Phú Yên

Đặc sắc lễ hội “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” của người đồng bào Ê đê – Chăm – Ba Na

(Dân trí) - Ngày 3/3, tại thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã diễn ra lễ hội trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”. Đây là lễ hội cầu mùa màng bội thu, mua may bán đắt của người đồng bào Ê đê – Ba Na – Chăm.

Đặc sắc lễ hội “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” của người đồng bào Ê đê – Chăm – Ba Na

“Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” là bộ nhạc cụ có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần, nhất là trong những sinh hoạt văn hóa và lễ hội của đồng bào dân tộc Ba Na và dân tộc Chăm ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Yên nói chung.

Nghi thức lễ cúng lúa mới của người đồng bào Ê đê xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, Phú Yên
Nghi thức lễ cúng lúa mới của người đồng bào Ê đê xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, Phú Yên

Sự hòa quyện của ba loại nhạc cụ này trong âm điệu, tiết tấu và ngôn ngữ hình thể của người biểu diễn đã tạo nên một nghệ thuật trình diễn nghệ thuật hết sức độc đáo. Âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm có nhiều điệu thức khác nhau như: Lúc chào mừng hay đón khách thì tiết tấu nhanh, vui tươi, rộn ràng; bước vào cuộc giao lưu giai điệu lại lắng xuống, nhịp điệu trở về khoan thai, tình cảm; khi tiễn khách, âm điệu êm ái, thiết tha như muốn níu chân người…

Nghi thức lễ hội cầu hôn của người đồng bào dân tộc Ê đê – Ba Na xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân
Nghi thức lễ hội cầu hôn của người đồng bào dân tộc Ê đê – Ba Na xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân
Nghệ sĩ múa trống đôi
Nghệ sĩ múa trống đôi
Nét đẹp của người phụ nữ đồng bào
Nét đẹp của người phụ nữ đồng bào

Ngoài ra, âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm còn mang những giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc. Trong lễ cầu hôn, nó tựa như lời nhắc nhở đôi trai gái yêu thương nhau, thủy chung.

Nghi thức lễ ăn lúa mới ngoài rẩy của người đồng bào Chăm xã Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định
Nghi thức lễ ăn lúa mới ngoài rẩy của người đồng bào Chăm xã Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định

Tại lễ hội năm nay, hầu hết các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Ban Na, Ê Đê, Chăm đã được tái hiện trên sân khấu.

Nghi thức lễ cúng cầu mua may bán đắt của người đồng bào Ê đê xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, Phú Yên
Nghi thức lễ cúng cầu mua may bán đắt của người đồng bào Ê đê xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, Phú Yên

Là một người tham gia trình diễn giá trị di sản này, ông Sô Y Lũy, nghệ nhân huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cho biết: Rất vui mừng khi hôm nay được về tham dự và trình diễn những âm điệu đặc sắc của cồng chiêng, trống đôi. Đây là cơ hội để các nghệ nhân có thể giao lưu, phô diễn các giá trị văn hóa của địa phương mình. Đồng thời cũng là cơ hội để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Rất đông du khách và người dân địa phương đến lễ hội cầu mùa
Rất đông du khách và người dân địa phương đến lễ hội cầu mùa
Đặc sắc lễ hội “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm” của người đồng bào Ê đê – Chăm – Ba Na - 8

Để bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nghệ thuật trình diễn “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm”, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đang xây dựng kế hoạch sưu tầm và ký âm các bài nhạc; đồng thời tổ chức để các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy cách biểu diễn nghệ thuật này đến thế hệ trẻ.

Trung Thi