Điện ảnh sẽ đưa vịnh Hạ Long ngang tầm đảo Jeju của Hàn Quốc?

(Dân trí) – Cái bắt tay giữa điện ảnh và du lịch trong nước liệu có thể hút khách du lịch về với các danh thắng như vịnh Hạ Long.

Nhờ có sự phát triển của điện ảnh, ngành du lịch của Hàn Quốc tăng trưởng mạnh trong vài thập niên trở lại đây. Trong số những địa điểm du lịch được hưởng lợi từ điện ảnh Hàn Quốc không thể không nhắc tới đảo Jeju – danh thắng làm chất liệu cho rất nhiều bộ phim được yêu thích như: Dae Jang Geum, Boys over flowers, Secret garden, Princess hours, Personal taste, Lie to me…

Đảo Jeju, Hàn Quốc

Đảo Jeju, Hàn Quốc

Nước ta có một địa danh cùng xếp hạng là một trong 7 kì quan thiên nhiên thế giới như Jeju, đó là vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long nằm ở tỉnh Quảng Ninh, có bờ biển dài 120 km, diện tích 1.553 km2, với 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều hồ bên trong những hang động đá vôi khổng lồ.

Vùng vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới có diện tích 434 km², như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông), bao gồm 775 đảo với nhiều hang động, bãi tắm.

Trước tiềm năng vô tận của vịnh Hạ Long, các nhà quản lý điện ảnh, du lịch trong nước đã đưa ra đề xuất kết hợp hai ngành này để quảng bá cho vẻ đẹp vịnh biển.

Cơ hội đưa vịnh Hạ Long ngang tầm với đảo Jeju

Khi các nhà quản lý điện ảnh và du lịch cùng ngồi lại,  bàn luận về vấn đề hợp tác phát triển cũng là lúc công chúng yêu mến vịnh Hạ Long được tiếp thêm hi vọng vào sự phát triển mang tầm quốc tế của vùng vịnh.

Tại cuộc hội thảo bàn về vấn đề này, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam nhiệt tình ủng hộ mong muốn của các nhà quản lý du lịch muốn dựa vào điện ảnh để quảng bá vịnh Hạ Long và kêu gọi các nhà đầu tư mạnh dạn góp vốn, ý tưởng.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Trịnh Đăng Thanh – Phó giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch khẳng định tỉnh sẽ phát huy mọi góc độ của truyền thông trong đó có điện ảnh, để cả du lịch và điện ảnh cùng có lợi.

Ông Trịnh Đăng Thanh – Phó giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Quảng Ninh

Ông Trịnh Đăng Thanh – Phó giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Quảng Ninh

Ông Thanh tin rằng, thông qua điện ảnh, du lịch Quảng Ninh nói chung và vịnh hạ Long nói riêng sẽ được nhiều người biết tới, phát triển bền vững.

“Chúng tôi mời gọi nhà sản xuất, nghệ sĩ đến với Quảng Ninh, với vịnh Hạ Long. Tỉnh sẽ có chủ trương, chính sách cụ thể tạo cơ chế thông thoáng cho nghệ sĩ trong quá trình làm phim.

Chúng ta cần phải học tập Hàn Quốc, mô hình phát triển du lịch của dảo Jeju và những biện pháp quảng bá du lịch qua điện ảnh để nói lên vẻ đẹp con người, đất nước chúng ta”.

Đạo diễn - nhà sản xuất phim Đỗ Minh Tuấn

Đạo diễn - nhà sản xuất phim Đỗ Minh Tuấn

Là nhà sản xuất phim – đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nhìn nhận thực tế các nhà làm phim Hàn Quốc đã thành công trong việc “make-up” làm đẹp cho đảo Jeju qua những bộ phim.

“Tôi đã xem seri phim “4 mùa” của đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc, nếu nhìn từ mục đích quảng bá du lịch, họ đã thành công. Nhà làm phim khiến cho khán giả quên đi mục đích của họ là quảng bá du lịch nhưng lại nhớ bối cảnh, hình ảnh đảo Jeju.

Chúng ta có thể học hỏi được từ họ cách làm phim, gắn tư duy hình tượng vào với mạch cảm xúc của bộ phim, chứ không phải chỉ gán cảnh đẹp vào phim.

Với tư cách là đạo diễn, tôi cần các nhà quản lý điện ảnh, du lịch hiểu ý đồ của tôi. Và cùng với sự thấu hiểu là hỗ trợ chúng tôi, những người làm nghệ thuật. Bản thân tôi cũng mong muốn làm những bộ phim quay tại vịnh Hạ Long, nói về sự tích Rồng Hạ, Phật Bà Quan Âm… làm cho hình ảnh Hạ Long trở nên lung linh hơn”.

Thực tế du lịch chưa “bắt tay” điện ảnh

Đạo diễn Lương Đức, người dã từng làm 8 bộ phim khoa học về vịnh Hạ Long cho rằng muốn làm phim hay cần phải có sự đầu tư của Nhà nước, các cơ quan, cá nhân đơn vị… vì làm phim rất tốn kém. Hơn thế nữa, điều đầu tiên cần thiết là cơ chế.

“Trung ương, địa phương cần phải ủng hộ, động viên sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Phim có hay mới thực hiện được cuộc cách mạng mà mọi người đang đặt ra. Tuy nhiên, những bộ phim như vậy còn xa vì thực tế nhiều khó khăn.

Muốn quảng bá du lịch không thể chỉ nhìn vào phim vì phim có hay tới đâu cũng không bằng thực tế.

Thực tế chặt chém, gây phiền nhiễu cho khách do còn quá nhiều cấp quản lý vẫn còn tồn tại. Thậm chí, tôi và người nhà cũng đã từng trải qua cảnh này. Vậy thì làm sao du khách muốn quay trở lại Việt Nam?”.

Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long

Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói về vấn đề này: “Điện ảnh là công cụ quảng bá hiệu quả nhất đối với ngành du lịch. Sự liên kết du lịch – điện ảnh ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phong phú (vịnh biển đẹp, các điểm du lịch được đánh giá cao). Thiên nhiên tuyệt đẹp của là trường quay lí tưởng cho các nhà làm phim.

Nhưng du lịch chưa thật sự bắt tay liên kết hữu cơ với điện ảnh, chưa biết tận dụng lợi thế của điện ảnh và chưa góp phần đầu tư cho điện ảnh”.

Bà Điệp thừa nhận rằng du lịch và điện ảnh hiện nay đang thiếu sự liên kết chặt chẽ và mong muốn rằng thông qua những cuộc trò chuyện thẳng thẳng thắn, cởi mở du lịch và điện ảnh sẽ kết nối với nhau.

Rất nhiều ý kiến khác của các nghệ sĩ tên tuổi trong làng điện ảnh nước ta đều tha thiết mong mỏi sự hợp tác giữa điện ảnh và du lịch song hiện nay vẫn chưa có một dự án, đề án cụ thể nào cho thấy sức mạnh hợp tác giữa hai bên.

Trong khi chờ đợi dự án đầu tư, vịnh Hạ Long vẫn mời gọi những người làm phim có tâm và nhiệt huyết về đây, nhưng liệu rằng nhiệt huyết đó có vơi dần theo thời gian, hoặc do gặp phải quá nhiều trở ngại như nhà biên kịch Nguyễn Hồng Ngát lo ngại?

Mai Châm