Gia Lai:

Độc đáo đội cồng chiêng nữ ở buôn K`Lên

(Dân trí) - Thường thấy trong các lễ hội như cúng mùa, bỏ mả,… là tiếng cồng chiêng được các chàng trai trong làng đánh vang lên. Khác với đó làng K`Lên lại là một trong những làng có đội cồng chiêng nữ đông đảo và tài hoa. Đây cũng là nét độc đáo, đặc sắc đồng thời cũng góp phần duy trì và bào tồn văn hoá của người dân tộc Tây Nguyên.

Đến làng K`Lên trong một buổi chiều vang vọng tiếng chiêng hoà theo nhịp điệu múa xoang uyển chuyển của những chàng trai, cô gái người dân tộc Bana càng làm cho không khí vui tươi, rộn ràng.


Đội cồng chiêng nữ bên nhà rông

Đội cồng chiêng nữ bên nhà rông

Để có được đội cồng chiêng nữ đông đảo gồm 30 người, đánh thành thạo những bản chiêng của người Bana như bây giờ là công lớn của ông Đinh Nhớch - người luôn đau đáu lo sợ văn hoá cồng chiêng mai một. Những ngày đầu mới thành lập từ năm 2010 ông đã cất công đến từng nhà vận động các em tham gia học đánh chiêng.

Ông cũng là người không ngại khó khăn chỉ dạy cho các em từng nốt nhạc. Ông chia sẻ: “Để nét văn hoá cồng chiêng của buôn làng không bị mai một tôi cùng với già làng phải đến từng nhà vận động các em đến tập chiêng. Cũng có những gia đình không muốn con em theo học nên ra sức ngăn cản, những lúc như vậy thì mình phải giải thích, ra sức thuyết phục các em theo học”.

Chưa dừng lại tại đó việc học đánh cồng chiêng cũng không hề đơn giản, mất nhiều công sức đề truyền dạy. Có những em mới học được một thời gian thấy khó quá muốn bỏ không theo nữa ông Nhớch cũng nhẹ nhàng nói để các em hiểu và tiếp tục học đánh chiêng giữ gìn bản sắc dân tộc.


Ông Đinh Nhớch bên đội chiêng nữ của làng K`Lên

Ông Đinh Nhớch bên đội chiêng nữ của làng K`Lên

Em Đinh Rắc là một trong những thành viên đánh chiêng rất giỏi của đội cồng chiêng nữ trong làng. Em chia sẻ: “Thời gian đầu để đánh được những chiếc chiêng nặng cả gần chục cân đã rất vất vả, để đánh đúng nhịp điệu để tiếng chiêng hay cần học rất lâu và kiên trì. Nhưng nhờ chú Nhớch đã tận tình chỉ dạy nên giờ em cũng thuộc được gần 30 bài chiêng”.

Đến nay đội cồng chiêng của bản gồm 30 thành viên từ 7 - 18 tuổi hầu hết đều đã biêt đánh chiêng thành thạo. Mỗi tối tập chiêng bên nhà rông càng làm tăng thêm tính kết nối giữa những người dân nơi đây. Đội chiêng nữ cũng đã giành được nhiều giai thưởng khi tham gia các cuộc thi cấp huyện và đạt những thành tích làm lên niềm tự hào của người dân làng K`Lên.

Theo ông Phạm Quang Ánh cán bộ văn hoá xã Ia Khươl cho biết: “ Làng K`Lên là một trong những làng có đội cồng chiêng nữ duy nhất tại xã, đội cũng đã từng tham gia những giải thưởng cấp huyện và giành được giải khuyến khích. Với những đội cồng chiêng nam để tham gia và giành được những gải thưởng đã rất khó khăn. Với đội cồng chiêng nữ tại làng khi tham gia có giải thưởng thì lại càng là động lực giúp dân làng thêm yêu bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá của dân tộc mình".

Ông Nguyễn Hữu Quới, Trưởng phòng VH-TT huyện Chư Pah cho biết: “Đội cồng chiêng nữ được thành lập góp phần bảo tồn văn hoá cồng chiêng của buôn làng. Việc quy tụ được đội chiêng với 30 người của ông Đinh Nhớch là một điều rất đáng để tuyên dương.”

Đội chiêng nữ của buôn K`Lên không chỉ là niềm tự hào của buôn làng mà còn là một phần gắn kết người dân trong thôn buôn trong những buổi sinh hoạt cộng đồng giúp duy trì bản sắc, văn hoá từ những lễ hội cồng chiêng đang dần mai một.

Anh Tú - Thúy Diễm