Đền Chín Gian được công nhận di sản phi vật thể quốc gia

(Dân trí) - Ngày 11/3, (tức là ngày15/2 Âm lịch), tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong, đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng Di tích Lịch sử - phi vật thể đền Chín Gian và khai hội đền 2017.

Khai hội đền Chín Gian.

Đền Chín Gian (tiếng Thái gọi là Cẩu Hoòng) được xây dựng từ thế kỷ XIV, là nơi thờ cúng Trời (Thẻn Phà), Màng Xi Đa và Tạo Ló Ỳ - người có công lập bản dựng Mường của đồng bào các dân tộc ở miền Tây bắc Nghệ An. Đền được xây dựng tại khu vực núi Pu Quái, thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Đền nằm trên khuôn viên khá rộng theo nguyên mẫu nhà sàn của người dân tộc Thái: với thiết kế có 9 gian thờ, đại diện cho 9 mường chính trong khu vực.

Lễ tắm trâu.
Lễ tắm trâu.

Đông đảo nhân dân và đoàn thể trong nghi lễ tắm trâu ở dòng suối.
Đông đảo nhân dân và đoàn thể trong nghi lễ tắm trâu ở dòng suối.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, việc phát huy những nét văn hóa đặc sắc của các đồng bào dân tộc vùng Tây xứ Nghệ, những truyền thống quý báu, những giá trị tinh thần và những di tích mang dấu ấn thủa cha ông đi khai thiên lập địa, dựng bản lập Mường. Với tấm lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và là nơi gửi gắm tâm tư tình cảm, ước nguyện cho cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... việc phát huy bản sắc dân tộc ngày càng được quan tâm chỉ đạo.

Với những giá trị tiêu biểu, lễ hội đền Chín Gian được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13/6/2016 và năm nay được công nhận di sản phi vật thể quốc gia.

Đền Chín Gian được công nhận di sản phi vật thể quốc gia - 3
Sau đó con trâu được rước từ suối lên đền.
Sau đó con trâu được rước từ suối lên đền.

Lễ hội đền chín gian được Bộ VH-TT&DL công nhận di sản phi vật thể quốc gia là một động lực mạnh mẽ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị phi vật thể, nhằm đẩy mạnh quảng bá du lịch góp phần phát triển KT-X, cổ vũ, động viên Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện nhà quyết tâm phấn đấu ngày càng phát triển hơn nữa.

Lễ hội đền Chín Gian năm nay thu hút hàng ngàn du khách tham quan đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, cũng như khách quốc tế với những lễ nghi thiêng liêng, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao khu vực Tây xứ Nghệ như: Lễ tắm trâu theo nghi thức dân tộc Thái tại bến Tà Tạo dưới chân núi Pu Quái; lễ rước Tạo; lễ yết cáo; lễ tế... nhằm cầu mong cho một năm mưa thuận gió hoà, giúp đồng bào nuôi trồng phát triển.

Trong lúc rước mọi người đi phía sau, mang theo rượu cần, các sản vật của bản làng cùng rước lên đền.
Trong lúc rước mọi người đi phía sau, mang theo rượu cần, các sản vật của bản làng cùng rước lên đền.
Tham gia đoàn rước phải leo lên hàng trăm bậc thang, quanh co lên tận đỉnh núi - nơi đền Chín Gian tọa lạc trên đó để tế trâu.
Tham gia đoàn rước phải leo lên hàng trăm bậc thang, quanh co lên tận đỉnh núi - nơi đền Chín Gian tọa lạc trên đó để tế trâu.

Đã thành thông lệ, lễ vật đầu tiên và không thể thiếu mà dân Mường Tôn dâng lên trong dịp lễ tế trời và Tạo Ló Ỳ là một con trâu cái trắng(lễ vật cúng tế linh thiêng nhất). Mường Quáng và Mường Puộc cũng hiến hai trâu trắng nhưng là trâu đực; 6 Mường còn lại cúng 6 con trâu đen và phải là những con trâu khỏe mạnh.

Sau khi trâu được đưa xuống tắm ở bến sông Tà Tạo (bến Quan), lễ chém trâu sẽ được tiến hành trong tiếng reo hò của bà con về dự lễ. Thịt trâu được đặt lên bậc sạp cao nhất của gian đền. Thầy mo làm lễ nạp trâu suốt ba ngày đêm, rồi đem chia ra, nấu lên cho mọi người cùng ăn.

Lãnh đạo huyện Quế Phong đón nhận bằng công nhận đền Chín Gian là di sản phi vật thể quốc gia.
Lãnh đạo huyện Quế Phong đón nhận bằng công nhận đền Chín Gian là di sản phi vật thể quốc gia.

Tiết mục văn nghệ đặc sắc trong ngày khai hội.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc trong ngày khai hội.

