chính đôi tay của họ tạo ra tiết tấu thưa nhặt, dồn dập. Khi như tiếng róc rách của suối, lúc thì bập bùng của lửa hay những lời giao lưu tâm sự, khi dồn dập vui vẻ và có lúc lại thấy sự gấp gáp, ầm ào như mưa nguồn thác lũ đại ngàn... Nhạc sĩ K’pá Y Lăng, người con của Xí Thoại tự hào nói: “Trống đôi là nhạc cụ độc đáo của người Ba Na, Chăm Hroi trong dàn hợp “hợp xướng” cồng chiêng mà không dân tộc nào có”.

Tran phục đẹp bắt mắt của các cô gái Bana ở Xí Thoại
Tran phục đẹp bắt mắt của các cô gái Bana ở Xí Thoại

Những âm thanh, điệu thức của cồng chiêng, trống đôi là một sợi dây văn hóa tinh thần kết nối, truyền đời tạo nên một bản sắc văn hóa của người Ba Na, Chăm H’roi ở Đồng Xuân. Có cồng chiêng, trống đôi là có lễ hội, là có lũ làng và có tất cả đời sống văn hóa, tâm linh của cả dân tộc: trai gái đến với nhau; già làng kể chuyện cho con cháu, lũ làng nghe về những bản anh hùng ca bất khuất chinh phục thiên tai, địch họa, diệt trừ cái ác, cái xấu; mừng những thành quả, mùa màng bội thu; truyền dạy cho con cháu những cảm nhận sâu xa của văn hóa dân tộc… Già làng La Chí Thái nói: “Còn cồng chiêng, trống đôi là còn bản sắc, mà giữ được bản sắc văn hóa là giữ được hồn cốt của dân tộc mình. Hiện ngoài bộ cồng chiêng, trống đôi của buôn, hiện ở Xí Thoại có 7 hộ gia đình còn lưu giữ cồng chiêng, trống đôi như vật gia bảo”.

Làng văn hóa du lịch

Đề án xây dựng làng Xí Thoại thành làng văn hóa du lịch được triển khai từ đầu năm 2014, đã điều tra, khảo sát, tuyên truyền, vận động người dân ở đây tham gia bảo tồn văn hóa, vệ sinh môi trường, tham gia làm du lịch cộng đồng. Đề án đã kiện toàn lại đội cồng chiêng, vận động các em thanh thiếu niên tham gia; khôi phục nghề dệt thổ cẩm, làm rượu ché truyền thống; phục dựng hai lễ hội truyền thống là lễ hội xoay cột con trâu và lễ cúng mừng sức khỏe; nâng cấp sửa chữa nhà văn hóa thôn, mở rộng khuôn viên hoạt động lễ hội… Năm 2015, Phòng VH-TT huyện Đồng Xuân tổ chức công bố, giới sản phẩm du lịch cộng đồng ở làng Xí Thoại đến với du khách gần xa.

Trống đôi, cồng 3, chiêng 5 ở Xí Thoại
Trống đôi, cồng 3, chiêng 5 ở Xí Thoại

Xây dựng được một làng văn hóa du lịch bài bản đúng nghĩa không dễ, nhất là làng đồng bào dân tộc thiểu số. Chưa nói đến những chuyện to tác, chỉ riêng việc vệ sinh từ nhà, ra nhà Rông thôi cũng là cả vấn đề. Hay như chuyện đàn ông trong buôn thường uống rượu, giao những công việc nặng cho đàn bà; chuyện mê tín dị đoan, mời thầy mo cúng tống quái, ma quỷ, “xử” nhau bằng hủ tục; chuyện học hành; sinh đẻ có kế hoạch… tất cả muốn thay đổi, làm cho nó hoàn thiện, đẹp đẽ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống dân tộc là một bài toán không dễ và cần một quá trình, thời gian để chuyển biến.

Điều may mắn là ở Xí Thoại có già làng La Chí Thái và những người nhiệt huyết với công cuộc đổi mới. Khi có chủ trương vận động xây dựng làng Xí Thoại thành làng văn hóa du lịch, tất cả từ già làng đến con trẻ đều ưng cái bụng. Các mí lục tục kéo bộ khung, đồ nghề dệt thổ cẩm lâu nay “gác bếp” ra lau chùi, xuống chợ mua sợi về dệt và truyền dạy cho con cháu; những nghệ nhân trong làng thì mang cồng chiêng ra chỉnh, bịt lại trống đôi, chỉ cho thanh niên, con trẻ cùng luyện tập; đội xoan cùng nhau ôn lại các bài hát, điệu nhảy sau ngày làm rẫy...

Cồng chiêng, trống đôi thôn Xí Thoại trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch đã được công nhận
Cồng chiêng, trống đôi thôn Xí Thoại trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch đã được công nhận

Kết quả là sau một thời gian ngắn, làng Xí Thoại đã tạo ra “hình dáng” của một làng văn hóa du lịch. Già làng La Chí Thái phấn khởi cho biết: “Bà con ai cũng ưng cái bụng, từ bỏ những thói quen xấu, xây dựng buôn làng sạch, đẹp để đón khách du lịch, có cơ hội giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”. Trưởng thôn Xí Thoại Lê Thanh Hiếu cho biết thêm: “Thôn Xí Thoại có 180 hộ, 90% số hộ sử dụng nước giếng sinh hoạt, thực hiện vê sinh môi trường trong nhà ngoài sân, không nuôi gia súc dưới sàn nhà…; cả thôn có 9 tuyến đường liên xóm với chiều dài hơn 2km được bê tông hóa”.

Nhạn Sơn - Doãn Công