Việt Nam thân thương:

Để lòng tôi với Hà Nội xốn xang

(Dân trí) - Mỗi ban mai thức dậy, nghe tiếng nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vang lên: "Đây Đông Đô, đây Thăng Long, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...", ta cảm thấy như một làn gió tràn vào tâm hồn, mát rượi.

(Ảnh: hieuminh.org)


(Ảnh: hieuminh.org)
Mỗi ban mai thức dậy, nghe tiếng nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vang lên: "Đây Đông Đô, đây Thăng Long, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...", ta cảm thấy như một làn gió tràn vào tâm hồn, mát rượi. Từ bao lâu không nhớ nữa, khúc nhạc như một thứ điểm tâm không thể thiếu, không thể quên, đến nỗi lúc đi xa, thấy một cái gì trống vắng đến nôn nao!

Hà Nội đang thu, mùa thu là mùa đẹp nhất của Hà Nội. Ai đã một lần ghé thăm Hà Nội vào mùa thu, chắc không thể nào quên cái sắc xanh của Hà Nội. Bầu trời trong xanh như hòa cùng màu nước hồ Hoàn Kiếm. Vào mùa thu, cây cối cũng thẫm xanh, không tươi non như buổi cuối xuân, nhưng lại đậm đà sức sống. Cái quan niệm "mùa thu lá vàng rơi" có lẽ không thích hợp với nơi đây. Đi dưới tán lá của hàng sao đen phố Lò Đúc, của hàng sấu phố Trần Hưng Đạo, hay trên những con đường Trần Phú, Nguyễn Du, Hoàng Diệu, Chu Văn An..., thấy lòng mình thấm đẫm sắc thu - một sắc biếc không dễ nơi nào cũng có. Còn thời tiết mùa này thì khó có thể mong muốn gì hơn. "Trời không nắng cũng không mưa, chỉ hiu hiu... gió cho vừa nhớ nhung..." (1). Không hoàn toàn như vậy, nhưng cái nắng mùa này trở nên dịu dàng như muốn làm tôn thêm cái màu xanh quyến rũ của trời thu. Đi suốt ngày ngoài phố không phải kè kè cái áo mưa, sùm sụp cái mũ, không lo bị hun đen đôi má tươi hồng, lòng trở nên thanh thản biết bao! Mùa thu thật đáng yêu, Hà Nội thật đáng yêu!

Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng bốn phần năm cuộc đời đã gắn bó cùng Hà Nội và đã yêu Hà Nội như yêu chính quê mình. Hà Nội đẹp và vẫn luôn hướng về cái đẹp, nhưng trên đường đi tới cái xanh tươi mơn mởn còn gặp bao rác rưởi, bụi lầm...

Nhà tôi ở nằm lọt trong một khu lao động nghèo có từ thuở xa xưa. Nơi đây là hình ảnh tương phản khá đặc trưng của Hà Nội bây giờ. Một khu nhà lầu, biệt thự mới mọc lên với vẻ tân kỳ hào nhoáng; nằm kế bên là một khu nhà mái thấp, mái cao nhuốm đầy mầu sắc thời gian; kế bên nữa là một khu "xóm liều" nhà nọ nối tiếp nhà kia, từng khúc, từng khúc như những đốt của một con sâu vươn dài ra gặm nát một cái hồ. Ngày ngày từng gánh đất, từng xe thồ cứ như những con kiến tha mồi, xây tổ nên chỉ chừng hơn nửa năm, một cái hồ rộng vài héc-ta đất đã trở thành một "xóm liều" hoàn chỉnh! Những cái hồ dù to, dù nhỏ cũng đã làm cho bức tranh Hà Nội trở nên thơ mộng, trở nên mát lành, giờ cứ bị gậm nhấm dần trở thành từng ô màu xám xịt. Những đặc ân của thiên nhiên ban tặng bị phá phách dần, liệu con người có thể làm lại được chăng?