Lễ hội đền Chín Gian là dịp để người dân 9 Mường xưa cùng hành hương về đây để tế lễ cầu trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu làm ăn gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi. Lễ hội cũng là dịp 9 Mường trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, hàng mỹ nghệ của địa phương như thổ cẩm, mây tre đan, trưng bày giới thiệu văn hóa ẩm thực với các món ăn truyền thống do các xã Châu Kim, Mường Nọc, Tri Lễ, Nậm Giải....

Song song với những hoạt động trong lễ hội đền Chín Gian, du khách còn có thể đến thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên kỳ thú nổi tiếng của miền Tây xứ Nghệ như: Thác Xao Va, thác Quai Lắn, thác 7 tầng...

Đền Chín Gian được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV tại Pú Chò Nhàng gọi là Tến Pỏm (đền trên núi) ở bản Khoẳng, Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Trong tâm thức của đồng bào Thái vùng Phủ Quỳ, đây là nơi hướng về trong tín ngưỡng tâm linh đối với Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập Mường). Đền có tên là "Tến Xớ Quái" (đền hiến trâu), nhưng vì có 9 gian nên bà con thường gọi là "Tến Cau Hoong" (có nghĩa là đền Chín Gian).

Truyền thuyết kể lại rằng, một năm, vào ngày mở hội tế trời, khi chuẩn bị hành lễ hiến trâu, bỗng có con rồng bay đến cuốn đi con trâu trắng của Mường Tôn. Thấy điềm xấu, Tạo Mường liền cho giết trâu làm lễ tế, khấn xin trời phật, tổ tiên để chuyển dời đền đi nơi khác.

Tương truyền rằng, có con quạ cổ khoang trắng đến gắp miếng xương trâu nơi đền cũ bay đi và thả xuống một ngọn đồi nhỏ phía nam Mường Tôn, còn gọi là Pú Căm (Núi vàng), tục gọi là Pú Quái (núi trâu). Trong kho tàng truyện cổ dân gian người Thái nơi đây vẫn còn lưu lại truyền thuyết lập bản dựng Mường hết sức đẹp đẽ.

Truyền thuyết xưa kể lại rằng, Tạo Mường ở Luông Pha Băng (cố đô Luôngphrabăng - Lào) sinh được 2 người con trai, anh là Ló Ỳ, em là Ló Ai. Cả hai anh em đều thông minh, khỏe mạnh hơn người nhưng người em vốn tham lam và đố kỵ, thấy cha có ý định nhường ngôi cho anh nên đã giết chết rồi vứt xác xuống dòng sông Mã (tỉnh Thanh Hóa bây giờ).

Và xác Ló Ỳ cứ trôi theo dòng nước bị mắc kẹt ở một khúc sông hẹp. Nhưng rất may, có một con quạ cặp một lọ thuốc tiên đến đổ vào miệng và bỗng thấy Ló Ỳ tỉnh lại, đi đứng bình thường. Nhân dân thấy Ló Ỳ khỏe mạnh, có nguồn gốc trong dòng dõi một quý tộc nên đã tôn Ló Ỳ làm Tạo và tên Tạo Ló Ỳ xuất phát luôn từ đó.

Nhớ ơn con quạ đã cứu sống mình, Ló Ỳ cùng nhân tại đây đặt tên cho Mường của mình là Mường Cả Giả (gọi là mường Quạ Cứu - nay thuộc xã Hội Xuân, huyện Quan Hoá, Thanh Hoá).

Vì quá thương cha mẹ già, Tạo Ló Ỳ đã trao quyền cho người khác để trở về quê cũ. Trên đường về quê cũ, băng rừng vượt suối, Tạo Ló Ỳ không biết đường nên đã lạc vào một vùng đất người Thái. Thể theo yêu cầu của mọi người, Ló Ỳ đã ở lại giúp dân lập bản dựng mường và trở thành vị chúa đất đầu tiên nơi đây.

Vùng đất đầu tiên do Tạo Ló Ỳ cai quản được gọi là Mường Tôn (Mường chủ, Mường gốc) bao gồm các bản Piếng Chào, Bản Đô, Bản Giang (Châu Kim), Bản Đỏn Cớn (Mường Nọc), Bản Pỏi, Bản Đỉn Đảnh (Châu Thôn), mường Chò Lè (Tri Lễ).

Và 8 Mường được lập sau là Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón, Mường Chòng thuộc 11 xã của 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp.

Sau khi lập Mường xong với tài đức cai quản của Tạo Ló Ỳ, cuộc sống của nhân đân khá lên. Tuy nhiên, ông trời vẫn thường gây nên thiên tai lũ lụt, bởi vậy, dân các Mường đã xin Tạo cho dựng một ngôi đền ở Mường Tôn, lấy chỗ cúng trâu cho Trời, cầu xin mưa thuận gió hoà, mùa màng no ấm. Tiếng địa phương gọi đền là Tến Xớ Quái (đền Hiến Trâu), nhưng vì đền có chín gian nên đổi thành Tến Cau Hong (đền Chín Gian).

Nguyễn Tú