1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đi tìm một “Gangnam style” thực

(Dân trí) - Hàng trăm triệu người đã dõi theo điệu nhảy và lắng nghe bài hát “Gangnam style”, mà hầu hết không hiểu một từ. Và cũng rất ít người biết “Gangnam” là gì, “style” hay phong cách ở đây có gì nổi bật.

Đi tìm một “Gangnam style” thực
Một góc của quận Gangnam tại Seoul, Hàn Quốc.
 

Gangnam trong tiêu đề của bài hát đang làm mưa làm gió khắp thế giới của rapper Hàn Quốc Psy là quận mua sắm và dân cư giàu có nhất của Seoul, với những cửa hiệu sang trọng, những quán bar, hộp đêm, nhà hàng cao cấp mà khách viếng thăm là những người nổi tiếng.

 

Nhưng thậm chí với những người Hàn Quốc sống hoặc là khách tiệc tùng thường xuyên ở Gangnam, tức “nam của dòng sông” theo nghĩa đen và không hoa mỹ, họ cũng không có sự đồng nhất về “phong cách đặc trưng” của quận này.

 

Khi dịch lời của bài hát, một số người cho biết thấy sự châm biếm của Psy về sự giàu có khoa trương và tự cao tự đại của quận Gangnam, giúp họ hiểu thêm chút ít về Gangnam.

 

Psy hát về “gã uống ực một hơi cả cốc café nóng ” và người “hòan toàn điên dại khi thời cơ đến”.

 

Kwon Yu-Bi, sinh viên 23 tuổi và là khách thường xuyên “chơi” đêm ở Gangnam, cho biết bài hát không viết về một nơi cụ thể nào mà chủ yếu về chủ nghĩa khoái lạc mới thịnh hành ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

 

“Gangnam chỉ là một nơi biểu tượng và tôi nghĩ bài hát thực sự phản ánh Hàn Quốc, nơi người trẻ, trong đó có tôi, thích một đêm đi chơi cuồng nhiệt và điên rồ”, Kwon cho hay.

 

Có một chỗ ở tại Gangnam không hề rẻ, với giá căn hộ trung bình vào thời điểm bất động sản Seoul đang trượt dốc, cũng mất khoảng 720.000USD.

 

Một con phố ở Gangnam, với hai bên đường là bạt ngàn các cửa hàng với những nhãn hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Gucci, Cartier và Prada, đã được so sánh với Rodeo Drive của Beverly Hills, California, Mỹ.

 

Còn với Kim Hoo-Yeon, 23 tuổi, phong cách Gangnam thực sự không gì ngoài nỗi ám ảnh tiêu xài. “Mỗi lần tôi đến Gangnam, tôi cảm thấy người ta đến để khoe họ giàu có mức nào”, cô cho hay.

 

“Tôi thậm chí còn không cảm thấy nó đáng được gán cái “Gangnam style”, Park Seong-Jun, 29 tuổi, đồng tình. Park Seong-Jun cho rằng nơi đây đơn giản chỉ là cục nam châm hút những ai có đủ khả năng “tiêu tiền điên cuồng”.

 

Đoạn video, đưa Psy và “Gangnam style” nổi tiếng toàn cầu, thu hút được nửa tỉ người theo dõi trên YouTube, chắc chắn đã châm biếm hình ảnh về sự giàu có, sung túc của quận Gangnam.
 

Đoạn video cho thấy rapper Hàn Quốc lướt qua thế giới du thuyền, những lớp học yoga, những câu lạc bộ cao cấp, bằng điệu nhảy “cưỡi ngựa” và được những người mẫu xinh đẹp “hộ tống”.

 

Hàm ý về vật chất hào nhoáng bên ngoài được củng cố thêm bằng sự thật là một Gangnam nổi tiếng với những bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ, nơi những người nổi tiếng hay lui tới.

 

Nhưng Kim Soo-Mi, 49 tuổi, dược sỹ và đã sống ở Gangnam 15 năm, tin rằng hình ảnh này không đúng.

 

“Thật buồn là chỉ có những mặt tiêu cực của Gangnam được biết đến qua bài hát, bởi còn có rất nhiều điều hơn thế ở đây”, bà Kim cho biết. Và bà thấy quận của bà tinh tế chứ không phải chỉ hào nhoáng bên ngoài.

 

“Khi tôi tới những nơi khác cũng là khi tôi nhận ra Gangnam là nơi tạo ra xu hướng, không chỉ cho thời trang mà cho cả lối sống nói chung”, bà cho hay.

 

Và J.H. Lim, chủ một nhà hàng cao cấp ở Gangnam, cho rằng phong cách của Gangnam là sự tinh tế, chỉ thu hút cho một nhóm khách hàng là người lớn. “Nếu ai đó tìm nơi vui nhộn, có những nơi khác ở Seoul cho họ. Gangnam dành cho những người trưởng thành giàu có, muốn tận hưởng sự xa hoa và độc đáo”, doanh nhân 55 tuổi cho hay.

 

Vũ Quý

Theo AFP