Thanh Hóa:

Độc đáo lễ hội mang tên nữ thủ lĩnh

(Dân trí) - Nàng Han - người con gái dân tộc Thái của bản Lùm Nưa, với lòng dũng cảm, sự mưu trí đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn. Sau khi giúp dân làng dẹp được quân giặc thì cùng ngựa bay về trời. Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về, người dân đã tổ chức lễ hội mang tên người con gái này để tỏ lòng biết ơn.

Hình tượng “thánh gióng” thứ 2

Lễ hội Nàng Han là lễ hội tâm linh độc đáo của người dân Lùm Nưa, đất Trịnh Vạn xưa, nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Theo các cụ cao niên trong bản, xưa kia trong một gia đình có hai chị em rất xinh đẹp, cô em đẹp người, đẹp nết, e ấp, dịu dàng. Nàng có mái tóc đen chảy dài như dòng suối, hương thơm lạ kỳ khiến trong và ngoài bản mường đâu đâu cũng nức tiếng khen ngợi. Người chị tên là Nàng Han, không chỉ đẹp người đẹp nết, còn rất đỗi thông minh, có tài võ nghệ hơn người.

Độc đáo lễ hội mang tên nữ thủ lĩnh  - 1

Trong lễ hội, những phụ nữ Thái múa quanh cây nêu.

Nàng Han thường cưỡi ngựa theo lũ trai trong bản vào rừng săn bắn muông thú. Nàng bắn trăm phát trăm trúng. Nghe tài cưỡi ngựa, bắn cung, múa gươm của Nàng Han, con trai các bản trên, mường dưới đua nhau đến đất Trịnh Vạn để được đua tài cùng nàng. Nhưng tất cả họ đều thua cuộc.

Một ngày kia, cuộc sống đang bình yên, bỗng chốc bị đảo lộn bởi bọn cướp từ đâu kéo đến, cướp phá, hãm hiếp dân thường. Triều đình thông báo tìm người hiền tài giúp nước, Nàng Han liền giả trai gia nhập nghĩa binh, do lập nhiều chiến công, nàng được triều đình ban thưởng, giao trấn giữ vùng biên viễn ngay tại quê nhà.

Độc đáo lễ hội mang tên nữ thủ lĩnh  - 2

Họ mặc những trang phục truyền thống.

Một lần khi đồ xôi cho binh sĩ ăn trước khi lên đường diệt giặc. Lúc Nàng đổ gạo vào hông là gạo trắng nhưng đến khi hông xôi tỏa mùi thơm ngào ngạt thì màu xôi bỗng đổi màu đỏ như máu. Lần đó Nàng Han chỉ huy binh sỹ đánh giặc thắng lớn.

 Sau khi đánh tan quân giặc, bản làng trở lại yên bình, Nàng Han giao binh sỹ cho một viên tướng chỉ huy rồi một mình phi ngựa vào núi Phả Thăm, đến sát chân núi đá thì cả người và ngựa từ từ bay lên trời. Để lại hình in trên mây trời vẫn thấy rõ hình ngựa đá in trên đỉnh núi Phả Thăm.

Độc đáo lễ hội mang tên nữ thủ lĩnh  - 3

Người dân hòa chung vui nhảy sạp.
 

 

Từ ấy đến nay, dòng sông Nhồng (người Thái gọi là sông máu, do máu giặc chảy mà thành) vẫn chảy trên núi hang Mường.

Ông Nguyễn Hữu Lịch, Trưởng thôn Cang Khèn, cho biết: “Trong hang  Mường, dưới có con sông Nhồng chảy qua, có nhũ đá hình thiếu nữ ngồi nghỉ sức, kế bên là hình voi, ngựa chiến hóa đá ngồi chầu, tương truyền là nàng Han đã hóa thân vào đó”.

Cảm phục, biết ơn người thiếu nữ đất mường Trịnh Vạn, hàng năm vào mùa xuân, bà con dân tộc Thái tưng bừng mở hội vừa tri ân công đức của nàng, vừa tạo khí thế bà con vui vẻ, tăng gia sản xuất, những mong mùa màng tốt tươi.

Độc đáo nghi thức lễ hội Nàng Han

Tưởng nhớ công lao của nàng, cứ mỗi độ xuân về, người dân Mường Trịnh Vạn lại nô nức tổ chức lễ hội Nàng Han.

Trước ngày lễ hội, dân làng chuẩn bị sẵn các lễ vật dâng tế nàng Han, gồm một con trâu trắng, một con lợn, một con chó, hai vò rượu cần, gạo nếp, gà, vịt, đồng thời chia thành 13 mâm lễ cúng các vị thần linh và nàng Han trước cửa hang Mường. Dưới vách đá tựa hình nàng Han, dân làng lập một đàn lễ bằng tre nứa, trên đó có một hương án 4 tầng để đặt lễ. Lễ vật trên cùng có 5 mâm, đặt ngay dưới cửa hang Mường.

Độc đáo lễ hội mang tên nữ thủ lĩnh  - 4

Thầy mo và các phụ nữ Thái tế lễ Nàng Han và các thần linh cai quản bản mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.

 

Lần lượt mâm có đầu trâu dùng cúng tế thần linh trên trời, mâm bày thủ lợn cúng nàng Han và em gái (nàng Tóc Thơm). Lễ vật bày bậc thứ hai gồm 3 mâm có xôi, thịt lợn, rượu cúng thần cai quản mồ mả, đất đai, gia súc, gia cầm. Lễ vật bậc thứ ba gồm 2 mâm xôi, thịt, một mâm nguyên con chó đã thui chín, lễ vật cuối cùng là một chĩnh rượu cần...

 

Độc đáo lễ hội mang tên nữ thủ lĩnh  - 5

Trong lễ hội, nhiều trò chơi dân gian được người dân tái hiện.

 

Trong không gian linh thiêng của hang Mường, dưới ánh đuốc bập bùng lúc mờ, lúc tỏ, người dân hướng về tượng đá có hình của nàng Han và lời khấn của bà Tày như vọng về từ quá khứ, thấm sâu vào từng mạch đá, lắng sâu trong lòng người... Sau khi hoàn chỉnh tế lễ tại hang Mường, các bà Tày tiếp tục về bản làm lễ tạ ơn, rồi ban lộc.

Kết thúc lễ, mọi người bản trên mường dưới kéo nhau ra bãi đất rộng bên kia sông Nhồng, tham gia các trò chơi, trò diễn mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Đồng thời thông qua lễ hội nàng Han, các cặp trai gái có dịp tìm hiểu nhau, cầu duyên cầu phúc.

Bình Minh