Cái ngõ nhỏ mà tôi đang sống, mỗi ban mai cùng với tiếng nhạc nền "...đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu" là tiếng rao lảnh lót của cô gái bán xôi, tiếng mời chào của bà bán bánh. Hơn bốn chục năm qua, tôi đã quen với hương vị xôi vò, xôi xéo của Hà Nội, quen với những động tác nhanh nhẹn, tỷ mẩn đến điệu nghệ của những người bán xôi. Cái món quà sáng rất bình dân ấy có lẽ lại là món đặc trưng nhất mà "dù có đi bốn phương trời..." tôi cũng không thể nào quên được. Thế nhưng bây giờ tôi đành xa dần cái món ăn ưa thích ấy. Đâu phải chỉ vì đời sống khá lên mà người ta quên đi những món ăn truyền thống? Con ốc, con lươn cũng là món ăn bình dân mà sao giờ lên giá cao đến vậy? Cái món xôi vò, xôi xéo cũng như một số món ăn khác, có lẽ vì chạy theo lợi nhuận nên người ta quên mất cái "tinh", cái “thực” để thay vào cái “loè”, cái “giả”. Cái màu vàng của xôi, của đậu bây giờ sao mà đáng ngờ, sao mà đáng ngại!

Đi trên đường phố Thủ đô, tôi cứ bị ám ảnh hoài câu hát của Nguyễn Đình Thi "Đây lắng hồn núi sông ngàn năm...". Hà Nội không chỉ là của riêng của những người sinh ra ngay trên mảnh đất này, mà là của chung của mọi người dân Việt, dù đang sống ở đâu, ở Tây Nguyên, ở Hàn Quốc hay ở Hoa Kỳ. Hà Nội đã và phải là trái tim, là niềm tự hào của cả nước, cả dân tộc.

Thế nhưng, một thời gian dài, phố phường mất dần đi cái nét "Tràng An". Đi ra đường ít nghe thấy tiếng chào, tiếng cảm ơn, tiếng "thưa", tiếng "dạ", mà thay vào đó là những tiếng tục, tiếng lóng đến khó nghe. Môi trường ô nhiễm, ngôn từ cũng trở nên ô nhiễm. Thanh niên bây giờ thích nhạc Rock, nhạc Pop, thích hát Ka-ra-ô-kê, chẳng còn mấy người thích các làn điệu dân ca. Bản sắc dân tộc sẽ bị mai một đi nếu không được duy trì và thừa kế một cách đúng mức những vốn cổ mà ông cha bao đời để lại.

Đến xã Liên Hà (Đông Anh), tôi thật xúc động khi thấy cụ Mùi đã gần tám chục, cùng bác Hoan cũng đã ở tuổi "cổ lai hy" với một lòng nhiệt thành hiếm có đang ra sức dạy các cháu thanh niên học ca trù, một làn điệu đã có từ hơn năm trăm năm trước, bén rễ tại nơi này. Các cụ chỉ có một mong muốn duy nhất là truyền lại cho mai sau một làn điệu dân ca. Bác Hoan có một mối lo thật chính đáng khi nói vui với chúng tôi rằng, lỡ cụ Mùi và bác mất đi thì chẳng còn ai biết điệu ca trù truyền thống - không hoàn toàn như ca trù mà các nghệ sĩ biểu diễn hiện nay. Cụ Mùi đã từng học và đi hát ca trù khắp vùng Kinh Bắc từ hơn bảy chục năm nay. Còn bây giờ, người ta đã "hiện đại hoá" dần, không còn nguyên như trước. Tôi không nghĩ đó là một việc làm không đúng mà chỉ nghĩ là liệu các thế hệ mai sau có còn giữ lại được những gì bản sắc, tinh hoa mà ông cha truyền lại tự bao đời! Quan họ, chầu văn, điệu hò, điệu lý... lại hoà cùng nhạc Jazz, nhạc Rock? Một nền văn hoá cần phát triển đa phương nhưng bao giờ cũng phải có một "khoảng trời riêng" cho đặc thù dân tộc. Đất Tràng An không thể thiếu nét riêng của Tràng An…

Tôi thả hồn mình theo ngọn bút suốt chiều nay, ngọn bút tôi như cùng rung cảm với câu ca trong nhạc phẩm “Giữa chiều thu Hà Nội” của nhạc sỹ Thuận Yến "... Để lòng tôi với Hà Nội xốn xang"… (2).

Ôi, Hà Nội, Hà Nội mến yêu!

____________________________

(1) Thơ Hồ Dzếnh : “Trời không nắng cũng không mưa

Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung”

(2) Ca khúc “Giữa chiều thu Hà Nội” (phát trên đài TNVN)

Nhạc: Thuận Yến, thơ: Hoàng Gia Cương, ca sĩ: NSND Lê Dung

Hoàng Gia Cương